Rùng mình vì hành xử vô cảm của teen Việt

26/02/2012 06:47
"Thôi phải đy ngủ thôi mai còn phải đy đám ma bà mình chết, chết lúc nào không chết lại đúng lúc mình đang thy... đen chết...".

Với vô số những biến chứng của căn bệnh vô cảm đang phổ biến trong giới trẻ, không ít người sẽ cảm thấy rùng mình về sự lạnh lùng tới mức nhẫn tâm...

Rùng mình vì hành xử vô cảm của teen Việt ảnh 1
Nữ sinh chia sẻ trên facebook về sự khó chịu của mình khi hay tin bà mất

 Một bạn nữ có nickname Jaemie Lyl chia sẻ cảm xúc "rất thật" của mình khi hay tin bà mất đã đem đến sự ớn lạnh cho nhiều người.


Bà mất,  Jaemie Lyl viết: "Thôi, phải đi ngủ sớm thôi, mai còn phải đi đám ma bà mình chết, chết lúc nào không chết lại chết đúng lúc mình đang thi, đang thi mà đi đến đám ma thì đen chết, đành ngậm ngùi biết làm thế nào, không lại kêu con cháu mất nết. Mà lần trước ông mình chết, lũ anh chị mình bận thi có đứa nào thèm về đâu, thôi về một lúc chờ cho vào quan tài xong rồi lượn!”.
Nhiều người sau khi đọc dòng trạng thái này đã phản đối gay gắt cách cư xử của Jaemie Lyl và cho rằng "bạn là đứa cháu hư". Nhưng cũng có ý kiến đồng tình với quan điểm của Jaemie Lyl vì quan niệm "không có gì to tát".

 “Có gì đâu, chỉ là chết thôi mà. Làm như thế là đúng, thà nói ra suy nghĩ của mình còn hơn đạo đức giả” – Bạn Trọng Phương chia sẻ trên facebook.

Hay như bạn P. Lan (17 tuổi, Hà Nội), cứ mỗi lần hàng xóm có người mất là Lan lại cảm thấy ức chế. Cô bạn tâm sự: “Nói thật là đám ma rất ầm ĩ, nào thì trống kèn, điếu văn, nào thì tiếng khóc lóc, kêu than ầm ĩ, rền rĩ cả mấy ngày trời. Mình muốn học cũng không tập trung nổi, lên giường đắp chăn đi ngủ cũng không xong, ồn ào thế thì chẳng làm được việc gì cả, chỉ mong họ đem chôn nhanh nhanh cho phố phường được yên ắng”.

Còn M. Hà (20 tuổi, Hải Phòng) lại đem câu chuyện một người bạn bị tai nạn giao thông đang cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức – Hà Nội ra để “làm quà”, để mọi người bàn tán xôn xao. Không cảm thông, thương xót với hoàn cảnh éo le của bạn mình, Hà còn chì chiết: “Ai mượn đi đứng không thèm nhìn trước ngó sau, giờ nằm đấy chỉ khổ bố khổ mẹ, không khéo còn liệt nửa người có mà thành của nợ cho cả nhà!”.

Bạn Vũ Minh (sinh viên Trường ĐH Công Nghiệp) cho biết, nhiều nam sinh viên cũng mắc bệnh vô cảm theo trào lưu, cứ trên đường có vụ tai nạn nào xảy ra là lao đến, nhưng không phải để giúp đỡ nạn nhân mà để xem nếu có ai chết thì xin số tuổi, hoặc nhìn biển số xe để chơi lô đề, cờ bạc.

“Như vụ Kẹo mút chơi bời làm mưa làm gió trên facebook đấy thôi, đâm chết một ông cụ rồi lên trang cá nhân rêu rao, kêu gọi anh em “phang” lô đề nhiệt tình vì ông cụ sinh năm 1953. Đó không phải hiện tượng cá biệt, trên thực tế còn nhan nhản những người như thế, sống vô tâm với xã hội và buông thả với chính mình. Bởi thế, cộng đồng mạng mới gọi đây là phiên bản hai của Kẹo mút chơi bời” – cũng là một minh chứng được Minh chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu xã hội học, tâm lý học cho rằng, khi vô cảm trong giới trẻ đang trở thành một hiện tượng phổ biến, ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của giới trẻ cũng là lúc nhiều hệ lụy xã hội nảy sinh.

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (GĐ Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học) cho biết: “Hiện tượng trên phản ánh sự hồn nhiên đến mức cơ học và người ta không biết che giấu tình cảm thật. Họ đã thể hiện một sự hồn nhiên chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cuộc sống."

Đối với những người trẻ tuổi, cách sống theo kiểu hồn nhiên chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cuộc sống đồng nghĩa với việc họ đã đánh mất đi giá trị của bản thân, hủy hoại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Xu hướng vị kỉ còn dẫn đến nguy cơ “bản năng” hóa tư duy và hành động – một bước thụt lùi trong tiến trình phát triển xã hội.

"Điều này cũng cho thấy giới trẻ bây giờ chưa thấy rõ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một bộ phận đang sống theo xu hướng vị kỉ", lời ông Bình.  Tuy nhiên, những người này cũng còn tốt hơn nhiều kẻ âm thầm giữ kín trong lòng những điều chưa thật tốt đẹp. Xã hội nhiều khi đòi hỏi con người phải hi sinh những lợi ích cá nhân. Còn giờ đây, giới trẻ muốn đơn giản hóa mọi việc. Điều đó đã dẫn đến chủ nghĩa tiện ích, vô cảm với cộng đồng.

Còn theo thạc sĩ tâm lý Trần Bích Nga (giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Báo chí & Tuyên truyền), hiện nay không chỉ giới trẻ vô cảm với những điều diễn ra xung quanh mà người Việt Nam, số người mắc bệnh vô cảm ở mọi giới tăng cao so với 50 năm trước đây. Chỉ có điều khác là ở giới trẻ bệnh vô cảm bộc lộ một cách hiển nhiên, không giấu giếm, che đậy. Thậm chí còn cho sự vô cảm, coi thường mạng sống con người là điều đáng tự hào và "lạnh tanh, giết người không run tay".

"Sự vô cảm trong xã hội là minh chứng cho thấy sự thờ ơ của con người trước các chuẩn mực xã hội, sự ích kỷ" - lời bà Nga.

Nguyên nhân của sự vô cảm là do con người đã không đủ sức mạnh để chiến thắng cái ác, cái xấu, cái cá nhân. Đứa trẻ sinh ra, lớn lên, gia nhập vào các mối quan hệ xã hội. Đó là quá trình diễn ra sự thương lượng giữa cái cá nhân và cái xã hội để hình thành nên nhân cách của bản thân (quá trình xã hoá).

Trong quá trình này trẻ tiếp nhận những tác động xấu, tốt đan xen nhau rất phức tạp. Trong xã hội đầy cạnh tranh, phức tạp, "sự vô cảm” trẻ đã len lỏi trong mọi mối quan hệ: gia đình, bạn bè, xã hội. Sức cám dỗ của cá nhân, sự ích kỷ rất lớn, thêm sự quản lý lỏng lẻo của cha mẹ và nhu cầu tự khẳng định bản thân... Tất cả những điều đó đã dần tạo nên một bộ phận giới trẻ vô cảm - bà Nga phân tích.
Theo Vietnamnet