Sơn La: Xót xa những trường hợp lây nhiễm HIV… vì thiếu hiểu biết!

28/12/2015 17:26
THỤY MIÊN
(GDVN)-Nhiều người dân sống ở khu vực vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Sơn La thậm chí không biết căn bệnh HIV/AIDS là gì? Nhiều trường "dính" HIV vì thiếu hiểu biết.

Trẻ nhiễm HIV… do bú sữa dì

Sơn La là tỉnh miền núi, với nhiều dân tộc anh em chung sống trong khi trình độ dân trí chưa cao, thêm vào đó địa hình rộng, chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt tại một số xã, huyện vùng sâu, vùng xa trên địa bàn…

Là một trong những địa phương nghèo nhất trong huyện Mường La, 70% số dân Xã vùng sâu Chiềng Lao là bà con dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế.

Song song với đó, số người nghiện chích ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS cũng đang ở ngưỡng báo động.

Khám bệnh và tư vấn cho trường hợp cháu bé đang nghi nhiễm HIV do bú sữa của bà nội.
Khám bệnh và tư vấn cho trường hợp cháu bé đang nghi nhiễm HIV do bú sữa của bà nội.

Gặp chị Lò Thị M, sinh năm 1982, ở độ tuổi 33, nhiều phụ nữ vẫn giữ được sự xuân sắc của tuổi thanh xuân thì khi nhìn chị, mọi người sẽ không khỏi giật mình thương xót vì cứ nghĩ chị đã bước sang độ tuổi trên 60.

Chồng chị M mất vì căn bệnh HIV/AIDS đã 8 năm nay, bỏ lại chị và 3 đứa con nhỏ tội nghiệp. Khi chồng mất vì HIV/AIDS, chị Lò Thị M vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chồng, tại sao chồng lại bị “con virus HIV ấy giết”.

Do không hiểu biết về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, chị M đã chẳng mảy may nghĩ đến chuyện phải đi kiểm tra xem mình có lây nhiễm từ chồng không.

Chỉ đến khi thấy sức khỏe ngày càng yếu, đau ốm triền miên, mắt mờ dần thì chị M mới cố gắng thu xếp đi lên tỉnh để kiểm tra sức khỏe và bắt đầu được điều trị thuốc ARV miễn phí.

“Nếu không quyết tâm đi bệnh viện khám thì có lẽ tôi đã ‘sớm đi theo’ chồng rồi”, chị M chia sẻ.

Điều đáng nói, khi được hỏi về HIV/AIDS, chị M cho hay rằng, chị đã không biết về căn bệnh HIV/AIDS.

Chỉ đến khi đi khám, bắt đầu được các bác sĩ tư vấn điều trị thì chị mới biết được các nguy cơ lây nhiễm và những kiến thức cơ bản trong phòng, chống HIV/AIDS.

Tình trạng bệnh nhân như chị Lò Thị M không phải là hiếm tại Sơn La.

Không những thế, nhiều trường hợp, chính do sự chủ quan, vô tình đã khiến nhiều người khác bị nhiễm HIV “oan”. Bác sỹ Tòng Văn Sử - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, Sơn La cho biết, trong số 10 trẻ em bị nhiễm HIV đang được điều trị tại bệnh viện, có một em bé tại Bản Két, xã Tạ Bú, Mường La nhiễm HIV do bú sữa của dì ruột bị nhiễm HIV.

Theo bác sĩ Tòng Văn Sử, trường hợp này được phát hiện cách đây 4 năm. Em bé được sinh ra hoàn toàn bình thường, bố mẹ khỏe mạnh, không hề bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, do người dì của em nhiễm HIV mà không biết nên đã cho cháu bú sữa trong khi mẹ cháu đi làm vắng nhà.

Đến khi cháu bé bị ốm vào viện điều trị thì mới phát hiện dương tính với virus HIV.

Khi ấy, chính người dì cũng mới biết mình đã nhiễm căn bệnh này từ khi nào không biết.

