Sống cạnh... đàn cọp tại Thanh Hóa

15/04/2012 07:44
Đàn cọp hơn chục con, lừng lững đi lại trong trại nuôi nhốt nằm giữa khu dân cư thuộc xã Xuân Tín, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa khiến chúng tôi không khỏi rợn sống lưng.

 Sống cạnh... đàn cọp tại Thanh Hóa ảnh 1
Đàn cọp nuôi nhốt trái phép của ông Nguyễn Mậu Chiến - Ảnh: Ngọc Minh

Chúng tôi vào trại cọp của ông Nguyễn Mậu Chiến (cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín) đúng vào giờ chúng được cho ăn. Một đàn cọp trưởng thành, con lớn nhất nặng khoảng 350 kg, con nhỏ nhất cũng nặng khoảng hơn 100 kg. Thấy người, ba bốn con cọp cùng xộc tới, nhảy vồ lên hàng rào sắt B40, rồi nhe nanh gầm gừ đầy hoang dại.

Ông Nguyễn Văn Tư (anh rể ông Chiến, được giao chăm sóc đàn cọp 12 con) vừa bê rổ đầu, cổ gà chia ra làm nhiều phần để cho chúng ăn, vừa nhắc nhở tôi không được đi sát hàng rào bảo vệ. “Bình quân mỗi ngày đàn cọp ăn hết khoảng 30 kg đầu cổ, gà. Mấy năm trước, khi chúng đang nhỏ thì mỗi tuần chúng tôi phải cho ăn một bữa thịt bò, nhưng bây giờ chúng lớn quá rồi, ăn uống tốn kém lắm, nên chỉ có đầu và cổ gà thôi”, ông Tư nói.

Vì nuôi nhốt thú dữ ngay trong khu dân cư, nên nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này hết sức lo lắng.

Tiếp xúc với chúng tôi, một người dân (đề nghị không nêu tên) ở thôn 27, xã Xuân Tín, bức xúc: “Đêm đêm đàn cọp cứ gầm gừ, thi thoảng lại rống lên những âm thanh hết sức man dại, khiến bà con nhiều phen thót tim. Chưa kể, do là giống ăn thịt, chuồng trại lại chật hẹp, bà con ở đây thường phải sống trong bầu không khí ô nhiễm bởi mùi từ đàn cọp. Bà con lo lắng trường hợp thiên tai, dịch họa, hoặc có kẻ xấu phá hoại dẫn đến đàn cọp thoát được ra ngoài, thì hậu quả khó lường".

Khi chúng tôi hỏi chuyện về thủ tục cũng như tương lai của đàn cọp ra sao thì ông Tư từ chối trả lời, bởi “tôi chỉ được thuê chăm sóc thôi. Còn mọi cái thì tôi chịu”.

Hợp thức hóa vi phạm?

Làm việc với PV, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân cho biết, từ cuối năm 2006, đầu năm 2007, kiểm lâm đã phát hiện gia đình ông Nguyễn Mậu Oai và con rể là ông Nguyễn Văn Tư nuôi nhốt trái phép 15 cá thể cọp với trọng lượng bình quân từ 3-7 kg/con. Ông Oai và ông Tư cho biết đây là số cọp của ông Nguyễn Mậu Chiến (con trai ông Oai, đang công tác ở Hà Nội) gửi nuôi. Số cọp này ông Chiến mua của một người Thái “vô danh” ở H.Quan Sơn (Thanh Hóa). “Do không thể xác định được đối tượng bán cọp cho ông Chiến, vì vậy cơ quan chức năng không đủ căn cứ để khởi tố ông Chiến về tội mua bán trái phép động vật hoang dã”, ông Khanh nói.

Lúng túng trong xử lý

Ông Hà Công Tuấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, đúng là cơ quan hữu trách đang lúng túng trong việc xử lý các trang trại nuôi cọp trái phép.

“Theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng có quyền tịch thu các cá thể cọp nuôi nhốt trái phép. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có khu nuôi bảo tồn những con cọp này. Việc thả những cá thể cọp đã nuôi nhốt lâu ngày cũng không an toàn cho con người và đối với ngay chính những cá thể cọp đó. Cơ quan hữu trách không thể tịch thu là vì hai lý do nêu trên”, ông Tuấn nói.

Quang Duẩn

Cũng theo ông Khanh, thời điểm đó Hạt Kiểm lâm Thọ Xuân đã kiến nghị với cấp trên thu giữ số cọp này, nhưng do trong quá trình tìm đơn vị tiếp nhận không được, nên mãi đến tháng 5 và tháng 8.2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa mới ký 2 quyết định xử phạt hành chính người nuôi cọp, tổng cộng 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, trong các quyết định trên cũng giao cho ông Chiến và ông Tư tiếp tục nuôi nhốt 15 cá thể cọp, và giao việc theo dõi, kiểm tra cho Hạt kiểm lâm Thọ Xuân.

Ông Khanh phủ nhận thông tin cho rằng một số con trong đàn cọp đã bị giết hoặc đánh tráo để nấu cao. Theo ông Khanh, ngoài 3 con cọp bị chết năm 2010 đã được lập hồ sơ, thì 12 con còn lại đều được kiểm đếm hằng tháng. Song bản thân ông Khanh cũng cho rằng, nếu có chuyện đánh tráo cọp thì cũng rất khó phát hiện, bởi cho đến thời điểm này vẫn chưa lấy được mẫu ADN của 12 con cọp.

Khi chúng tôi đặt vấn đề rằng tại sao thời điểm này, cơ quan chức năng không ra quyết định thu giữ số cọp trên để thả về môi trường tự nhiên, hoặc giao cho các đơn vị có chức năng để bảo tồn loài thú quý hiếm này, thì ông Khanh nói: “Do đã có quyết định xử phạt hành chính, nên thời điểm này không thể ra quyết định thu giữ số cọp này được nữa. Việc có thể làm được hiện nay là cơ quan chức năng chuyển giao đàn cọp cho một đơn vị nào đó để chăm sóc, bảo tồn. Tuy nhiên đây là một việc không dễ dàng gì, bởi theo gia đình ông Chiến thì tính từ thời điểm UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính, đồng thời giao cho họ nuôi sinh trưởng đến nay, họ đã chi khoảng trên 7 tỉ đồng để chăm sóc đàn cọp”.

Như vậy, mặc dù cho đến nay chưa có bất kỳ một cơ quan chức năng nào cấp phép cho ông Chiến được nuôi nhốt cọp, nhưng bằng 2 quyết định trên đã “vô tình” công nhận cho ông Chiến được nuôi loài thú quý hiếm này.

 Sống cạnh... đàn cọp tại Thanh Hóa ảnh 2
Quang cảnh trại nuôi nhốt cọp trái phép ở cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, H.Thọ Xuân (Thanh Hóa) - Ảnh: Ngọc Minh

Ngọc Minh/Thanh niên