Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Rợn người nơi yên nghỉ của những người bị… hổ vồ

17/12/2012 11:33
Theo Gia đình & Cuộc sống
Ở đôi bờ thượng nguồn của sông Mã xa xôi của miền Tây xứ Thanh, có những ngôi mộ lạnh lẽ, thâm u được xếp xung quanh rất nhiều phiến đá lớn dựng đứng. Người Mường, Thái ở địa phương gọi đó là mộ của những người xấu số bị hổ vồ…

Nơi chẳng ai dám bén mảng gần

Chúng tôi háo hức trở lại bản Chiềng bên thượng nguồn dòng sông Mã (xã Trung Sơn, Quan Hóa, Thanh Hóa), nơi có những ngôi mộ huyền bí. Trưởng bản Phạm Minh Thoa thoáng chút ngạc nhiên khi biết chúng tôi có ý định đến nghĩa địa Co Me. “Khu mộ đó cách đây chừng vài cây số, vốn của bản Chiềng, nhưng nằm trên đất bản Co Me. Mộ xa bản vì người Thái chúng tôi không để mộ gần nhà, người sống người chết phải ở riêng chứ. Mộ chôn mấy trăm năm rồi đấy, kè đá tấm rất lớn, trước đây còn đọc được cả chữ Nho trên đá. Để tôi nhờ anh Thương, công an viên dẫn đường cho các anh”.

Phạm Ngọc Thương nói với chúng tôi rất nhiều về khu mộ, nhưng thường lảng đi khi đề cập đến chuyện vào rừng tìm mộ. “Lâu lâu không vào nên không nhớ đường”, “trời nắng quá cứ uống rượu đã, chiều mát rồi đi”, “hay để tôi nhờ ông anh tôi là đại úy quân đội về hưu dẫn cho các anh?”, Thương viện rất nhiều lý do, nhưng rồi cuối cùng cũng quyết định dẫn chúng tôi đi sang bản Co Me, sau khi đã về nhà khoác bộ sắc phục lên người. Lại nhờ thuyền ba lá chòng chành vượt qua sông Mã.
Rất nhiều mộ đá ở Trung Thành

Rất nhiều mộ đá ở Trung Thành

Đến bản Co Me, Thương chạy đôn chạy đáo tìm khắp các nhà, nói toàn tiếng Thái, nhưng chúng tôi biết anh đang tìm người quen là ông Phạm Bá Tình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn. Tìm mãi mà không gặp được vì ông Tình đi câu cá trên sông, chẳng biết chèo xuôi hay ngược và lúc nào thì về. Khu nghĩa địa nằm ngay bên kia sông, ẩn trong một khu rừng rậm, nhưng Thương chán nản gạ về. Bỗng Thương mừng rơn, chạy phăm phăm vài trăm mét dọc bãi sông nắng cháy, gào gọi một người đàn ông đang quăng chài ở giữa sông. Dẫn người đàn ông ngoài 70 tuổi, dáng gầy gò, da đen cháy ấy đến, Thương hớn hở giới thiệu: “Đây là ông Tình, cả đời ông chẳng sợ con ma gì hết. Cả bản chỉ mình ông dám trồng luồng trồng mít trong khu nghĩa địa thôi. Thú thực, tôi sợ nên không dám đưa các anh vào. Nếu không tìm được ông Tình đây thì dù có cho tiền cho vàng tôi cũng không dám vào đâu. Cả bản này, anh hỏi ai thì người ta cũng từ chối hết thôi”.

Biết khách muốn sang sông, tìm hiểu về những ngôi mộ đá, ông Tình hơi chút ngạc nhiên nhưng vui vẻ dẫn đường. Chiếc thuyền nan chòng chành hếch mũi về phía bờ phải dòng sông, đưa chúng tôi đến bãi đất rộng, chằng chịt dây leo, cây cổ thụ, xen lẫn rừng luồng, cây ăn quả do ông Tình mới trồng. Luồn lách dưới tán lá thâm u rộn rạo tiếng cành cây mục vỡ, dù rất quen thuộc nhưng  phải mất 10 phút thì ông Tình cũng mới tìm thấy được khu mộ đá, do đã bị cây cối bít lối. Trước mắt chúng tôi là một phiến đá lớn, cao chừng 1m rộng khoảng 0,6m, dầy chừng 0.1, được chôn dựng đứng dưới đất, bề mặt đã bị phong hóa nặng tạo nên lớp mùn mỏng.

