Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Rùng mình tín dụng đen trong trại:Vay tiền mua 'mâm', thế mạng trả lãi

07/09/2012 11:00
Nguyễn Minh
(GDVN) - Thiếu tiền tiêu vặt - vay; cần tiền “mua mâm” cũng vay … Đó là những nguyên nhân chính khiến cho hoạt động tín dụng đen trong các trại tù khá nhộn nhịp.
Vay tiền “mua mâm”

Tý “con”, một phạm nhân vừa mới mãn án tù 7 năm vì tội trộm cắp xe máy ra điều hiểu biết khi tiếp chuyện với tôi. Tý “con” bảo, nếu không muốn dính vào “chiếc vòng kim cô” nợ nần chồng chất thì tốt hơn hết đừng bao giờ dính vào của “bố thí”, cho dù đó chỉ là một gói mỳ tôm. Bởi hơn ai hết, Tý “con” hiểu hậu quả mà nó để lại vì anh từng là nạn nhân của cái “ngân hàng đen” ma quái ấy.

Anh ta nhớ lại: “Một buổi sáng mình thức dậy, tay trưởng buồng đưa cho một gói mì bảo ăn đi. “Như buồn ngủ gặp chiếu manh” mình xé ra nhai ngấu nghiến….”. Vài ngày sau, bất ngờ tay trưởng buồng sai đàn em kêu Tý “con” lên đòi nợ. Chưa kịp hiểu ra vấn đề, tay trưởng buồng bắt đầu thuyết giáo: “Ở trong đây không có chuyện gì cho không cả…Mầy đã ăn gói mì của tao thì phải trả nợ…Gói mì mầy ăn 3 hôm trước có giá 50 ngàn đồng. 3 ngày mày chưa trả nên tiền lãi sẽ là 150 ngàn đồng.

Để ngày nào tao tính lãi thêm ngày ấy. Mà này, tại tao thương mày nên không tính phần lãi con đó nhé…Đừng nói với tao là mày không có tiền trả nha, không có cũng phải có...hiểu chưa.”.

Nghe xong, Tý “con” choáng váng nhưng cũng phải bấm bụng gật đầu hẹn đến cuối tháng. Lần ấy, số tiền thăm nuôi của gia đình hơn triệu bạc sau khi đổi phiếu xong đã chui tọt vào túi tay trưởng buồng chỉ vì một…gói mì. 

Nhiều gia đình phạm nhân khánh kiệt từ nạn tín dụng đen trong tù. Ảnh minh họa
Nhiều gia đình phạm nhân khánh kiệt từ nạn tín dụng đen trong tù. Ảnh minh họa
Ở trong trại, được biên chế vào “mâm trên” thì coi như sống khỏe. Tuy nhiên, để được mâm nhất hoặc mâm nhị thì phải thỏa mãn 1 trong 2 điều kiện cơ bản nhất. Hoặc phải là người có “số má” trong giới giang hồ, còn nếu không thì phải mua bằng tiền.

Trước thắc mắc của tôi về chia mâm trong trại, Tý “con” giải thích thêm: “Mâm nhất dành cho trưởng buồng và đám thuộc hạ thân tín nhất, tất cả các món ngon từ bên ngoài gửi vào đều được “đổ” vào đây. Còn mâm nhị dành cho những người ít số má hơn, tù nhân có tiền, mâm thứ ba và những mâm thấp hơn nữa (tùy số lượng người nhiều ít mà số mâm cũng theo đó tăng lên) dành cho tù “mồ côi” (tù không có người thăm nuôi) hoặc những phạm nhân trộm vặt, hiếp dâm…

Trở lại với chuyện “tín dụng đen” trong trại, nhiều phạm nhân vì muốn được xếp vào mâm 2 để được ăn sung sướng sẵn sàng vay “nóng” để mua mâm. S, một trong số những bạn tù của Tý “con” là một trong những người như vậy. Vốn là một “thiếu gia” nên khi mới vào trại S. không quen  ăn uống kham khổ. Sau được một “chiến hữu” gợi ý nên S quyết vay “nóng” 5  triệu để “mua mâm”.

Do quy định của trại mỗi lần không được gửi quá nhiều tiền vào nên S đành phải vay phiếu (quy định của các trại giam tiền người nhà gửi vào phải đổi ra phiếu) của một “đầu gấu” trong phòng để đặt cọc cho trưởng buồng. S chua chát nhớ lại: “Chỉ vay có 5 triệu vậy mà trong vòng một tháng người nhà của em đã “đứt” gần hơn 50 triệu để trả cho gia đình của tay “đầu gấu” ấy”. Tôi hỏi nếu không trả đủ thì sao?. Tý “con” bĩu môi: “Từ “xù nợ” không tồn tại trong trại giam. Sẽ bị “no đòn” nếu ai dám cả gan làm điều ấy…”.

