Sa bẫy “tín dụng đen”: Nắm phải kẻ trọc đầu!

04/11/2011 07:33
Ngọc Long/Pháp luật TPHCM
Sau hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra, những “đại gia” huy động vốn đã và đang phải đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Sau hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra, những “đại gia” huy động vốn đã và đang phải đối diện với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Còn các chủ nợ - người cho vay, liệu họ có hoàn toàn là những nạn nhân - người bị hại?

Giao dịch dựa trên... niềm tin

“Tín dụng đen” là một thuật ngữ nói đến hoạt động vay mà không theo sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng, một loại giao dịch dân sự vô hiệu một phần. Pháp luật cho phép người dân được giao dịch dân sự với nhau trong việc cho, mượn, vay, tặng... nhưng phải có giấy tờ.

Tuy nhiên, thói quen của người Việt Nam thường lấy chữ tín làm đầu nên nhiều khi chỉ đặt lòng tin để thực hiện các giao dịch đó. Hoặc những giao dịch dân sự này chỉ được giao ước bằng giấy viết tay, trong khi đúng luật phải có chứng nhận và thẩm định của cơ quan có thẩm quyền (đối với những khối tài sản lớn).

Tuy nhiên, người vay và hầu hết người cho vay cũng đều không muốn tiết lộ cho cơ quan chức năng biết, một phần vì tâm lý sợ bị phát hiện cho vay nặng lãi quá quy định có thể bị xử lý.

Một số hình thức huy động vốn thường thấy gồm: chơi phường, hụi, nhiều người gom tiền vào với nhau mua cái nọ, bán cái kia... Ngay cả ở các cổng trường đại học cũng có những đường dây cho vay lấy lãi như chủ quán nước cho sinh viên vay lấy lãi 5%-10%/ngày. Thậm chí thời gian vừa qua, cơ quan điều tra đã xử lý một loạt nhân viên ngân hàng, lợi dụng uy tín, công việc của mình để huy động vốn, sau đó cho vay với lãi suất không đúng quy định của Nhà nước...

Tất cả những hoạt động như vậy đều được coi là hoạt động vay nợ “tín dụng đen”.

Sa bẫy “tín dụng đen”: Nắm phải kẻ trọc đầu! ảnh 1

Chủ nợ kêu khổ vì trót ném tiền vào đường dây “tín dụng đen” mới sập tại quận Hồng Bàng (Hải Phòng) hồi tháng 10-2011. Ảnh: HUY HOÀNG

Dấu hiệu lừa đảo

Một vấn đề đặt ra là trước đó, khi một cá nhân hay tổ chức đứng ra huy động vốn, động cơ của họ là gì, những người này đã nảy sinh ý định lừa đảo để chiếm đoạt hay chưa.

Thứ nhất, người này huy động vốn với ý định để đầu tư kinh doanh chứ không có ý định chiếm đoạt. Nghĩa là nếu mọi việc theo đúng ý muốn thì họ sẽ trả nợ đầy đủ. Tuy nhiên, do gặp rủi ro, đến kỳ hạn trả nợ, họ buộc phải vay người nọ trả cho người kia. Họ buộc phải lừa dối, nhằm tiếp tục vay được tiền từ người mới, đến lúc không còn khả năng trả nợ, vô hình trung họ đã thực hiện hành vi lừa đảo.

Thứ hai, người huy động vốn đã nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt ngay từ đầu. Tất nhiên theo luật, đây được coi là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có thể họ biết hành vi của họ sẽ gây thiệt hại cho nhiều người, thậm chí rối loạn xã hội nhưng vì mục đích “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nên họ vẫn làm.

Trước đây, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức hình phạt cao nhất là tử hình nhưng BLHS hiện hành chỉ còn tới mức chung thân. Một khi đã không thể tử hình thì người ta có thể gom tiền, tẩu tán tài sản cho người thân, con cái sử dụng. Mà rõ ràng, một khi họ đã tuyên bố vỡ nợ thì các cơ quan chức năng khó có thể thu hồi lại được những tài sản đó để trả cho người bị hại.

Không thể xử lý hình sự người cho vay

Trong khi đó, những người cho vay, một là vì thiếu hiểu biết pháp luật, hai là do tâm lý tham của. Rõ ràng nếu mang tiền đi gửi ngân hàng thì số tiền lãi so với lãi suất huy động của những “đại gia” kia là quá nhỏ bé. Những người cho vay bị mờ mắt trước những món lợi nhuận lớn thậm chí gấp bảy, gấp 10 lần hoặc hơn so với gửi ngân hàng. Họ chỉ nhìn thấy rằng người huy động tiền có nhà cao cửa rộng, xe hơi, tiêu pha rủng rỉnh. Nhưng họ không hiểu một điều rằng ngoài số tiền người ta huy động của mình ra thì còn huy động của thậm chí hàng trăm người, mà với chỉ chừng đó nhà cửa, đất đai cũng chẳng là gì.

Có một vấn đề đặt ra, trước khi những người cho vay trở thành người bị hại thì có phải chính họ đã vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng hay không?

Theo Điều 163 BLHS, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột hoặc thu lợi bất chính lớn thì mới phạm vào tội cho vay lãi nặng. Để khép một người vào tội danh này, ngoài việc chứng minh lãi suất cao quá quy định, còn phải chứng minh được rằng các đối tượng cho vay nặng lãi hoạt động chuyên nghiệp và lấy số lãi làm nguồn sống chính.

Đối chiếu các vụ huy động vốn vỡ nợ gần đây có thể thấy dù lãi suất huy động vượt quá 10 lần mức lãi cao nhất theo quy định thì cũng không thể xử lý hình sự người cho vay. Bởi lẽ giữa người vay và người cho vay có sự giao dịch tự nguyện, không ép buộc hay bắt chẹt. Hơn nữa khó thể quy kết người dân cho “đại gia” vay tiền là “chuyên bóc lột”.

Sa bẫy “tín dụng đen”: Nắm phải kẻ trọc đầu! ảnh 2

Tối 2-11, hàng trăm người đã mang búa, cưa, kìm cộng lực và ống sắt… đến phá ngôi nhà bảy tầng của con nợ Nguyễn Hồng Hảo tại 5 Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) (ảnh). Trước đó, sáng cùng ngày, có tin “trùm nợ” Nguyễn Hồng Hảo cùng vợ đã bỏ trốn khi không còn khả năng trả số nợ lên đến 200 tỉ đồng. Những người quá khích này là những người đã cho Hảo vay, có người cho vay đến… 44 tỉ đồng. Họ phẫn nộ đập nát cửa kính, dùng thang leo lên đập tan cửa sổ tầng hai và ba để vào nhà phá két sắt, tháo dỡ máy điều hòa và chuyển mọi đồ đạc có thể. Nhưng két sắt lúc này trống không với nhiều biên lai chứng từ vay nợ. Đến khi lực lượng cảnh sát 113 và công an phường có mặt trật tự mới được vãn hồi.Theo thông tin ban đầu, vụ vỡ nợ đã diễn ra từ gần hai tháng trước. Hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ sự việc.

Tiến sĩ-Thượng tá NGUYỄN MINH ĐỨC (*)

(*) Tiến sĩ-Thượng tá Nguyễn Minh Đức hiện là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm - Học viện Cảnh sát Nhân dân. Tựa bài và tựa nhỏ do tòa soạn đặt.

Ngọc Long/Pháp luật TPHCM