Trong phạm vi chừng 20m2, cứ cách vài mét lại nhìn thấy một phiến đá tương tự, chôn vòng theo hình tròn. Rừng cây rậm rạp cây leo và cây bụi, không thể đứng một chỗ nhìn cùng lúc hai phiến đá, nên chúng tôi không điểm rõ được có bao nhiêu phiến, chỉ ước chừng 10 phiến. Các phiến đá điều bị xô nghiêng, có dấu hiệu bị đào bới dưới chân cột. Ông Tình giải thích: “Trước đây đá dựng thẳng đứng, ở phiến to nhất có chữ Nho viết màu đỏ, nhưng lâu rồi chắc đã mờ hết. Cách đây không lâu, có một bọn vào rừng đào chân đá lên để tìm của cải. Người dân địa phương không dám vào rừng thiêng này đâu”. Theo bước chân ông Tình, chúng tôi tìm thấy thêm nhiều ngôi mộ đá nữa, nhưng đá xếp xung quanh đều nhỏ hơn. Có những ngôi mộ mới, đá chỉ cao chừng 0,3 mét.

Xếp mộ đá để… người chết được yên

Xuôi dòng sông Mã, qua chiếc cầu treo, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Bá Ngoằng (70 tuổi, ở bản Phai, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa), một già làng uy tín của vùng đất. Ông Ngoằng khẳng định: “Khi tôi lớn lên, đi khắp vùng này đã gặp không biết bao nhiêu ngôi mộ của người bị hổ ăn thịt. Đó là khu mộ được xếp đá xung quanh, nằm lẫn với những ngôi mộ khác trong nghĩa địa ở các bản Trung Thắng, Trung Lập. Xưa, vùng núi này hoang vu lắm, cả xã Trung Thanh bây giờ chỉ có 7 hộ dân quần tụ. Dã thú nhiều vô kể, không ai dám đi đường buổi tối, nhà nào cũng phải dựng quanh nhà những hàng rào nứa vót nhọn, đề phòng hổ nhảy vào giết người, bắt gia súc. Dân công ngày xưa đi xe thồ đều phải tụ tập thành đoàn, đợi sáng ngày mới dám vượt qua những cánh rừng, con suối mà hổ thường ngồi rình rập. Nhà tôi đã có 3 người bị hổ ăn thịt, cả làng phải chiêng trống rầm rầm, đốt đuốc vào rừng tìm cướp lại xác đem về chôn. Người bị hổ vồ thì đắp mộ có xếp đá dựng, đề phòng hổ nhớ mùi về đào bới ăn mất xác. Cũng lạ, không biết những ngôi mộ đá có tác dụng thiết thực hay không, nhưng chưa mộ ai bị hổ đào lại cả, dù nhiều người chôn trong nghĩa địa thường bị thú đào mồ lên”.

Rồi ông Phạm Bá Ngoằng dẫn chúng tôi đến ngôi mộ đá lớn nhất của vùng, hiện đang nằm trên sườn đồi nhà anh Hà Minh Tâm (ở bản Phai, xã Trung Thành), bên phải dòng sông Mã. Ngôi mộ có từ bao giờ, chôn cất ai, không ai rõ. Sau năm 1954, trở lại lập bản làng, người dân địa phương mới để ý và ngạc nhiên vì những ngôi mộ đá này. Bởi đó là những tảng đá lớn, có tảng cao đến 2m, rộng hơn một vòng tay ôm, không phải thứ đá núi địa phương, phải chuyển đến từ nơi khác. Ông Ngoằng cho biết thêm, chỉ có một ngôi mộ đá trong khu vườn nhà anh Hà Minh Tâm là có chữ Nho, nhưng phiến đã lớn đã bị đánh gãy từ khi nào, không biết nằm úp dưới đất lâu năm liệu chữ có còn đọc được. Cả khu vườn nhà anh Tâm hiện đang được trồng nhiều luồng, rau cỏ, nhưng chân đá vẫn nguyên tại vị trí cũ, dù đã chịu nhiều tác động xâm hại của con người.
Một đoạn sông Mã qua xã Trung Thành

