Sau vụ việc cháu bé 9 tuổi tử vong vì bị tôn cứa cổ, Hà Nội sẽ làm gì?

25/09/2016 08:51
Diệu Linh
(GDVN) - Để ngăn chặn những sự việc tương tự, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị TP.Hà Nội chấn chỉnh hoạt động vận tải của xe mô tô hai bánh, ba bánh.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết vào lúc 14h30 ngày 23/9 tại khu vực trước nhà số 64 phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cháu Trần Minh Hoàng (sinh năm 2007, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đi xe đạp trên đường đã va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường, bị tôn cứa vào cổ gây tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đã gửi lời chia buồn và cử Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình cháu bé tử vong trong vụ tai nạn.

Chiếc xe chở tôn cồng kềnh đã cứa vào cổ bé trai sinh năm 2007 khiến cháu tử vong vì mất quá nhiều máu. ảnh: Tiền phong.
Chiếc xe chở tôn cồng kềnh đã cứa vào cổ bé trai sinh năm 2007 khiến cháu tử vong vì mất quá nhiều máu. ảnh: Tiền phong.

Để kịp thời ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dẫn đến vụ tai nạn.

Đề nghị UBND Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đối với các phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Cần những biện pháp xử lý nghiêm dứt khoát từ cán bộ thực thi công vụ

Trên thực tế, luật pháp nghiêm cấm người dân sử dụng các xe tự chế, chở hàng cồng kềnh trên đường. Tuy vậy, thời gian vừa qua, trên nhiều tuyến phố thường xuyên xuất hiện những chiếc xe ba gác, xe máy gắn thêm thùng chở hàng phía sau, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho những phương tiện khác khi lưu thông trên đường.

Mặc dù đã xảy ra 2 vụ tai nạn thương tâm tại Hà Nội do xe tự chế chở tôn gây ra, nhưng nhiều xe ba gác, xe tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động.

Điều đáng nói, loại xe này không chỉ hoạt động ngoài những tuyến phố lớn mà trong các ngõ ngách, hẻm nhỏ cũng hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, bất chấp hiểm họa cho người đi đường.

Điển hình như tại phố Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), người dân đã quá quen với hình ảnh những xe ba gác, công nông tự chế nối đuôi nhau chạy vào các ngõ nhỏ. Không những thế, trên xe còn chất đầy hàng hóa, vật liệu xây dựng cồng kềnh... gây ra lo lắng cho người dân sống ở hai bên đường, nơi mà những chiếc xe tự chế này chạy qua.

Tại các ngõ nhỏ nằm trên phố Đình Thôn, Trung Văn, Phú Đô... (Hà Nội) cũng thường diễn ra những cảnh tương tự. Những chiếc xe tự chế ngang nhiên hoạt động suốt ngày, đêm, nhưng không bị ngăn chặn.

Nguy hiểm hơn, những chiếc xe tự chế này không tuân theo bất kỳ một tiêu chuẩn an toàn nào, lái xe lại thường phóng nhanh, vượt ẩu, gây nguy hiểm cho các khu dân cư và người tham gia giao thông trên đường.

Nói về tình trạng này, nhiều người dân tỏ ra bức xúc, cùng với đó là sự lo lắng vì những chiếc xe tự chế có thể gây tai nạn cho người đi đường bất cứ lúc nào.

Những chiếc xe tự chế là hiểm họa đối với nhiều người dân khi tham gia giao thông. ảnh: vtv.
Những chiếc xe tự chế là hiểm họa đối với nhiều người dân khi tham gia giao thông. ảnh: vtv.

Cô Nguyễn Thanh Cúc - người dân phố Mễ Trì Hạ (Hà Nội) chia sẻ: "Ngõ vào nhà tôi 2 chiếc xe máy tránh nhau còn khó, không hiểu sao mấy cái xe công nông (xe tự chế) cứ chạy băng băng, mỗi lần tôi nhìn thấy những chiếc xe đó là phải tránh xa vì đi gần rất nguy hiểm. Tôi rất lo lắng vì loại xe này, đặc biệt là cháu nhỏ mỗi khi ra khỏi nhà".

Một người dân khác là anh Nguyễn Đức Thông, cho biết: "Mỗi ngày có đến vài chục chiếc công nông chất đầy đất, đá, vật liệu xây dựng chạy vào trong ngõ, họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, kể cả giờ cao điểm.

Chúng tôi rất lo lắng vì loại xe này chạy quá ẩu, họ thường xuyên gây ra va chạm với các phương tiện lưu thông trong ngõ. Để đảm bảo an toàn cho người đi đường, tôi rất mong các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý các phương tiện này".

Có thể thấy, điểm dễ dàng nhận biết những phương tiện tự chế là đều sử dụng đầu kéo chạy bằng máy nổ, không đèn, không xi nhan và không gương.

Các bộ nhận như chân ga, phanh, vô lăng, cần số, thùng chở hàng... đều được thiết kế sơ sài, không qua kiểm định an toàn của các cơ quan chức năng.

Chính vì vậy, loại xe này tiềm ẩn những nguy cơ khó lường khi tham gia giao thông rất cao, và rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, nhất là những cán bộ trực tiếp thực thi công vụ.

Diệu Linh