"Riêng xăng dầu, sao BT Hoàng nói lỗ, BT Huệ lại nói lãi?"

24/11/2011 11:32
Nhóm phóng viên
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: riêng xăng dầu Bộ trưởng Hoàng nói lỗ, nhưng Bộ trưởng Huệ nói lãi. Đề nghị làm rõ ý này?
Xin bấm F5 để cập nhật...
16h30
: Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho hay: Về lộ trình này Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 84 và Quyết định 24 về giá điện, chỉ còn tốc độ đi thế nào; trong Nghị đinh và Quyết định này phải xem xét ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng chịu đựng của người tiêu dùng và nền kinh tế ra sao?
Vừa rồi các ĐB có nói tới độc quyền, tái cơ cấu, nhưng nếu chúng ta không đưa các loại giá dịch vụ tiếp cận thị trường thì không có cách gì chúng ta bảo đảm được có dịch vụ tốt. Trong quá khứ, nhiều ngành của chúng ta đã cố giữ giá bao cấp thì kết quả cho thấy là chất lượng hàng kém, xin cho và tiêu cực. Trong Quyết định 24 đã nêu là chúng ta xây dựng thị trường cạnh tranh, minh bạch, chống độc quyền, đó là điểm người tiêu dùng quan tâm. Người tiêu dùng không quan tâm tới giá đó ra sao, mà giá đó có thông qua cạnh tranh minh bạch không? Giá điện bình quân hiện nay của nước ta chỉ là 5,6 cent/kWh, giá này so với đầu vào và ra thấp hơn các nước trong khu vực nhiều, tính ra thì phải lên tới 9,6 cent mới bù lỗ được. Chính phủ đang gặp khó khăn trong vấn đề đảm bảo nhu cầu điện mỗi năm tăng 4-5 nghìn me-ga-oát. Chốt lại phiên chất vấn Bộ trưởng Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết: Như vậy có tổng cộng 25 ý kiến của các ĐBQH, nói chung hỏi và trả lời đều rõ ràng. Tôi xin nêu 2 ý: Thứ nhất chúng ta phải thực hiện giá thị trường, nếu không thì không có cách gì để nâng cao khả năng cạnh tranh lành mạnh của nền kinh tế được, hiện nay còn 3 loại giá, xăng dầu về cơ bản như thế là ổn, tiếp tục đi theo giá thị trường, nhưng phải đảm bảo quản lý tốt và sử dụng quỹ bình ổn tốt; giá than cũng phải điều chỉnh giá thị trường vừa phải có cơ chế bù cho đối tượng chính sách, đối tượng Nhà nước thấy cần hỗ trợ; giá các loại dịch vụ công cần thiết phải thực hiện cơ chế thị trường, có giá trả cho các dịch vụ này thật đúng mức. Vấn đề thứ hai là về nợ công thì đáng mừng là tỷ lệ vay nợ chủ yếu là ODA, lãi thấp, và vay dài; tỷ lệ sử dụng ngân sách đã cao, nhưng trước tình hình này có cần thiết tiếp tục tăng được không? Bởi vì theo báo cáo của Bộ trưởng Thăng, Bộ trưởng Huệ, Bộ trưởng Phát… thì có rất nhiều vấn đề cần được đầu tư, trong lúc tái cấu trúc nền kinh tế thì thu chưa nhiều, nhưng vẫn cần phải tăng nợ công, nên tận dụng các khoản vay ODA, vừa qua chúng ta đã làm với Nhật, gần đây là Nga. Trong giai đoạn này có thể tăng tới 65% tổng nợ, nhưng phải quản lý chặt chẽ sử dụng và trả nợ, để sau năm 2015 thì nợ công giảm.

16h20:
Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục yêu cầu Bộ trưởng Tài Chính trả lời làm rõ chi tiết lỗ và lãi của kinh doanh xăng dầu.
Bộ trưởng Huệ cho hay: Theo số liệu kiểm toán của Công ty Deloitte, chỉ có năm 2010, xăng dầu lỗ 219 tỷ, 2008 và 2009 có lỗ và lãi; 2011 toàn tổng công ty báo lỗ theo số liệu tới tháng 6 là 1.800 tỷ (riêng chênh lệch tỷ giá 1.430 tỷ); từ tháng 3 Tổng Công ty xăng dầu chuẩn bị 500 triệu USD mua hàng, đơn hàng chưa về còn 200 triệu USD nữa, tại thời điểm đó đã lỗ 1.700 tỷ rồi. Trong năm 2011 sử dụng các đinh mức kinh doanh cao hơn 520 tỷ đồng, mức chi của Tổng Công ty xăng dầu thấp nhất rồi, nhưng chi cho đầu mối lớn thì lỗ. Chúng tôi cũng đề nghị với Bộ Công thương xem lại chi hoa hồng đại lý và nếu nó nằm trong mức 600 đồng/lít thì chắc chắn có lãi, nhưng có những điểm mà được triết khấu 800 – 1000 đồng thì chắc chắn lỗ. Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: Xăng dầu lỗ, trong đó có vấn đề tiêu hao và công tác quản lý, vậy đề nghị các đồng chí kiểm tra, rà soát lại để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Lộ trình thực thi giá thị trường với xăng dầu, điện than, dịch vụ công ra sao? Đồng chí Vương Đình Huệ nói là nghiên cứu, nhưng vấn đề này thuộc chủ đề quan trọng, tôi đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói thêm được không hay chờ lộ trình tái cấu trúc rồi nói một thể?