Một đoạn sông Mã qua xã Trung Thành

Sự thật vẫn chưa sáng tỏ

“Đó là theo quan niệm của người Mường chúng tôi. Những ngôi mộ có đá dựng xung quanh che giấu là mộ của những người bị hổ tát tai. Các cụ vẫn kể lại rằng: Con hổ có một thói quen rất lạ, nếu vồ người, cắn cổ hoặc tát chết, nó tha vào rừng ăn thịt. Nhưng không hiểu sao, nếu cú vồ của nó chạm vào tai của người, hoặc của con thú nào đó, nó sẽ bỏ đấy mà không ăn thịt. Người ta thường đem chôn những người may mắn không bị xé xác đó ngay trong rừng, và lấy đá kè chặt ở các bên, tránh bị loài thú khác bới móc ăn mất xác” – ông Châu Ngọc, người Mường, sinh năm 1952 cho biết.

Châu Ngọc là nhà báo có thâm niên gắn bó với miền núi Thanh Hóa hơn ba chục năm. Khoảng 20 năm trước, ông Châu Ngọc đã có một chuyến đi bộ suốt hơn một tháng trời ở vùng cao này, cùng đoàn cán bộ tỉnh đi cứu tế gạo, muối cho bà con trong ngày giáp hạt. Và khi đó, xuôi thuyền giữa sông Mã, ông đã nhìn thấy thấp thoáng những ngôi mộ đá bên đồi bãi ven sông.

Bà Trịnh Thị Lan Anh ( Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa), tác giả dự án khảo sát nghiên cứu nền văn hóa cổ truyền xứ Thanh, là người phát hiện khu mộ đá này trong những tháng ngày điền dã năm 2000. Bà Lan cho rằng, việc dựng những phiến đá lớn xung quanh ngôi mộ Co Me là hình thức mai táng theo quan niệm của những cư dân Việt – Mường cổ. Theo những nghiên cứu bước đầu của bà Lan, thì: “Người chết được chôn chính giữa và những khối đá xung quanh được sắp xếp một cách có chủ ý. Mỗi người con trai sẽ đặt bên cạnh mộ cha mình một viên đá, con cả đặt phần đầu, con út đặt phía chân, các con thứ sẽ đặt xung quanh. Nếu người chết có bao nhiêu con trai thì bên mộ sẽ có bấy nhiên viên đá. Số đá bên mộ không thể hiện số con gái của người quá cố”.

Tiếp tục câu chuyện đến gặp PGS.TS Trình Năng Chung (Trường phòng Khoa học, Viện Khảo cổ học Việt Nam). TGS.TS Chung khẳng định, đây là một trong di tích văn hóa cự thạch (Megalithic culture) của Việt Nam. Ông Chung biết về khu mộ đá cổ bên dòng sông Mã từ những tài liệu của Viện Viễn Đông bác cổ, nhưng chưa có dịp đến thực địa. Ông cho chúng tôi xem những bức ảnh đen trắng nhòe ố do một nhà khảo cổ người Pháp, bà Madeleine Colani (1866 – 1943) công bố năm 1935. Theo những bức ảnh đó, thì cả hai bên bờ sông Mã, đoạn Trung Thành, Trung Sơn ( Quan Hóa) hiện nay điều có các di tích cự thạch. Ngoài ra, bà M.Colani cũng công bố hai bức ảnh chụp tại các khu mộ đá này. Theo quan sát của chúng tôi, một bức ảnh được chụp tại rừng mộ đá Co Me với những phiến đá hiện nay còn lưu giữ, có hai người đàn ông (có lẽ là quan lang hay tao mường gì đó) mặc bộ áo dài, đội mũ trắng đứng khoanh tay bên những phiến đá lớn. Bức ảnh còn lại là chụp khu mộ ở bản Phai, dưới chân mộ là một người dân bản địa đang ngồi, đi chân đất, đầu quấn khăn.

Dân bản thì cho rằng rừng mộ đá cổ ở Quan Hóa là mộ của những người bị hổ tát. Còn những nhà khảo cổ thì không nghĩ thế. Vậy chủ nhân những ngôi mộ đó là ai? Trong khi chờ các nhà khoa học thực sự vào cuộc, những phiến đá của rừng mộ bản Co Me, bản Phai vẫn đang nghiêng đổ đi vì sự tàn phá của thời gian. Đó là chưa kể, vào một ngày không xa, khi công trình thủy đện Trung Sơn đi vào hoạt động, rất có thể những ngôi mộ đá ven sông Mã sẽ bị phá hủy.

Theo Gia đình & Cuộc sống