“Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương”

30/01/2016 08:17
Đào Hiệp – Trần Tuyển
(GDVN) - “Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương”- Lời thề trong trận chiến đã theo người cựu chiến binh mấy chục năm qua để quyết tâm thực hiện.

Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương” – Lời thề trong trận chiến hôm nào vẫn luôn văng vẳng trong tâm trí người cựu chiến binh Phạm Quang Lại, Khu Phố 1, Phường Suối Hoa, TP.Bắc Ninh (Bắc Ninh) suốt mấy chục năm qua. 

Hơn 30 năm vẫn vẹn nguyên lời thề

Tháng 8 năm 1969, chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang giằng co ác liệt, khi đó chàng thanh niên Phạm Quang Lại vừa tròn 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. 

Sau 3 tháng huấn luyện, ông được điều động vào thực hiện nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 923 trực  thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 959 (quân tình nguyện sang Lào). 

Đến ngày 23/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, đơn vị ông được lệnh rút về tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Trước khi rút về, thủ trưởng Bộ tư lệnh có giao một nhiệm vụ quan trọng cho ông Lại và một số anh em còn sống sót sau trận đánh ở Sân bay Mường Hiềm hôm ấy. Đó là: “Bằng mọi cách phải đưa được hài cốt các anh em đã ngã xuống về với quê hương”. 

Ngay lập tức, ông cùng anh em đồng đội bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ.

Chiến tranh ác liệt, đồng đội hy sinh nhiều, đại đội ông có 40 người thì đã hy sinh mất 37 người. 

“Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương” ảnh 1
Ông Phạm Quang Lại đang kể về cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của mình (Ảnh: Đào Hiệp)

Phải vất vả lắm ông và hai đồng chí còn sống sót mới đưa được hài cốt của các liệt sỹ hy sinh ở khu vực: Nậm Păng, Phan Xi Pu, Phu Cum, sân bay Mường Hiềm tại khu vực nước bạn về nước. 

Tuy nhiên có hai điểm là khu vực chiến trường Nậm Tạp và khu vực sân bay Tam-Na-La-Khàng do đồng đội mới hy sinh và vừa chôn cất nên chưa tiêu, nếu xử lý luôn thì không được, ảnh hưởng đến người đã chết và không thể mang thi hài về ngay lúc ấy được”, ông cho biết. 

Nhìn anh em hy sinh mà tôi không cầm lòng mình được, họ đã nằm xuống để tôi được trở về”, ông Lại ngậm ngùi. 

Lúc đó ông Lại đành phải nuốt nước mắt, nghẹn ngào ghi chép chi tiết cụ thể lại những địa danh, vị trí phần mộ các liệt sỹ đã được đánh dấu cẩn thận vào trong cuốn nhật ký của mình và thề trước hương hồn các anh rằng: “Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương”.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, ông công tác tại Trường Hậu cần Quân Khu Thủ đô. 

Những năm tháng công tác trong quân đội đến khi về hưu, lúc nào trong ông cũng đau đáu một nỗi niềm “phải làm sao đưa được hài cốt những đồng đội đã ngã xuống về với quê hương. Nhưng thực hiện làm sao đây khi khoảng cách địa lý là quá xa, phương tiện đi lại, đường xá cũng thay đổi quá nhiều”, ông tâm sự. 

Nhiều đêm ông mất ngủ, nghĩ về quá khứ, những trận chiến giằng co ác liệt ngày nào như hiện ra trước mắt ông. Nghĩ về lời thề của mình, ông càng quyết tâm “phải giữ trọn lời thề với người đã mất và với chính bản thân mình”.

Vào một ngày mùa đông năm 2010, sau một đêm mơ thấy đồng đội về báo mộng cho mình. Ngay hôm sau, “không biết run rủi thế nào” ông Lại đã quyết định cùng vợ và hai người đồng đội cũ về thăm lại di tích lịch sử cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. 

Và cũng nhờ chuyến đi này, ông Phạm Quang Lại đã gặp đoàn cán bộ của nước bạn Lào cũng đi thăm quan, tại đây ông được quen biết ông Viêng Phết, Chính ủy của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn, vốn là người con của bản La Cút, vùng đất này cách sân bay Tam-Na-La-Khàng (hay còn gọi là đồi Củ Khoai) khoảng chừng 8 cây số - nơi năm xưa các đồng đội ông hy sinh ở đó. 

Sau câu chuyện kể cuộc đời mình và lời hứa năm nào của ông, đồng chí Viêng Phết đã đồng ý và hứa giúp ông thực hiện lời hứa còn dang dở bấy lâu nay. 

Cuộc hành trình…như đã hẹn trước


Trở về nhà sau cuộc gặp gỡ “duyên phận” ấy, ông bàn bạc với vợ và các con để chuẩn bị kinh phí cho cuộc hành trình tìm lại hài cốt đồng đội mình. 

Năm 2011, ông Phạm Quang Lại đã tìm đến Đại sứ quán Lào ở Việt Nam trình bày lại sự việc và xin cấp Công hàm để sang bên Lào “thực hiện lời hứa còn đang dang dở” của mình. 

Nhưng hồ sơ của từng liệt sỹ ông cũng không có, bằng chứng cũng không, “giấy tờ để làm cơ sở của tôi lúc này chỉ là cuốn nhật ký đã đi theo quá nửa cuộc đời mình thì làm sao ai người ta tin được (?)”, ông kể lại. 

Thấy vậy, ông nhớ đến người bạn Viêng Phết và nhờ anh bảo lãnh giúp, nhờ đó mà ông Lại mới được Đại sứ quán Lào cấp cho Công hàm lần 1 (có giá trị từ ngày 20/8 đến 05/9/2011). 