Kẻ giàu to, người “ho” ra máu

Theo chân Tý “con” tôi ghé thăm một người mà anh ta kính cẩn gọi là anh Hai ở Thủ Đức. Trái với suy nghĩ “nhà của người mới ra tù xập xệ”, nhà của anh Hai khá hoành tráng. Thấy tôi ngắm nghía căn nhà đầy ngưỡng mộ, anh Hai tỏ ra khiêm tốn: “Cũng nhờ con vợ anh nó giỏi giang, biết gom chỗ này, ráp chỗ kia chứ anh thân tù tội thì lấy đâu ra mà xây nhà cao cửa rộng như thế này hả chú…”.

Vừa đưa tay lấy chai rượu ngoại ra tiếp khách, anh Hai vừa cho biết trước đây anh làm bốc xếp ở chợ đầu mối Thủ Đức. Trong một lần bênh vực người bạn làm chung, anh “lỡ tay” đâm một người bị trọng thương (theo Tý “con”, đây chính là tiền đề để anh Hai tạo dựng “số má” trong tù). Sau gần chục năm trong trại, vừa về đến nhà anh cũng hơi “bất ngờ” trước cơ ngơi do người vợ gầy dựng nên. Một người hàng xóm của anh mà tôi gặp ở đầu hẻm cho biết thêm, hồi anh ta mới đi tù gia đình cũng khó khăn lắm.

Tuy nhiên, chỉ được khoảng 3 năm sau thì gia đình bất ngờ khá lên. Khi có người hỏi thăm, lúc thì chị vợ bảo trúng số, lúc lại nói nhà bán đất chia cho. Những tay “nhà báo hẻm” thì quả quyết cô này là “gái bao”, lúc thì “chắc như đinh đóng cột” rằng cô này buôn … ma túy”. Nghe cuộc trò chuyện của tôi với mấy người hàng xóm, Tý “con” cười xòa: “Tất cả là nhờ “tín dụng đen” trong trại mà ra cả đấy…”.

Đến lúc này Tý “con” tiết lộ sự thật rằng, người “bán” cho anh gói mì 1 triệu đồng chính là …anh Hai.

Tý “con” bảo, ở trong trại nếu ai có nhu cầu anh Hai đều cho vay cả. Thậm chí, một số người có con bệnh con đau cần tiền gấp đều được anh cho vay tất. Tài sản “thế chấp” chính là … bản thân phạm nhân. Sau khi đã giao kèo xong, thông qua các “đệ tử”, anh Hai sẽ tìm cách thông tin ra ngoài cho vợ… Vậy là một giao dịch “đen” với lãi suất cao ngất ngưỡng thành công. Và tất nhiên, lãi suất hàng tháng cũng được chị vợ này trực tiếp thu… còn vốn thì sau khi ra tù những người này trả sau. Theo ước tính của Tý “con”, trong khoảng thời gian thụ án, lò “tín dụng đen” trong trại đã mang về cho anh Hai tiền tỉ…

Nếu như những “đại bàng” ngày càng giàu sụ thì gia đình của những tù nhân ngày càng kiệt quệ. Bà T, mẹ của một phạm nhân đang thụ án nói như mếu: “Không biết trong đó nó vay làm gì, bao nhiêu mà hàng tháng gia đình phải gồng lưng ra trả nợ cho nó. Khốn khó như tui mà mỗi tháng phải trả thêm gần 1 triệu đồng tiền lãi thì rõ ràng là quá sức…”. Đã nhiều lần bà định “xù” nhưng nghe con than là sẽ bị đánh nếu không đóng lãi nên bà phải cố gắng… Một số phạm nhân không chịu được sức ép nên có những hành động liều lĩnh để kiếm tiền trả nợ. Đơn cử là trường hợp của phạm nhân Nguyễn Giang Trung (SN 1983, trú thôn 5, xã Quảng Ngãi, H. Cát Tiên, Lâm Đồng), người đang chấp hành án phạt 7 năm tù giam về tội cướp tài sản vừa mới xảy ra tại trại giam Đại Bình. Theo đó, khoảng 10 giờ 50 ngày 17/8, tại phòng lưu ký và trực điện thoại của Trại giam Đại Bình trong khi phát lưu ký cho phạm nhân, một nữ cán bộ bị Trung túm áo, dùng dao tự chế khống chế, kéo vào phòng làm việc ra yêu sách được …về nhà. Sau khi bị khống chế, tên Trung khai nhận nguyên nhân khiến y ra tay là do cần tiền để trả nợ… bạn tù. Và trường hợp này chính là đỉnh điểm của bi kịch “tín dụng đen” trong trại tù…(Còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Nguyễn Minh