Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

'Sặc mùi phân biệt trong phát ngôn thợ xây 'húp canh như lợn ăn cám'

02/11/2012 07:07
Chuyên Đắc
(GDVN) - Trước phát ngôn miệt thị hai người thợ xây trên mạng Facebook, G.S Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển đặt dấu chấm hỏi về xuất thân của nam thanh niên, bởi trong lời lẽ của người này “sặc mùi” phân biệt.
Thời gian gần đây cư dân mạng liên tục dậy sóng vì những phát ngôn gây sốc của các bạn trẻ. Phát ngôn “người tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội” chưa kịp lắng xuống thì phát ngôn “đi ăn cơm, ngồi đối diện với hai thằng thợ xây, nhai cơm phồng má trợn mắt, húp canh thì như lợn ăn cám, ăn xong lấy vạt áo lau mồm. Đúng chất bình dân!”, của một nam thanh niên lại làm dấy lên những luồng dư luận phẫn nộ. Phê phán cái chưa đẹp bằng những lời nói vô văn hóa và thiếu tinh tế Trao đổi về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng đó là một phát ngôn mang tính chất miệt thị và vô cùng nguy hiểm. Ông cho rằng người phát ngôn không hề có chút cảm thông, chia sẻ, thấu hiểu, xót xa với những phận đời, hoàn cảnh xung quanh.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Ông cho rằng những hình ảnh trong phát ngôn của nam thanh niên này là những hình ảnh không ai muốn có bởi chúng ta luôn mong muốn có những hành vi đẹp, tinh tế khi ăn uống, đứng đợi xe, vào rạp xem phim hay ở bất cứ nơi công cộng nào khác. Theo nhà văn, ngay cả khi phải chứng kiến những hành vi không lấy gì làm đẹp thì chúng ta cũng nên có những hành động, suy nghĩ khác chứ không nên miệt thị. Bởi khi phê phán người khác bằng những lời lẽ miệt thị thì bản chất của nó hoàn toàn khác và còn xấu hơn cả những hành động bị phê phán. Lý giải cho những hình ảnh không đẹp của người thợ xây, nhà văn Quang Thiều nói: “Có thể, những người thợ xây đó xuất phát từ nông thôn, thiếu thốn về nhiều mặt và có những hành vi chưa đẹp nhưng điều này chưa nói lên bản chất tâm hồn”.  Nguyên nhân được ông xác định là do cách giáo dục vể thẩm mỹ hiện nay vẫn còn rất yếu và thiếu đặc biệt là ở nông thôn. Nhà văn cho rằng phát ngôn của nam thanh niên này là thiếu văn hóa: “Lẽ ra phải là sự chia sẻ và giáo dục về thẩm mỹ chứ không phải là những lời lẽ miệt thị, phân biệt đẳng cấp. Phê phán cái chưa đẹp bằng những lời nói vô văn hóa và thiếu tinh tế”. Khi biết nam thanh niên này đã từng là sinh viên của trường đại học Kiến Trúc, TP. Hồ Chí Minh, hiện tại đang sống ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Có thể anh ta có kiến thức về chuyên nghành nhưng chưa chắc anh ta đã có kiến thức về văn hóa, thẩm mỹ. Thể hiện qua những ngôn từ anh ta nhận xét về người thợ xây, thiếu thẩm mỹ một cách trầm trọng, và cái nhìn thiếu cảm thông chia sẻ”. Trong cuộc trò chuyện nhà văn Quang Thiều bày tỏ lo lắng, ngày càng có nhiều bạn trẻ có những hành động và lời nói thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan cho rằng đó chỉ là thiểu số. Ông muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng những cái xấu, chưa đẹp về mặt hình thức có thể tha thứ, nhưng những lời miệt thị thì nguy hại gấp 1000 lần những hành vi chưa đẹp, trong trường hợp này cụ thể là của anh thợ xây. Hành vi thiếu văn minh, góp ý thô tục không khác nhau là mấy
G.S Lê Quý Đức: "Hành vi thiếu văn minh, góp ý thô tục hai cái này không khác nhau là mấy, đều là thiếu văn hóa và không thể bỏ qua"
G.S Lê Quý Đức: "Hành vi thiếu văn minh, góp ý thô tục hai cái này không khác nhau là mấy, đều là thiếu văn hóa và không thể bỏ qua"
Cũng về vấn đề này G.S Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Ông cho rằng đó là những lời nói thiếu tôn trọng và kinh bỉ người khác. Về hành vi của người thợ xây ông nói đó là hành vi thiếu văn minh, còn phát ngôn của nam thanh niên ông cho đó là góp ý thô tục. Hành vi thiếu văn minh và góp ý thô tục không khác nhau là mấy, đều là thiếu văn hóa và không thể bỏ qua. Bởi bỏ qua hành vi này sẽ dẫn tới hành vi khác nghiêm trọng hơn. Vị Viện trưởng đặt dấu chấm hỏi về xuất thân của nam thanh niên, bởi trong lời lẽ của người này “sặc mùi” phân biệt. Ông cho rằng cả hai cùng phải sửa đổi, rút kinh nghiệm và không nên so sánh ai hơn ai, bởi công việc nào cũng đáng quý. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Chuyên Đắc