16h10:
Ccác đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ:
ĐB Lê Thị Nga – Thái Nguyên: Đề nghị làm rõ: EVN có biểu hiện độc quyền 2 đầu mua và bán, cả người sản xuất và người mua đều phải qua EVN vì không còn ai khác. Bộ Tài chính và Bộ Công thương làm gì chống độc quyền? EVN thiếu vốn thì vì sao chưa thoái được vốn đầu tư ngoài ngành, trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Công thương trong vấn đề này ra sao? Thực chất các khoản vốn của EVN nằm ở đâu và bao nhiêu? Lương của EVN cao mà lãi tốt thì không sao, còn lương cao mà lỗ thì chúng tôi không đồng tình? ĐB Đặng Thị Hoàng Yến: Chỉ số xếp hạng tín dụng của Việt Nam tụt ba bậc. Đề nghị Bộ trưởng làm gì để năm 2012 triệt giảm được lạm phát do sự sụt giảm tín nhiệm của Việt Nam? ĐB Châu Thị Thu Nga: Đề nghị Bộ trưởng cho biết quỹ bình ổn xăng dầu, có nhất thiết phải duy trì quỹ này không? Ngoài bình ổn giá xăng dầu, còn bình ổn các mặt hàng nào khác thuộc dịch vụ công? ĐB Đàng Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận: Hợp đồng bất lợi, vậy khi làm hợp đồng có sự tham gia của 2 bộ không. Mọi mặt hàng thì tính trượt giá, nhưng tại sao về giá điện thì không? ĐB Phùng Văn Hùng – Cao Bằng: Hai bộ trưởng chưa nói tới tính độc quyền, xăng dầu nhập 70% vậy đã tìm các nguồn để nhập giá thấp nhất chưa. Về giá điện, khu vực phía Nam có những nhà máy điện không nhập than nội địa mà lại nhập từ Philippin với giá rẻ hơn. Vậy vấn đề này chúng ta sẽ xử lý thế nào ĐB Đỗ Văn Vẻ: Bộ Tài chính có giải pháp đột phá nào để giải quyết những vấn đề còn tồn tại của xăng dầu, điện… trong thời gian tới? ĐB Nguyễn Văn Phúc – Tỉnh Hà Tĩnh: Qua kiểm tra thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã có đề xuất gì khắc phục tổn thất tiêu hao kinh doanh xăng dầu, vì tôi thấy không còn hợp lý khi áp dụng đinh mức tiêu hao do Bộ Vật tư quy định từ năm 1986? ĐB Ngô Văn Minh: Về xăng dầu, Bộ trưởng nên hứa với cử tri bao giờ công bố giá xăng dầu? Bộ trưởng Huệ trả lời: Để quản lý tốt thì chúng ta cần tính toán tốt cơ chế cạnh tranh, tổ chức lại ngành điện thế nào thì đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói thêm. Theo luật thì doanh nghiệp xăng dầu nào chiếm 30% trở lên thì là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chứ không phải độc quyền, về lâu dài thì cũng cần cố gắng để các đơn vị khác tăng cường năng lực, đón thêm phần thị trường tăng thêm các năm sau này. Nhập xăng nguồn giá rẻ thì cũng tốt hơn rất nhiều, chúng tôi có đề xuất là Nhà nước đứng ra nhập chung và bán lại cho các đầu mối khác, như vậy sẽ đảm bảo được tính nhất quán về giá và nguồn vào. Ngành điện đầu tư ra ngoài không lớn, tổng đầu tư ra ngoài ngành 2010-2011 là hơn 4 nghìn tỷ đồng; riêng EVN Telecom là lớn nhất và Thủ tướng đang chỉ đạo thoái vốn không được chậm trễ. Chúng tôi cũng đang hợp tác với một số tổ chức quốc tế để được tư vấn về xếp hạng tín nhiệm quốc tế, vừa qua chúng ta làm chưa tốt việc này nên đang phải mời tư vấn nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho chủ trương xem xét lại hợp đồng của EVN với các đơn vị cung cấp điện, trước đây ký 40 năm không điều chỉnh giá, nhưng Thủ tướng đã cho ý kiến và sẽ giải quyết dần. Trong điều kiện bất ổn như hiện nay mà chúng ta không có quỹ bình ổn là khó khăn, quỹ bình ổn thành lập từ năm 2009 đến nay chỉ sử dụng vào mục tiêu bình ổn giá, ước tính tới cuối năm nay quỹ này còn 2.500 tỷ đồng, đó là tin đáng mừng, đây là khoản tiền trợ giúp cho các doanh nghiệp và Nhà nước không phải chi tiền ra nữa. Chúng tôi tính đầu mối từ lúc thành lập đến nay có khoảng 100 tỷ đồng tiền lãi, cho nên tới đây vẫn sử dụng quỹ, nhưng hình thức thì cho doanh nghiệp tự kê khai, cuối năm sẽ hậu kiểm, làm sai sẽ phạt nặng. ĐB Nguyễn Văn Phúc nêu vấn đề hao hụt xăng dầu là rất xác đáng, trong 9 tháng đầu là hơn 800 tỷ đồng, tôi cũng đã nói với các đồng chí lãnh đạo xăng dầu là cố gắng tiết kiệm 5%, tiến tới là 10%. Tôi cho rằng, điện lực phấn đấu giảm tổn thất điện năng, còn xăng thì giảm hao hụt, đây là hai vấn đề cần phải thực hiện, nhưng bản thân xăng dầu tự nó cũng hao hụt rồi nên không phải cái gì chúng ta nói là làm luôn được, mà trong quá trình hoạt động của mỗi lĩnh vực thì luôn tồn tại những khó khăn của riêng nó, cần phải tập trung khắc phục và cũng cần thời gian làm những việc đó. Chúng tôi đang tích cực tháng 12 này sẽ trình Chính phủ, tái cơ cấu lại các Tập đoàn, Tổng Công ty, trong đó có tái cơ cấu nợ và phấn đấu hoàn thành trước 2015. Về vấn đề lương của EVN thì cần xem xét lại khoản lương ở khía cạnh không phải là nó cao hay thấp mà cách làm ấy có đúng quy định của Nhà nước hay không. Về kiểm tra xăng dầu thì đã xong, hiện đang lấy ý kiến giải trình của các đầu mối và sẽ cung cấp thông tin trong thời gian sớm nhất. Còn về sửa đổi luật đất đai thì tới đây Bộ Tài chính sẽ tham gia với các bộ ngành khác để xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Về ý kiến của ĐB Đỗ Văn Vẻ là giải pháp đột phá nào để căn cơ? Theo tôi giải pháp của mọi giải pháp trong lĩnh vực này là minh bạch và công khai. Nhà nước thấy điều gì chưa phù hợp sẽ điều chỉnh, còn cán bộ các cấp thực hiện công vụ phải làm đúng chức trách, doanh nghiệp phải minh bạch số liệu. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải công khai số liệu lỗ lãi của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước. Nếu chúng ta không minh bạch thì không thể tái cơ cấu lại được.
15h27:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi và nhắc hai vấn đề cần làm rõ thêm: Thứ nhất là chi phí quản lý tiết giảm, chúng ta có thể xây dưng thành chỉ tiêu giao cho các DN nhà nước được không? Thứ hai, riêng xăng dầu Bộ trưởng Hoàng nói lỗ, nhưng Bộ trưởng Huệ nói lãi. Đề nghị làm rõ ý này?
Bộ trưởng Huệ cho biết: "Với ngành điện, nếu giá không phù hợp khó thu hút được vốn đầu tư và như vậy, căng thẳng về điện vẫn tiếp diễn. Giá cả không thể tiếp tục bao cấp. Than đang tính giá bán cho điện thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại

Chúng ta điều chỉnh dần theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo cho nhà đầu tư. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương, EVN phối hợp để đưa ra giá cơ bản là theo giá 2011 và một số yếu tố khác và không tính lãi của EVN (tức là lãi bằng 0), bán than bằng 57,63% giá thành của than, hợp đồng mua bán điện giữ giá như hiện hành, giá điện tăng khoảng 4,6% so với giá hiện nay, đó là giá chúng tôi đã tính tất cả giá mà EVN phải giảm trừ.

Giá điện 2012 chỉ phân bổ ¼ của 2010, 1/3 của 2011, và than cũng điều chỉnh lên khoảng 2 nghìn tỷ đồng nghĩa là vẫn bù cho điện từ 20-28%. Như vậy, tăng giá điện 2012 vẫn ở mức kiềm chế. Năm 2012 tăng giá điện nhưng hỗ trợ cho các gia đình, và tính giá với các hộ nghèo giữ nguyên…

Về điều hành giá điện, Bộ trưởng Tài chính thông tin, EVN năm 2010 lỗ 8.040 tỷ đồng do mua điện giá cao của các doanh nghiệp ngoài ngành bán, 15.000 tỷ đồng do tỷ giá. Với đầu tư ngoài ngành thì không phải tất cả đều lỗ mà có loại lãi. Báo cáo kiểm toán cũng ghi rõ, khoản lỗ 8.040 tỷ đồng này không liên quan đến đầu tư ngoài ngành.

Trả lời về kịch bản 2012, ông Huệ thông tin: giá điện của năm 2012 sẽ là giá của 2011 cộng thêm các chi phí, tỷ giá lấy theo năm 2011 và không tính các khoản lãi của EVN, giữ nguyên giá tiêu thụ than cho điện. Với tính toán này, giá điện tăng 4,6% đã gồm tất cả các khoản EVN phải giảm trừ theo kết quả kiểm toán. Giá điện 2012 chỉ phân bổ 1/4 lỗ của năm 2010, 1/3 lỗ mua điện ngoài.