Không chỉ ở Bệnh viện Đa khoa huyện Mường La, các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, Sơn La cũng đang tiến hành xét nghiệm cho 2 em bé 9 tháng và 17 tháng tuổi, tại thị trấn Mộc Châu nghi bị nhiễm HIV.

Theo thông tin từ bệnh viện, 2 cháu bé này có quan hệ chú, cháu. Một bé là con của người phụ nữ nhiễm HIV, bé còn lại là cháu nội của người đàn bà này.

Chỉ vì không biết tình trạng bệnh của mình, bà nội đã vô tình cho cháu bú sữa khi cháu đói. Hiện, cả 2 em bé đang chờ kết quả xét nghiệm từ phía bệnh viện.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều gian nan…
Trao đổi về những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS trên đia bàn tỉnh Sơn La, ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, dịch HIV/AIDS không chỉ tập trung ở các khu vực thành thị mà đã và đang có xu hướng lan rộng ra các khu vực giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp gắn liền với tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy cao đặc biệt là ở khu vực biên giới.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Sơn La, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh phát hiện 10.435 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó hiện còn sống là 7.722 người, số người đã tử vong là 2.713 người.

Trung bình hàng năm phát hiện khoảng 600 trường hợp nhiễm mới HIV.

Riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng số người nhiễm HIV phát hiện mới là 405 người, chuyển sang giai đoạn AIDS 525 người, số tử vong do AIDS là 110 người.

Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ mắc mới HIV chủ yếu ở lứa tuổi 20-39 (chiếm 73,09%); trên 40 tuổi là 19,26% và 7,65% số ca mắc ở trẻ em.

Trong đó, nữ giới mắc HIV chiếm 42,47%. Đặc biệt, số phát hiện mới nhiễm HIV là phụ nữ và trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo ước tính, đến năm 2020, số phụ nữ mắc HIV chiếm 55% và ở trẻ em tăng lên khoảng 11%.

Với những con số đáng báo động trên, tỉnh Sơn La đã nỗ lực tìm cách đẩy lùi và ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều gian nan, thách thức…

Ông Đàm Văn Hưởng cho hay: “Hiện công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp khi phát hiện bị nhiễm thì đã quá muộn và là một trong những nguyên nhân khiến HIV/AIDS lây lan nhanh.

Hơn nữa, nguồn nhân lực để quản lý số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn quá mỏng, khiến công tác phòng, chống dịch cũng bị hạn chế’.

Bên cạnh đó, nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi căn bệnh HIV/AIDS ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế.

Đây là một thách thức đối với công tác dự phòng hạn chế số người nhiễm HIV mới hàng năm, cũng như công tác chăm sóc, điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS tại Sơn La.

Ma túy cũng là nguyên nhân sâu xa khiến HIV tăng nhanh ở vùng đất này.

Hiện toàn tỉnh đang quản lý khoảng 8.000 người nghiện ma túy. Sau 4 năm triển khai, chương trình điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đến nay chương trình vẫn diễn ra chậm chạp và còn nhiều vướng mắc. Chỉ tiêu Chính phủ giao tỉnh Sơn La đến năm 2015 phải có 6.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc Methadone, nhưng con số đó mới đạt khoảng 10%...

Là người gắn bó với công tác phòng chống HIV/AIDS và ma túy của Sơn La trong nhiều năm qua, ông Đàm Văn Hưởng vẫn luôn trăn trở, đau đáu với những nỗ lực không ngừng nghỉ để vùng đất Tây Bắc trở lại bình yên.

Khó khăn còn nhiều và ngày càng trở nên khó khăn hơn khi nguồn viện trợ, tài chính cho công tác phòng, chống HIV ngày càng hạn hẹp. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, ông Hưởng khẳng định “sẽ quyết tâm diệt HIV/AIDS bằng mọi giá”.

THỤY MIÊN