Sởn gai ốc với luật ngầm của đội quân "ăn bám" trên xác tử tù

16/08/2012 11:13
Theo Zing.vn/Infonet.vn
Ba Son - "ông trùm" phu mộ trường bắn tự nhận mình là “kiếm sống” trên... tử tù, bởi thông thường, để chôn một tử tù, nhóm “phu” được trả công rất hậu hĩnh.
Ba Son- "ông trùm" phu mộ ở trường bắn

Ba Son- "ông trùm" phu mộ ở trường bắn

Ngày 1/11/2011, việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc được áp dụng, trường bắn này chính thức “khai tử”. Và theo dự kiến trong tương lai không xa, khu đất nơi nhiều tử tù vùi thân xuống sẽ được thay thế bằng một dự án sân Gofl.

Kiếm tiền trên…xác chết

Mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc từng tham gia chứng kiến các tử tù hành quyết, Ba Son có lúc bị ám ảnh, nhưng như ông từng nói, dù có xót cảm với họ - những tử tù phải trả giá cho tội ác, thì ông cũng chỉ biết đứng nhìn chờ sau những loạt đạn.

Hơn 36 năm, từ khi khai sinh ra trường bắn Long Bình, quận 9, TP.HCM, có hàng trăm tử tù đã bị đền tội. Với trên 500 nấm mồ hoang lạnh nằm rải rác trong khu đất trống rộng 7 ha, trường bắn này trở thành nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm với Ba Son.

Theo lời ông, nghề bốc mộ không chỉ dành cho những kẻ có tâm hướng thiện, làm việc vì nghĩa cử, mà thực tế đó ở trường bắn luôn có nhiều người vây quanh chầu chực đòi ăn, chia phần từ số tiền người nhà nhờ bốc mộ tử tù.
Khu vực trường bắn Long Bình cây cối mọc um tùm, đầy ám khí

Khu vực trường bắn Long Bình cây cối mọc um tùm, đầy ám khí


Trong quy định thì với mỗi tử tù nếu muốn đưa ra khỏi khu trường bắn, người nhà phải xin đủ các loại giấy tờ mới được phép bốc mộ. Nhiều thủ tục đôi khi có phần nhiêu khê, mất thời gian nên Ba Son sẵn sàng đứng ra thu xếp, lo cho họ. Đến khi tiến hành bốc mộ, số tiền mà ông cùng các cộng sự của mình kiếm được có thể từ 50-100 triệu/1 mộ tử tù, tùy theo gia cảnh và địa vị của đối tượng yêu cầu.
Số tiền nói trên, đội quân phu mộ của ông chỉ hưởng được chút ít, hầu hết 50 hay 100 triệu đó đều phải chia chác cho nhiều đơn vị chức năng khác nhau.
Với những xác chết của tử tù, không chỉ có Ba Son mà luôn có nhiều người thường trực chờ "kiếm ăn". Ảnh minh họa

Với những xác chết của tử tù, không chỉ có Ba Son mà luôn có nhiều người thường trực chờ "kiếm ăn". Ảnh minh họa


“Có lần mấy ông cán bộ đến đòi chia tiền nhiều quá, tôi nói thẳng các anh làm vậy kỳ quá, tụi tui dốc sức ra làm mà chỉ được chút đỉnh, sao sống nổi”- Ba Son nhắc lại những lần ăn chia.
Với những phu mộ, họ không chỉ làm nhiệm vụ chôn cất tử tù, mà khi có yêu cầu của người nhà muốn được nhận diện tử tù rồi làm theo yêu cầu của họ như: Rửa tử thi, thay áo, nhét bông gòn vào vết đạn, làm lễ cúng bái sau đó đưa vào quan tài mới rồi chôn lại. Sau những lần như vậy, số tiền thù lao thường được trả rất hậu hĩnh. Đặc biệt là những tử tù có “số má” hoặc các tử tù liên quan đến lĩnh vực kinh tế thì số tiền kiếm được cũng đếm trên con số chục triệu.
Ba Son cho biết, nghề phu mộ ngoài việc thiện nghĩa thì cũng có thể kiếm được một số tiền kha khá tùy thuộc vào "số má" của tử tù

Ba Son cho biết, nghề phu mộ ngoài việc thiện nghĩa thì cũng có thể kiếm được một số tiền kha khá tùy thuộc vào "số má" của tử tù


Có nhiều tử tù, khi ra pháp trường không có người thân hoặc bị người nhà ruồng bỏ, đội phu trường bắn của Ba Son đứng ra lo chu đáo các thủ tục chôn cất, sau đó tìm về địa chỉ thân nhân để báo tin.
Mới thoạt nghe qua nhiều người sẽ nghĩ rằng, đó là việc làm cao cả, tận tâm với người chết, nhưng chỉ có Ba Son mới hiểu được. Thật ra khi tìm đến để báo tin, họ luôn hy vọng gia quyến sẽ nhờ họ bốc mộ và trả tiền. Những cú “áp phe” như thế này sẽ đem lại số tiền không nhỏ cho đội phu trường bắn. Họ sống được cũng một phần nhờ những lần như báo tin.
Có những ngôi mộ không có người chăm sóc, hương viếng, Ba Son làm luôn nhiệm vụ tận tay thắp hương cho tử tù.