Như vậy năm 2012 giá điện vẫn tăng nhưng tăng ở mức kiềm chế. Giá điện bán cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ như hiện nay và thấp hơn mức bình quân chung.
15h:
Kết thúc phần trả lời chất vấn thứ nhất của Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm rõ thêm.
Bộ trưởng Hoàng cho hay: Nhất trí với ĐB Đàng Thị Mỹ Hương, có một số nơi bán giá cho EVN với giá cao cho nên kinh doanh gặp khó khăn. Về vấn đề lỗ của doanh nghiệp này, chúng tôi kiểm tra lại thì do chênh lệch tỷ giá, vốn vay ngân hàng, nhất là dự án thủy điện nhỏ phụ thuộc vào nước nhưng mấy năm vừa qua thì gặp khó khăn ở khâu này; một điểm bất lợi trong hợp đồng giữa EVN và các dự án bán điện này là không có điều khoản điều chỉnh giá. Chúng tôi đã ban hành thông tư 41 năm 2011, yêu cầu EVN và các đối tác xem xet lại các hợp đồng để có những đối sách phù hợp. Về lỗ lãi của Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam: Theo sửa đổi giấy phép kinh doanh năm 2010 thì Petrolimex kinh doanh 5 mặt hàng liên quan tới xăng dầu và kinh doanh các hoạt động ngoài xăng dầu là độc lập chứ không phải bù vào phần kinh doanh xăng dầu. Khi nói về tình hình kinh doanh xăng dầu với cả 5 loại hình này là lãi, còn riêng xăng dầu là lỗ; và khi Thủ tướng đồng ý và cổ phẩn hóa Tổng công ty Xăng dầu thì phải công bố chính xác là lãi, còn lỗ là chỉ lỗ kinh doanh xăng dầu. Gần đây, dư luận cũng có nhiều ý kiến về thu nhập của ngành điện với con số 7,3 triệu đồng, thì xem lại cao hay thấp? Chúng tôi xin báo cáo: EVN là Tập đoàn nhà nước, theo quy định đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương do Bộ Lao động thương binh xã hội hàng năm đều có hướng dẫn chứ EVN không tự quyết định được. Để đánh giá thì cần so sánh mức lương trên cả nước, so, sánh cùng loại hình kinh doanh, So sánh với doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài trong lĩnh vực. Đáng ra EVN khi công bố thì phải nói thật chi tiết, các loại phụ cấp mà ngành điện được hưởng là xếp ở nhóm 5. Như vậy phụ cấp đã khoảng 1,9 triệu đồng, còn lại là tiền lương. Chủ tịch Quốc hội nhắc lại ý của Bộ trưởng Huệ đề nghị EVN và các tổng công ty nhà nước cố gắng tiết giảm 10% chi phí. Vậy Bộ trưởng Hoàng trả lời xem có làm được không? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Chúng tôi đã kiểm tra bước đầu các doanh nghiệp đều nghiêm túc thực hiện việc tiết giảm chi phí, EVN thì cụ thể hơn là vận hành tối ưu các nguồn điện, thí dụ khi nguồn nước về nhiều thì phát điện ở nguồn giá thấp, hạn chế nguồn giá cao; rút ngắn thời gian bảo hành sửa chữa; tính toán chu kỳ vận hành ở mức cao hơn so với thiết kế. Con số thống kê 9 tháng năm 2011 thì ngành điện tiết kiệm được 500 tỷ đồng so với các khoản chi và tôi tin rằng trong thời gian tới thì việc tiết giảm chi phí sẽ tốt hơn.14h50: Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường về trách nhiệm của Bộ trong việc tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản về thuế. Cuối năm 2009 đã ban hành thông tư 66, có nói tới chuyện này vì thế mà Nhà nước đã thu được hơn 9 nghìn tỷ đồng tiền thuế. Liên quan tới hỗ trợ, dự toán ngân sách đã thông qua, chúng tôi đã trình và Quốc hội đã nói là ngân