Shangri-La: Dự báo vấn đề tranh chấp an ninh biển đảo sẽ tiếp tục nóng

31/05/2013 20:06
Thu Thủy/VOV online
Dư luận quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có những diễn biến mới phức tạp

Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 diễn ra tại Singapore trong 2 ngày (31/5 và 1/6/2013) trong bối cảnh tình hình quốc phòng-an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có những diễn biến mới phức tạp, trước hết là điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Đông Bắc Á và Biển Đông vẫn rất căng thẳng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 tại Singapore, theo sáng kiến của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh), sau đó được tổ chức hàng năm với sự tham dự của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả đến từ 27 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm 10 nước ASEAN và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Đức, Anh…  

Kế tục truyền thống của 11 lần đối thoại trước, Đối thoại Shangri-La năm nay là diễn đàn của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia, học giả các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trao đổi quan điểm và ý kiến thẳng thắn về tình hình quốc phòng và an ninh cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế có liên quan, từ đó đề xuất các kiến nghị về giải pháp nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác quốc phòng.

Nhiều nội dung quan trọng được thảo luận tại Shangri -La lần thứ 12

Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 thảo luận rất nhiều nội dung quan trọng như: Bảo vệ lợi ích quốc gia và phòng ngừa xung đột; Quá trình hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; Vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; Các thể chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; Thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương; Công nghệ mới và học thuyết quân sự; Ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; Không gian mạng đối với an ninh của các nước ASEAN; Những xu hướng mới ở Châu Á-Thái Bình Dương; Tăng cường hợp tác quốc phòng ở Châu Á-Thái Bình Dương...

Bình luận về các chủ đề được thảo luận tại Hội nghị, Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên chuyên gia phân tích về vấn đề quốc tế thuộc Viện Chiến lược quốc phòng của Việt Nam nhấn mạnh 4 nội dung đáng chú ý.

Một là, trong lịch sử 11 cuộc Đối thoại Shangri-La, chưa có diễn đàn nào đề cập tới nhiều vấn thời sự an ninh cấp thiết, cấp bách và có liên quan tới tất cả các quốc gia trong như đối thoại lần này.

Hai là, Đối thoại Shangri-La lần này thể hiện rõ quan điểm của Mỹ về an ninh khu vực trong bối cảnh Washington đang thực hiện quá trình chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu từ Châu Âu-Đại Tây Dương tới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để tái cân bằng chiến lược ở khu vực này nhằm duy trì sự ổn định, hòa bình và hợp tác trong khu vực.

Ba là, ở khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia và phòng ngừa xung đột là hai nội dung có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong khi giữa nhiều quốc gia trong khu vực đang có tranh chấp biên giới và chủ quyền biển đảo, thì nguy cơ xung đột là điều không thể tránh khỏi. Do đó, làm thế nào các quốc gia vừa bảo vệ được lợi ích quốc gia, vừa tránh được xung đột là vấn đề thời sự cấp thiết nhất hiện nay, cần có nỗ lực đa phương để tìm ra cách hóa giải. Đo đó, Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn có ý nghĩa quan trọng vì tại đây các bên bày tỏ quan điểm công khai, minh bạch, làm cơ sở để tìm ra tiếng nói chung và giải pháp đa phương đáp ứng lợi ích của tất cả các nước.

Bốn là, qúa trình hiện đại hóa quân sự hiện nay ở Châu Á-Thái Bình Dương đang có nguy cơ dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang mới. Do đó, các nước trong khu vực cần minh bạch chiến lược và trao đổi ý kiến về học thuyết quân sự. Đặc biệt, các nước cần phối hợp hành động để ngăn chặn tham vọng của một số nước trong khu vực đang hướng tới mục tiêu giành ưu thế đơn phương so với các nước xung quanh, từ đó dùng sức mạnh quân sự để gây áp lực, đe dọa chiến tranh và muốn giải quyết tranh chấp bằng sức mạnh quân sự. Vì thế, quá trình hiện đại hóa quân sự phải được diễn ra trên cơ sở minh bạch chiến lược, để tránh hiểu nhầm và nghi kỵ lẫn nhau, tạo ra sự tin cậy cho sự hợp tác giữa các nước.

Năm là, vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực là vấn đề thời sự cấp bách nhất mà các nước trong và ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đều quan tâm vì trong thời gian qua, sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, họ bắt đầu có những bước đi làm tổn hại nghiêm trọng tới sự ổn định, hòa bình và sự hợp tác trong khu vực.

Cũng theo nhận định của Đại tá Lê Thế Mẫu, trong số các nội dung được đề cập ở trên, thì vấn đề tranh chấp an ninh biển đảo được dự báo sẽ tiếp tục "nóng" tại kỳ Đối thoại lần này. Bởi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo đã từng được đề cập tới tại một số diễn đàn Đối thoại Shangri-La gần đây và lần này sẽ được đề cấp do Trung Quốc tiếp tục thể hiện quan điểm và hành động thực tế ngang ngược trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng.

Quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là khách mời chính của Đối thoại và sẽ có diễn văn khai mạc đối thoại. Bài diễn văn khai mạc được coi là định hướng những nội dung chính cho Đối thoại và thể hiện quan điểm, cách xử lý nhiều vấn đề liên quan đến thách thức an ninh đối với khu vực và quốc tế và một số vấn đề toàn cầu khác, đề ra sáng kiến kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tham gia giải quyết, phù hợp với lợi ích chung của khu vực và mỗi quốc gia.  

Theo Đại tá Lê Thế Mẫu năm nay Việt Nam và Singapore kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và việc Thủ tướng nước ta Nguyễn Tấn Dũng tới tham dự Đối thoại Shangri-La nằm trong chuỗi các sự kiện đánh dấu một chặng đường phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. Đây cũng là dịp Việt Nam bày tỏ quan điểm trong việc giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung, trong đó có vấn đề tranh chấp chủ quyển trên Biển Đông.

Sự kiện này cũng là cho thấy, dư luận quốc tế đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu bởi Chính sách đối ngoại của Việt Nam luôn chủ trương đoàn kết, hữu nghị và hợp tác trên cơ sở các bên cùng có lợi, vì hòa bình, tiến bộ và phát triển.

“Đó là xu hướng không thể đảo ngược của một thế giới đang ở trong quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa. Các thách thức an ninh toàn cầu ngày nay chỉ có thể giải quyết được bằng nỗ lực và thiện chí của tất các quốc gia, không phân biệt lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu. Chính sách đối ngoại của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với cách thức hóa giải các thách thức an ninh đối với tất cả các quốc gia”- Đại tá Lê Thế Mẫu nhận định./.

Thu Thủy/VOV online