Có những ngôi mộ không có người chăm sóc, hương viếng, Ba Son làm luôn nhiệm vụ tận tay thắp hương cho tử tù.


Tuy nhiên, đôi lần những lần về báo tin, họ phải tưng hửng vì có trường hợp gia đình quá nghèo, không đủ tiền chi trả phí bốc mộ. “Đợt tử tù tên N., quê Long Khánh - Đồng Nai bị hành quyết, tôi tìm về nhà họ báo tin. Đến nơi thấy họ quá nghèo, ông vội thắp hương, móc tiền trong túi đưa cho vợ con N., mấy chục ngàn rồi ra về. Mấy năm nay, tôi vẫn chu đáo coi sóc phần mộ và lo hương khói cho N.”- Ba Son kể lại.

Luật ngầm của phu mộ

Ở trường bắn Long Bình, không chỉ có đội quân Ba Son hành nghề bốc mộ, mà còn có một đội quân khác nữa cũng tham gia cạnh tranh. Ở “vùng lây ma ám” này luôn thường trực nhiều kẻ chỉ trông chờ vào…xác chết, để kiếm tiền.

Trong vai một người nhà từ Bắc vào trường bắn bốc mộ, chúng tôi được người dân quanh khu vực giới thiệu gặp một “trùm” phu mộ mới nổi tên H.,. Ông H., có dáng người phốp pháp, nước da đen nhẻm. Qua trao đổi, ngỏ ý nhờ sự giúp đỡ, ông H., không ngần ngại tự “chào hàng” bản thân: “Ở đây chỉ có tụi tui còn làm cái nghề này, các anh tìm đúng người rồi đó”.
Ông H., đối chọi lớn nhất của Ba Son trong vấn đề "làm ăn" ở trường bắn Long Bình

Ông H., đối chọi lớn nhất của Ba Son trong vấn đề "làm ăn" ở trường bắn Long Bình


Không cần phải vòng vo, ông H., đi thẳng vấn đề giá cả, muốn bốc mộ thì giá hết 8-10 triệu. Chúng tôi tỏ ý cò ke, muốn giảm bớt chi phí nhưng ông lắc đầu, bảo đó là giá chốt, nếu đồng ý thì tiến hành luôn, đảm bảo gia chủ hài lòng.

Tiết lộ của ông H., cho thấy, mỗi tháng nếu “làm ăn” thuận lợi cũng có tiền trăm triệu ăn chia cho cả đội quân. Chính vì thế, trong mấy năm trở lại đây, vì mảnh đất màu mỡ dễ kiếm ăn ở trường bắn nên ông H., trở thành đối chọi lớn với Ba Son.

Nhiều lần các đối thủ thường tung tin Ba Son “làm ăn” đắt, ẩu, nhằm hạ thấp uy tín của ông. Vậy nhưng, với kinh nghiệm lâu năm, ông vẫn dành được nhiều “mối hàng” có khoản tiền hậu đáp rất lớn.
"Ở trường bắn, luật ngầm cạnh tranh đôi khi tàn khốc"- Ba Son tiết lộ

"Ở trường bắn, luật ngầm cạnh tranh đôi khi tàn khốc"- Ba Son tiết lộ


“Làm phu mộ ở đây cũng bị cạnh tranh dữ lắm. Trước tôi liên tục bị các đội quân phu mộ khác đe dọa, nếu bén mảng đến trường bắn sẽ bị xử chém. Có lần, tôi vừa xuất hiện thì bị một nhóm giang hồ vây giáp, tụi nó yêu cầu mình chấm dứt nghề phu mộ, để cho bọn chúng dễ bề làm ăn. Cũng may tôi từng là một giang hồ, lại có đông anh hem hỗ trợ, thoát khỏi vòng vây”- Ba Son nhớ lại.

Trong hơn 30 năm hành nghề bốc mộ, đã rèn cho Ba Son nhiều bản tính lưu manh hơn. Bởi, ngoài những việc làm thiện nghĩa, giúp sức cho những gia đình có tử tù thì ông còn phải suy tính làm sao mình phải “sống được” và các cộng sự của mình cũng phải đảm bảo có được bát cơm.

Giờ đã “rửa tay gác kiếm” nhưng kỷ niệm về trường bắn đầy màu sắc tâm linh mà Ba Son vẫn hằn in. Đặc biệt, hình ảnh hàng trăm người đến ngôi mộ của Phước “tám ngón” xin số đề vẫn còn là câu chuyện dài kỳ. Vụ  này, Ba Son cũng kiếm được rất nhiều tiền.

Kỳ tới:  “Làm luật” tại ngôi mộ ông trùm tướng cướp Phước “tám ngón”
Theo Zing.vn/Infonet.vn