sách 2012 chúng ta phải rất tích cực mới làm được. Chính sách thuế điều chỉnh bằng cách luật chính sách, năm 2012 các luật chính sách không có gì thay đổi. Chỉ có 2 luật “Đất phi nông nghiệp” tăng 1000 tỷ đồng, “Luật thuế môi trường” tăng thêm 1000 tỷ đồng, bởi vì xăng dầu chuyển sang nên không có tăng thêm; chúng ta phải cưỡng chế việc nợ thuế hải quan cũng như thuế nội địa. Đối với luật thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp thì chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, có thể giãn thuế và giảm thuế của một số doanh nghiệp, tùy theo thẩm quyền để Chính phủ quyết định hoặc Chính phủ trình Quốc hội. Về nợ công, Bộ trưởng Huệ nói: Đang ở mức an toàn, nợ công của chúng ta ở trong mức an toàn vì 79% vay ODA, chỉ có 7% vay thương mại, ODA vay 40 năm và ân hạn 10 năm và lãi là 0,7%, những khoản vay khác từ Worbank và Nhật Bản cũng có mức ưu đãi. Hiện nay, nhu cầu vốn nhiều nên chúng ta phải vay, nhưng vay thế nào, sử dụng ra sao và trả thế nào? Hiện nay trả cả gốc và lãi là 15%, trong đó ngân sách chỉ trả 13,5%, phần còn lại các dự án và nhà đầu tư phải trả, vì chúng ta đang vay về cho vay lại. Sau 2015 chu kỳ trả nợ tương đương với vay hoặc thấp hơn. Ba giải pháp chúng tôi đưa ra: Một là phải có kịch bản giảm bội chi đúng mức; Hai là tăng cường năng lực quản lý nợ công (nhất là phân tích, dự báo); Ba là tăng cường quản lý rủi ro, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trong thời điểm hiện nay thì Chính phủ và Bộ Tài chính đều rất quan tâm với nợ công, nhất là những khoản mà Chính phủ bảo lãnh. Chúng tôi cũng đã xây dựng đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia để trình Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay tiền thuận lợi hơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Huệ trả lời thêm câu hỏi của ĐB Hoàng Ngọc Bích – TP.HCM về giá nhà đất và quỹ bình ổn giá: Hiện nay có khoảng 30 tỉnh thành phố đã thực hiện, có hơn 40 nghìn điểm bán hàng bình ổn giá, trong đó Hà Nội và TP.HCM sử dụng nhiều nhất quỹ bình ổn, các biện pháp này đã giảm lạm phát xuống dưới mức 1 con số. Hiện nay chúng ta mới chủ yếu hỗ trợ vốn kinh doanh 0% chứ chưa gắn kết lưu thông, phân phối, nên chưa khắc phục được tình trạng là lợi nhuận rơi vào chung gian nhiều quá, tiền rơi vào túi thương lái, còn người sản xuất và tiêu dùng chịu thiệt. Có ý kiến cho rằng làm như hiện nay chưa chắc có hiệu quả mà cần thay đổi để gắn kết với khâu phân phối, Bộ Tài chính sẽ có tổng kết để chuyển tới các địa phương.

14h37: Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu nêu việc nhảy múa đến "đau đầu, hoa mắt" của giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: một số ĐB nói xăng dầu năm 2011 nhảy múa, nhưng điện mới điều chỉnh 1 lần, xăng dầu điều chỉnh 2 lần tăng và 2 lần giảm. Chúng ta có cảm giác hơi dồn dập vì điều chỉnh gần nhau, nhưng thực chất là có tăng giảm.

Chúng ta cần điều chỉnh theo cơ chế thị trường, vì chúng ta nhập tới 70%, các nước khác cũng tính theo thị trường. Tôi xin nói lại là chúng ta đang bán giá xăng dầu thành phẩm chứ không phải dầu thô, chúng ta cứ tính giá dầu thô lên xuống mà không điều chỉnh thì không theo giá thị trường.

