Quốc hội sẽ trực tiếp chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào

19/10/2015 13:34
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết như vậy. Việc chất vấn lần này có sự khác biệt so với các kỳ họp trước đây của Quốc hội.

Sáng nay, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13.

Theo đó, Quốc hội dự kiến dành tới 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch năm 2016.

Quốc hội dự kiến thảo luận và thông qua tới 18 dự án luật, bao gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật trưng cầu ý dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán;

Luật thống kê (sửa đổi); Luật an toàn thông tin; Luật phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật khí tượng, thủy văn; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết tại kỳ họp thứ 10, Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn trực tiếp tất cả các thành viên Chính phủ. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết tại kỳ họp thứ 10, Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn trực tiếp tất cả các thành viên Chính phủ. ảnh: Ngọc Quang.

Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ thảo luận thông qua 3 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại;.

Nghị quyết của Quốc hội ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian thảo luận về một loạt dự án luật: Luật về hội; Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật dược (sửa đổi).

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội dự kiến dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt trong thời gian Quốc hội chất vấn.

“Điểm khác trong vấn tại kỳ họp này là Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ. Quốc hội sẽ đánh giá từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ thực hiện Nghị quyết tới đâu. Cái gì đạt được, cái gì chưa đạt được, cái gì còn tồn tại, trên cơ sở đó Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn và giám sát lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Đoàn thư ký cũng sẽ tổng hợp lại tất cả các báo cáo thẩm tra của các uuyr ban để trình bày trước Quốc hội.

Kết thúc kỳ họp, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết về những điểm còn tồn tại và giao lại cho Quốc hội khóa 14 để tiếp tục giám sát”, ông Phúc cho biết.

Ngọc Quang