Góp ý Dự thảo Hiến pháp 1992:

Quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân

26/02/2013 06:10
Ngọc Quang
(GDVN) - "Có lẽ hầu hết các bản Hiến pháp của các nước trên thế giới đều thừa nhận một chân lý không thể chối cãi được là tất cả quyền lực đều xuất phát từ nhân dân, và nhân dân ban tính hợp pháp cho quyền lực của chính quyền thông qua Hiến pháp do họ cùng nhau tạo dựng và thông qua. Có được tính tối cao bởi Hiến pháp là đạo luật của nhân dân tổ chức nên chính quyền, đặt ra các giới hạn mà chính quyền không thể vượt qua", PGS.TS Ngô Huy Cương - Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội.

Theo PGS.TS Ngô Huy Cương, Hiến pháp 1992 hiện hành (được sửa đổi năm 2001), tại Lời nói đầu và Điều 83, thể hiện tương đối rõ một quan niệm rằng Hiến pháp do Quốc hội lập ra và nhân dân “nguyện nghiêm chỉnh thi hành” Hiến pháp đó. Quan niệm như vậy đã đánh mất đi tính tối cao của Hiến pháp và tính hợp pháp của chính quyền.

“Có lẽ hầu hết các bản Hiến pháp của các nước trên thế giới đều thừa nhận một chân lý không thể chối cãi được là tất cả quyền lực đều xuất phát từ nhân dân, và nhân dân ban tính hợp pháp cho quyền lực của chính quyền thông qua Hiến pháp do họ cùng nhau tạo dựng và thông qua. Có được tính tối cao bởi Hiến pháp là đạo luật của nhân dân tổ chức nên chính quyền, đặt ra các giới hạn mà chính quyền không thể vượt qua.

Do đó, Hiến pháp là nơi chứa đựng các nguyên tắc và qui tắc cao nhất trong sinh hoạt chính trị và pháp lý của một cộng đồng chính trị nhất định. Chính quyền có tính hợp pháp bởi được nhân dân lập ra và cho phép thi hành quyền lực do nhân dân giao phó”, PGS Cương nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Huy Cương đã thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
PGS.TS Ngô Huy Cương đã thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Bên cạnh đó, PGS Ngô Huy Cương cũng chỉ ra rằng, Hiến pháp là bản văn ủy quyền của nhân dân cho nhà nước mà trong đó có cả quốc hội. Vậy nếu Quốc hội Việt Nam là “cơ quan duy nhất có quyền lập hiến” (Điều 83, Hiến pháp 1992), thì đã xuất hiện một số bất cập:

Thứ nhất, Hiến pháp sẽ mất đi tính tối cao nếu nó không xuất phát từ gốc của quyền lực là nhân dân.

Thứ hai, người được ủy quyền (Quốc hội nói riêng hay Nhà nước nói chung) lại tự ý lập văn bản ủy quyền và tự đặt ra giới hạn cho mình, rồi lại tự xem xét mình có vi phạm giới hạn đó hay không? Như vậy là thiếu tính hợp pháp. Phải nói thêm rằng, việc nhân dân bầu ra Quốc hội không thể xem là hành vi ủy quyền của nhân dân cho Quốc hội bởi việc bầu cử này không tuân theo các nguyên tắc do nhân dân ấn định, mà lại tuân theo các nguyên tắc và qui tắc do chính Quốc hội ấn định trong Hiến pháp và các đạo luật về bầu cử.

Có lẽ để khắc phục các bất cập này, Dự thảo tuyên bố tại Lời nói đầu rằng: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên tại Điều 75, Dự thảo tuyên bố Quốc hội có quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp”. Như vậy, Dự thảo đã sử dụng hai thuật ngữ khác nhau nhưng dễ gây nhầm lẫn rằng, chúng có cùng một nghĩa là “xây dựng hiến pháp” và “làm Hiến pháp”.

Xét toàn bộ Dự thảo, dễ dàng nhận thấy toàn bộ vấn đề lập hiến hay “làm Hiến pháp” vẫn hoàn toàn thuộc về Quốc hội. Điều 124 của Dự thảo qui định rành mạch như sau: chỉ các cơ quan nhà nước hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp; quốc hội quyết định tổ chức làm và thông qua Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.

PGS.TS Ngô Huy Cương bình luận: “Điều 124 này cho thấy việc nhân dân xây dựng Hiến pháp chỉ dừng lại ở đóng góp ý kiến khi Ủy ban dự thảo Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân hoặc khi Quốc hội trưng cầu ý dân. Như vậy hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể so với Hiến pháp 1992 hiện hành về tư tưởng lập hiến ngoài thay đổi một số câu chữ và làm mờ đi việc dành quyền lập hiến cho Quốc hội với cách thức thay tuyên bố “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” tại Điều 83, Hiến pháp 1992 hiện hành bằng tuyên bố lại rằng “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp…” tại Điều 74 của Dự thảo. Qua đây người ta có thể hiểu, người soạn thảo cũng đã nhận thức được rằng quyền lập hiến không phải là của Quốc hội mà là của nhân dân, song vẫn nghiêng về dành quyền lập hiến cho Quốc hội”.

Để Hiến pháp thực sự là khế ước của toàn dân tạo lập nên cộng đồng chính trị của mình, bảo đảm chủ quyền nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền, cũng như gắn kết, PGS. TS Ngô Huy Cương kiến nghị:

Lời nói đầu với các qui định của Hiến pháp, vấn đề nhân dân xây dựng Hiến pháp cần phải viết lại như sau: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Hiến pháp như sau:…”.

Thứ hai, để khẳng định quyền lập hiến thuộc về nhân dân, Dự thảo nên lược bỏ chức năng “thực hiện quyền lập hiến” của Quốc hội ra khỏi Điều 74 của Dự thảo, đồng thời lược bỏ nhiệm vụ và quyền hạn “làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp” ra khỏi Điều 75 của Dự thảo.

Thứ ba, để bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền lập hiến của mình, Dự thảo nên viết lại qui trình làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp tại Điều 124 theo các nguyên tắc như sau: Một số cơ quan nhà nước, một số lượng nhất định các đại biểu quốc hội, một số lượng nhất định người dân hoặc các tổ chức nổi bật của họ có quyền kiến nghị làm Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp; (2) Hiến pháp hoặc Hiến pháp được sửa đổi phải được thông quan bởi phúc quyết toàn dân hoặc bởi hội nghị đại biểu nhân dân được bầu ra riêng cho mục đích đặc biệt này.

Thứ tư, từ các nguyên tắc được kiến nghị như trên, Dự thảo không nên nói tại Điều 74 của Dự thảo rằng: Quốc hội là cơ quan đại biểu “cao nhất” của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước “cao nhất” của nước CHXHCN Việt Nam. Các từ “cao nhất” ở đây phải bị lược bỏ.

Ngọc Quang