Kịch bản xăng dầu tới đây chúng tôi vẫn kiên trì theo nghị định 84, sẽ khôi phục giá cơ sở, nếu có điều kiện giảm thì giảm còn nếu giá tăng thì sẽ làm theo quản lý vĩ mô. Chúng tôi cũng đã đề nghị Thủ tướng cho phép đánh giá để điều chỉnh theo chu kỳ cho phù hợp.

14h30: Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời vấn đề ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu: có không chuyện ép giá? Mua giá cao? Tôi xin trả lời là có chuyện đó, các nhà đầu tư đã ký hợp đồng với EVN 40 năm không điều chỉnh giá và vui vẻ, nhưng bây giờ thì có vấn đề chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao, cho nên giá EVN mua như trước đây có thể không đủ bù đắp chi phí cho các đơn vị đó. Theo tôi thì các Bộ, các cơ quan có liên quan cũng cần ngồi với nhau.
ĐB Đặng Thế Vinh và Ngô Văn Minh hỏi: Kinh doanh xăng dầu có lãi không? Sao lãi lại tổng kết vẫn kêu lỗ? Trước năm 2008 chúng ta chỉ bù lỗ cho dầu vì còn đảm bảo sản xuất, còn xăng thì bình thường; sau năm này thì không bù lỗ nữa. Theo kết quả kiểm toán, năm 2008 Petro lãi hơn 800 tỷ, 2009 lãi hơn 2.700 tỷ, 2010 lãi hơn 1000 tỷ… Như vậy 3 năm đều cho thấy lãi cả, qua kiểm tra sơ bộ, nếu không có biến động chênh lệch tỷ giá thì không có vấn đề gì lớn, nhưng tình hình hiện nay thì chúng tôi sẽ báo cáo lại sau.14h, Bộ trưởng Vương Đình Huệ bắt đầu trả lời chất vấn. Về câu hỏi của 13 vị đại biểu Quốc hội, tập trung vào các vấn đề điều hành giá, quản lý nợ công, chống thất thu thuế và hỗ trợ các doanh nghiệp. Bộ trưởng Huệ trả lời theo từng nhóm vấn đề: 1.    Nguyên tắc của chúng ta là kiên trì nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước. Nghĩa là tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, đảm bảo cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần có mức lãi phù hợp, đặc biệt là với sản xuất điện, nếu không có mức giá phù hợp sẽ không có đầu tư phù hợp trong nước và nước ngoài. Chúng ta không thể đầu tư tràn lan và bù chéo, thí dụ chúng ta đang còn bao cấp cho sản xuất thép và xi măng. Theo báo cáo kiểm toán năm 2010 thì giá bán điện cho xi măng và thép, nên các nhà đầu tư nhập phôi thép vào và sử dụng công nghệ, điện rẻ cán thép và bán ra nước ngoài, đây là vấn đề cần xem xét. Nhà nước cần phải kiểm tra giám sát và với những mặt hàng giá mà nhà nước quản lý phải đảm bảo cho người nghèo, người có thu nhập thấp, trợ giá cho những đối tượng này, với những hộ sử dụng điện ở mức trung bình thì tăng giá cũng phải thấp hơn bình quân chung. Trong năm 2011 thì chúng ta phải điều chỉnh dần cho phù hợp với thị trường, đồng thời làm đúng với quy định của Nhà nước để đảm bảo phát triển kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. 13 đại biểu hỏi, nhưng tính ra hơn 30 vấn đề. Đối với Tập đoàn điện lực VN lỗ hơn 8.040 tỷ đồng, lỗ chênh lệch giá là 15 nghìn tỷ đồng và tổng là hơn 23 nghìn tỷ đồng. EVN phải mua điện giá cao từ một số nhà máy nhiệt điện. Chúng ta biết thủy điện rẻ nhất rồi đến nhiệt điện, nhưng tổng sản lưởng thủy điện chỉ có khoảng 40%, còn một số dự án nhỏ tới đây cho dù có 100% sản lượng thủy điện thì vẫn cần có nhiệt điện để tính phụ tải trong mùa khô không chạy được bằng thủy điện. Báo cáo kiểm toán cũng khẳng định, đầu tư ngoài ngành EVN có lỗ và lãi, nhưng không nằm trong tiền lỗ của EVN. Chúng tôi xin trả lời rõ để các đại biểu biết. Bên cạnh đó, năm 2011 dự kiến lỗ ít hơn, lỗ trên 11 nghìn tỷ đồng, nhưng lỗ thực chỉ có hơn 600 tỷ đồng, đây là một sự cố gắng lớn. Cuối tháng 9 và 10 có 2 nhà máy điện mới đưa vào vận hành, chiếm 30% tổng sản lượng điện của cả nước, từ 15-29/9 dùng dầu chạy bù. Dự án PM3 Cà Mau phải chạy dầu nhưng kinh phí không có, và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất sát sao. Phát sinh hơn 2 nghìn tỷ đồng, tổng lỗ khoảng hơn 3 nghìn tỷ đồng, như vậy là một sự cố gắng so với dự kiến lỗ 11 nghìn tỷ đồng. ĐBQH có hỏi lỗ của 2010 thì tính toán thế nào với 2012? Chúng ta điều chỉnh dần theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo cho nhà đầu tư. