Quảng Ninh: Xét xử sơ thẩm lại vụ án hình sự cố ý gây thương tích

17/11/2015 06:46
Khúc Hạo
(GDVN) - Dự kiến, hôm nay, 17/11, Tòa án Nhân dân TP.Hạ Long, Quảng Ninh quyết định đưa vụ án hình sự cố ý gây thương tích của đối tượng Bùi Lai Thành ra xét xử.

Theo hồ sơ, khoảng 12 giờ ngày 5/8/2014, khi đối tượng Bùi Lai Thành đang ngồi ở nhà thì thấy anh Ngô Trung Hiếu đi qua nên gọi vào nói chuyện về mâu thuẫn tranh giành đất giữa hai nhà. 

Khi anh Hiếu vào nhà thì Thành đóng cửa lại rồi chạy vào buồng ngủ lấy một tuýp sắt dài khoảng 40cm vụt liên tiếp vào sống mũi và người anh Hiếu. 

Không dừng lại ở đó, Thành tiếp tục chạy vào lấy một con dao dài 25cm chém vào khuỷu tay, dùng gạch đập vào lưng anh Hiếu. 

Tại bản kết luận giám định pháp y thương tích số 280/2014/TgT (29/8/2014) của Phòng giám định pháp y, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh kết luận:

Anh Hiếu bị sưng nề vùng hàm, nhiều vết trầy xước da; Vùng mũi sưng nề, có vết thương dài khoảng 1,5cm; Sưng nề bầm tím khuỷu tay trái; Cẳng tay phải mặt sau 1/3 giữa có vết thương dài khoảng 1,5cm; gãy xương cánh mũi chính giữa… Các vết thương do vật tày gây nên làm anh Ngô Trần Hiếu bị tổn hại 12% sức khỏe.

Bị cáo Bùi Lai Thành tại phiên phúc thẩm (Ảnh: Khúc Hạo)
Bị cáo Bùi Lai Thành tại phiên phúc thẩm (Ảnh: Khúc Hạo)

Từ kết quả điều tra và căn cứ theo tài liệu, bằng chứng, Viện kiểm sát nhân dân TP.Hạ Long đã truy tố Bùi Lai Thành về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự (thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 104 BLHS).

Trong quá trình chờ vụ án được đưa ra xét xử, anh Ngô Trần Hiếu bất ngờ bị vướng vào một vụ án khác và bị bắt tạm giam. Đến ngày 2/7/2015, Tòa án nhân dân TP.Hạ Long đưa vụ án “cố ý gây thương tích” do bị cáo Bùi Lai Thành gây ra. 

Mặc dù phiên xét xử này, anh Hiếu không có mặt, nhưng Hội đồng xét xử vẫn quyết định tiến hành mà không cần biết bị hại vắng mặt vì lý do gì?

Do đó, sau phiên sơ thẩm, gia đình bị hại mới biết rằng có phiên tòa như thế khiến mọi người vô cùng bức xúc. Đặc biệt, khi đọc bản án số 135/2015/HSST ngày 2/7/2015 của Tòa án nhân dân TP.Hạ Long, mọi người không thể tin được rằng tòa có thể căn cứ vào tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và xét thấy bị cáo đã thừa nhận cáo trạng truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích là đúng người đúng tội…

Tuy nhiên, tòa tuyên bố bị cáo Bùi Lai Thành phạm tội “cố ý gây thương tích” áp dụng khoản 2, Điều 104 (thuộc trường hợp quy định tại khoản a khoản 1 Điều 104 BLHS); Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Khoản 1, 2 Điều 60 BLHS xử phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo…

Tại phiên phúc thẩm ngày 17/09/2015, đã phát sinh tình tiết mới khi cho đối chất giữa anh Hiếu và bị cáo Bùi Lai Thành, bị cáo thừa nhận, ngày đánh anh Hiếu còn có mặt em vợ Thành. Nhưng tại phiên sơ thẩm, Thành khai nhận chỉ có một mình Thành. 

Có thể nói em vợ Thành là một nhân chứng quan trọng đã bị bỏ sót cùng với việc vắng mặt bị hại trong ngày xét xử. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra và xét xử lại.

Ngày 17/11/2015 Tòa án nhân dân TP.Hạ Long quyết định đưa vụ án ra xét xử.  

Luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi (Đoàn luật sư Hà Nội) (Ảnh: Khúc Hạo)
Luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi (Đoàn luật sư Hà Nội) (Ảnh: Khúc Hạo)

Dưới góc độ đánh giá của chuyên gia pháp lý, luật sư Vũ Văn Lợi – Giám đốc Công ty Luật Hòa Lợi (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: 

Việc bị cáo Thành khai nhận thiếu khách quan, trung thực về nhân chứng trong phiên tòa sơ thẩm là hành vi thiếu thành khẩn, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, cũng cần phải làm rõ liệu em vợ Thành có trợ giúp, hay tham gia đánh Hiếu không. 

Mặc dù có các tình tiết giảm nhẹ như đề nghị của Viện kiểm sát, nhưng với tính chất mức độ phạm tội và hành vi của bị cáo là hết sức nguy hiểm cho xã hội. Đồng thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mâu thuẫn giữa bị cáo và những người khác là vẫn có thể. 

Việc sử dụng hung khí nguy hiểm cần có biện pháp cách ly khỏi xã hội, để có biện pháp răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. 

Do vậy, với đề nghị của Viện kiểm sát và quyết định tuyên án của Hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng án treo là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Xét xử bị cáo theo khoản 2, Điều 104 nhưng cần phải căn cứ vào Nghị quyết 01 của Hội đồng Thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao ngày 06/11/2013 để xem xét bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo hay không”.

Khúc Hạo