Nhưng ông không ngờ rằng đây mới chỉ là sự bắt đầu cho cuộc hành trình “duyên phận” nhưng cũng nhiều vất vả. 

Đón người bạn trên đất Lào, Viêng Phết đã dẫn ông đến sân bay Tam-Na-La-Khàng, nhưng để đến được nơi đây đòi hỏi hai người phải băng rừng vượt suối mới đến được. 

Nhật ký của ông Lại ghi nơi đồng đội nằm xuống bên Lào (Ảnh: Đào Hiệp)
Nhật ký của ông Lại ghi nơi đồng đội nằm xuống bên Lào (Ảnh: Đào Hiệp)

Tìm đến nơi, tất cả đã khác xưa, trước mắt hai người là rừng cây um tùm, “hố bom ngày nào nơi các anh ngã xuống đã không còn nữa”. 

Nhưng những ký ức lại hiện về trước mắt, ngay lập tức ông Lại đã tìm được ra vị trí của các phần mộ đồng đội mình đang nằm ở đó. 

Trong niềm vui sướng tột cùng, ông trở về Việt Nam báo cáo và nhờ người giúp đỡ làm thủ tục để đưa phần mộ của đồng đội về với đất mẹ. Nhưng do khoảng cách địa lý giữa hai nước nên đợt cấp Công hàm lần 2 (có giá trị từ ngày 10/11 đến 25/11/2011) ông mới làm xong các thủ tục và báo cáo với Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào giúp đỡ. 

Và đến đợt cấp công hàm lần thứ 3 (có giá trị từ ngày 06/12 đến  28/12/2015), trong lần sang Lào này, ông đã được Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa giúp đỡ và cử một đoàn sang gồm 15 sỹ quan, 1 bác sỹ và 3 xe ô tô đi cùng, kết hợp với các phương tiện tìm kiếm, khai quật phục vụ cho quá trình đưa hài cốt các liệt sỹ về nước. 

Trong quá trình tìm kiếm theo vị trí như trong cuốn nhật ký của mình đã xác định, trong thời gian 3 ngày ông đã giúp đoàn công tác nhanh chóng tìm ra phần mộ và hài cốt của 37 đồng đội. 

Sau đó, ông Lại bàn giao hồ sơ và cho đoàn công tác. Đến tháng 5 năm 2012, hài cốt các liệt sỹ được cơ quan chức năng đưa về Việt Nam để an táng. 

Chia sẻ về quá trình tìm kiếm hôm ấy, ông chia sẻ: “Trong các hài cốt tìm được tôi còn nhớ mãi kỷ vật là con dao găm và chiếc nhẫn trên tay của đồng chí Trung úy Hà Đình Ngọc, Đại đội trưởng, giờ tìm thấy hài cốt của anh tôi mừng lắm”, nói đến đây mắt ông nhòa đi vì xúc động. 

Hôm tìm được hài cốt các anh, thương lắm! có trường hợp xác của các anh nằm chồng lên nhau, phải phân loại để xác định”, ông Lại ngậm ngùi. 

Chia sẻ với chúng tôi, người nhà của đồng chí Nguyễn Văn Chanh quê ở Lạng Giang (Bắc Giang) – một trong những liệt sỹ được ông tìm thấy hài cốt đưa về địa phương nghẹn ngào: “Chúng tôi không biết nói gì về tấm lòng của anh Lại, nhờ có anh mà em của chúng tôi và các anh em khác đã ngã xuống được trở về với quê hương, về với cội nguồn của mình”. 

Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng 11 (Âm lịch) ông Phạm Quang Lại lại lên nhà thăm và thắp hương tưởng nhớ đến liệt sỹ Nguyễn Văn Chanh, người đã sát cánh chiến đấu với mình trong những ngày bom lửa.

Với những đóng góp của mình, cựu chiến binh Phạm Quang Lại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen vì những đóng góp trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại nước bạn Lào và tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 của tỉnh Bắc Ninh.

“Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương” ảnh 3
Cựu chiến binh Phạm Quang Lại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen (Ảnh: Trần Tuyển)

Tâm sự về những dự định sắp tới của mình, ông Lại cho biết: “Tôi dự định qua tết năm 2016, sẽ làm đơn xin Đại sứ quán Lào giúp tôi sang Lào. 

Bởi còn 8 liệt sỹ ở khu vực Nậm Tạp (đồi Cây Dẻ) nữa chưa mang hài cốt về được. Và vào ngày nhận nhiệm vụ hôm đó cùng tôi có đồng chí Nguyễn Đình Chiến người quê Nghệ An có nhiệm vụ mang hài cốt đồng đội hy sinh ở nhánh khác thuộc khu vực huyện Pha Thí của Lào nhưng đến nay các anh em hy sinh vẫn chưa về được và cũng không rõ tung tích đồng chí ấy còn sống hay không? 

Trong khi nhánh đồng chí ấy đảm nhiệm vẫn còn hài cốt của 100 đồng chí nữa! Đó là điều mà tôi trăn trở lắm!


Chia tay ông, chúng tôi ra về, nhìn mái đầu đã điểm bạc, ánh mắt của ông đang nhìn xa xăm về một phía như đang suy nghĩ một điều gì. Dù lời thề của ông suốt 30 năm qua đã thành hiện thực nhưng ước vọng đi tìm và đưa hài cốt những đồng đội đã ngã xuống nơi biên giới Việt - Lào về với gia đình, về với đất mẹ yêu thương ở những nơi khác nữa đang đợi ông thực hiện.

Đào Hiệp – Trần Tuyển