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công thương, EVN phối hợp để đưa ra giá cơ bản là theo giá 2011 và một số yếu tố khác và không tính lãi của EVN (tức là lãi bằng 0), bán than bằng 57,63% giá thành của than, hợp đồng mua bán điện giữ giá như hiện hành, giá điện tăng khoảng 4,6% so với giá hiện nay, đó là giá chúng tôi đã tính tất cả giá mà EVN phải giảm trừ. Giá điện 2012 chỉ phân bổ ¼ của 2010, 1/3 của 2011, và than cũng điều chỉnh lên khoảng 2 nghìn tỷ đồng nghĩa là vẫn bù cho điện từ 20-28%. Như vậy, tăng giá điện 2012 vẫn ở mức kiềm chế. Năm 2012 tăng giá điện nhưng hỗ trợ cho các gia đình, và tính giá với các hộ nghèo giữ nguyên… Liên quan đến hao phí điện năng và tiết kiệm, hao phí còn khá cao, năm 2009 tổn thất 9,7%, 2010 tổn thất hơn 10% (nhưng chưa trừ tổn thất tiếp nhận lưới điện nông thôn), năm 2011 là 9,65 (chưa trừ tổn thất tiếp nhận lưới điện nông thôn), nghĩa là trừ đi thì hao phí ít hơn. EVN cũng đang trong quá trình tái cấu trúc để làm tốt hơn nhiệm vụ. Tôi là Bộ trưởng, là ĐBQH cũng là cử tri, nên tôi cũng đã nói với lãnh đạo EVN rằng, các đồng chí nghĩ sao nếu hàng năm chúng ta tiết kiệm 10% để dành số tiền đó cho an sinh xã hội. Các tập đoàn khác cũng có làm được thế không? Cả nước chia sẻ với điện lực thì điện lực cũng cần chia sẻ với đất nước. Chúng tôi đang chờ câu trả lời tiết giảm chi phí từ EVN và các tập đoàn nhà nước khác.Xin bấm F5 để cập nhật...8h ngày 24/11, Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 2 của phiên chất vấn đối với thành viên Chính phủ, tập trung vào các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục, tài chính, ngân hàng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ sẽ trả lời về công tác điều hành quản lý giá xăng dầu, điện, than, dịch vụ công theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; những ảnh hưởng của giá đến doanh nghiệp và đời sống nhân dân và lỗ lãi của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng trên, Ngoài ra, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng sẽ làm rõ các biện pháp tăng thu, chống thất thu và giảm bội chi ngân sách, nợ công, đảm bảo an ninh tài chính.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ.
Theo Nông thôn ngày nay, trong văn bản trả lời chất vấn bằng văn bản của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu các lần trong năm chỉ từ 2-4% là không lớn. Tuy nhiên, do điều chỉnh giá vào ngày nghỉ, ngày lễ nên gây tác động bất lợi đến tâm lý người tiêu dùng và có ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng giá thị trường. Công ty kinh doanh xăng dầu lãi hay lỗ, có hay không hiện tượng “làm giá”? Bộ trưởng cho biết đã tổ chức triển khai ba đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, tới đây khi có kết quả, Bộ Tài chính sẽ có báo cáo cụ thể. Cũng liên quan giá cả xăng dầu và điện, đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM) đề nghị Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết tại sao giá xăng dầu thế giới nhiều thời điểm giảm mà giá trong nước không giảm? Tại sao giá điện tăng liên tục trong năm 2011, sự thật có phải hai ngành này lỗ hay do công tác điều hành về giá lỏng lẻo? Bộ trưởng Vương Đình Huệ giải thích, giá điện năm 2011 chỉ được điều chỉnh tăng một lần và với mức độ điều chỉnh là có kiềm chế. Với giá xăng dầu, tiếp tục điều hành theo hướng minh bạch, rõ ràng. Tại nghị trường Quốc hội sáng nay 24.11, đại biểu Đặng Thế Vinh (Long An) là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ông Vinh chất vấn Bộ trưởng Huệ về vấn đề nóng nhất hiện nay đó là chính sách điều hành giá xăng dầu. Đại biểu cho biết thực tế giá xăng dầu trong nước không theo kịp diễn biến tăng giảm của giá thế giới. Vậy phương án và giải pháp đề điều hành giá xăng dầu sắp tới sẽ như thế nào? Cũng liên quan đến vấn đề giá xăng và giá điện, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nêu câu hỏi ngành điện lỗ nặng, lương cho cán bộ công nhân viên cao, trong khi lại luôn đòi tăng giá để bắt người tiêu dùng phải chịu. Vậy có phải chúng ta đang để cho tình trạng “từ độc quyền nhà nước, sang độc quyền doanh nghiệp” hay không? Liên quan đến lĩnh vực điện, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu thực trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân của khó khăn đó là do điện họ sản xuất ra chỉ được bán cho EVN, trong khi EVN lại luôn mua với giá rất thấp, thậm chí dưới giá thành. Để tồn tại tình trạng này có phải do cơ chế, chính sách của chíng ta đang đặt lợi ích nhóm lên trên lợi ích quốc gia hay không? Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Hương nhấn mạnh. Đại biểu Đặng Thị Hoàng Nghi (Đồng Nai): việc sụt giảm tín nhiệm quốc gia đã làm cho chi phí đầu tư giá thành tăng mạnh, đây là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra lạm  phát trầm trọng trong thời gian qua. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ lộ trình, giải pháp sớm tăng tín nhệm quốc gia trở lại bình thường. Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tập trung vào vấn đề giá điện và xăng dầu. “Thưa Bộ trưởng, giá xăng dầu điện đang nhảy múa. Chúng tôi đau đầu hoa mắt, không biết thật giải lỗ lãi như thế nào? Trong khi  giá xăng thế giới thăng thì tăng ngay thì giá trong nước cũng lập tức tăng, nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm thì đợi hoài không thấy giảm. Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ sự thật để Quốc hội được biết và trách nhiệm minh bạch của Bộ trưởng”. Đại biểu Minh tiếp tục nêu vấn đề, EVN kêu lỗ nhưng lương cán bộ của ngành này lại cao hơn rất nhiều mức trung bình trung. “Đề nghị Bộ trưởng nói rõ những vấn đề trên là gì? Bộ trưởng tuyên bố kiểm tra thanh tra nhưng sao không công bố cho dân biết? Giải pháp tiếp theo để minh bạch vấn đề này là như thế nào?”. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Vương Đình Huệ trình bày phương án để nợ công không trở thành mối nguy cho tương lai. Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) hỏi: “Hiện nay giá đất nhà ở tại các thành phố lớn có rất nhiều bất cập. Bộ trưởng có giải pháp nào để giúp cho ổn định lại tình hình bất động sản?”. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) chất vấn cụ thể về chương trình bình ổn giá thời gian qua. Ông yêu cầu Bộ trưởng cần phải cho biết đánh giá của Bộ trưởng về hiệu quả chương trình bình ổn giá này?. Kết thúc phần chất vấn của các đại biểu đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, tổng số đã có 13 đại biểu nêu câu hỏi. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: một số câu hỏi chất vấn của các đại biểu chưa liên quan trực tiếp đến các nhóm vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm sẽ được Bộ trưởng Tài chính trả lời bằng văn bản gửi tới các đại biểu như chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) về thực trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI thời gian qua, câu hỏi của đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) về chế độ chính sách đối với các nhà khoa học… Phiên chất vấn tạm nghỉ lúc 11h30 phút. Đến 14h chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục phiên chất vấn trực tiếp tại Hội trường với Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình.
S, TS Vương Đình Huệ sinh ngày 11 tháng 7 năm 1957, quê ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Ông đã từng là giảng viên, Phó giám đốc của Học viện Tài chính.

Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam Khóa X và khóa XI, Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước.

Từ năm 2006, ông được Quốc hội bầu làm Tổng Kiểm toán Nhà nước  kế nhiệm cho ông Vương Hữu Nhơn, Đỗ Bình Dương.

Ngày 02/8/ 2011, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ngày 03/8/2011, Quốc hội Khóa XIII đã phê chuẩn danh sách nội các Chính phủ, ông chính thức trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Dự kiến chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời các giải pháp tái cơ cấu và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra các ngân hàng; biện pháp xử lý tổ chức tín dụng, cán bộ nhân viên các ngân hàng vi phạm; giải pháp chống lạm phát nhưng không để nền kinh tế rơi vào trì trệ.

Cùng với Bộ trưởng Vương Đình Huệ, các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Y tế… sẽ tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Xin bấm F5 để tiếp tục cập nhật...
Nhóm phóng viên