Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.991

Sự thật chuyện chó đá canh giữ hàng tấn báu vật của người Trung Quốc

20/09/2012 12:00
Thùy Dương
(GDVN) - Không ai biết chó đá được đặt ở đấy từ bao giờ nhưng mỗi khi đi qua đây người dân thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng lại xôn xao bàn tán, người ta truyền tai nhau câu chuyện về chó đá canh giữ hàng tấn báu vật của người Trung Quốc.
"Dưới chân chó đá là hàng tấn của cải"

Để được “tận mục sở thị” về ngôi mộ chó đá, chúng tôi tìm về thôn Đại Trà. Không khó để tìm được đường đến nơi đặt chó đá, chúng tôi được một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi tận tình dẫn đi. Ông hào hứng kể cho chúng tôi câu chuyện mà người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau. 

Người già trong làng kể lại rằng, tượng chó đá có từ thời xa xưa khi mà người Trung Quốc vẫn còn sinh sống ở đây. Hầu hết, họ đều là những gia đình giàu có, của cải tiêu cả mấy đời không hết nhưng lại không thể giữ được vì thời đó loạn lạc, trộm cắp như cơm bữa.

Vốn hiểu được tác dụng của việc thờ chó đá trong nhà nên người Trung Quốc đã tạc tượng chó đá để canh giữ vàng bạc châu báu. Họ yểm bùa cùng với số của cải cần chôn rồi sau đó đem chôn dưới chân chó đá. Chó đá thường được tạc há mồm và phải là chó đực, khi rót nước vào trong, nước chảy ra từ dương vật của chó đá, nước bắn tới đâu là vàng bạc châu báu tới đó. Người Trung Quốc coi chó đá là một vật vô cùng linh thiêng, thờ cúng hết sức cẩn thận và thường gọi là cụ đá.

Không biết dưới tượng chó đá có chôn kho báu của người Trung Quốc hay không nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn tin rằng chó đá đang canh giữ rất nhiều vàng bạc châu báu, thậm chí người ta còn đồn đại rằng dưới chân chó đá là hàng tấn của cải (!?).

Chó đá nằm lạnh lẽo nhìn ra nghĩa trang.
Chó đá nằm lạnh lẽo nhìn ra nghĩa trang.

Người đàn ông ngừng câu chuyện đang kể rồi phăng phăng dẫn chúng tôi về phía pho tượng chó đá. Nằm cạnh cây gạo to xù xì gai góc ở phía cuối làng, bức tượng chó đá bị thời gian làm cho bạc màu. Ánh nắng cuối ngày dần khuất vào sau làn mây, trời xâm xẩm tối càng làm cho không gian nơi đây thêm hoang vu, lạnh lẽo. 

Người đàn ông không quen biết lại tiếp lời cho câu chuyện vẫn còn đang dang dở. Từ lúc còn là một đứa trẻ, ông và bao trẻ con khác trong làng đều đã rất sợ mỗi khi người lớn nhắc đến chó đá. Bố mẹ ông thường mang chó đá ra để răn đe mỗi khi anh em ông mắc lỗi, rằng không ngoan sẽ bị chó đá bắt đi.

Ngay cả bây giờ, khi tóc đã hoa râm, mỗi khi nói đến chó đá, ông vẫn còn rùng mình. Ông kể, trước đây, khu đất đặt chó đá là một bãi hoang vu không có người ở, xung quanh là hàng trăm ngôi mộ hoang, chủ yếu là những người ăn xin ăn mày, chết đường chết chợ được mang về đây chôn. Con đường đi qua đây um tùm cây cối, ban ngày mà cứ âm u cứ như ban đêm.

Phải chia tay người đàn ông nhiệt tình vì nhà ông có việc phải về, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm sự thật về lời đồn chó đá canh giữ hàng tấn châu báu của người Trung Quốc.

Chỉ là tin đồn hoang đường

Bà Nguyễn Thị N, một người đã từng lớn lên tại thôn Đại Trà cho biết: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy tượng chó đá đặt ở đấy rồi. Nghe các cụ kể lại rằng dưới chân chó đá có chôn rất nhiều của cải nhưng chẳng ai dám đào bới. Nghe đâu, trước đây cũng có người làm việc này nhưng không thấy gì.

Thuốc thang mãi cũng chẳng khỏi, người nhà đi xem bói thì thầy bảo bị trúng tà của người Trung Quốc không thể hóa giải được. Một chuyện khác nữa là có hai tên trộm rủ nhau đến đào vàng dưới chân chó đá. Vàng thì chẳng thấy đâu chỉ thấy tai họa. Ba hôm sau, hai tên trộm đó không bệnh tật gì mà lăn đùng ra chết bất đắc kì tử. Từ đấy dân trong làng chẳng còn ai dám nghĩ đến chuyện đào vàng bới bạc ở khu đất chôn chó đá”.

Để tìm hiểu rõ hơn về những câu chuyện kỳ lạ này, chúng tôi tìm gặp ông Tô Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Đông Phương. Ông Cương cho biết, chuyện có hàng tấn châu báu dưới chân tượng chó đá là không có căn cứ, câu chuyện hoang đường trên đều do người dân thêu dệt lên. Người này truyền tai người kia và qua mỗi nơi nó lại được thêm thắt cho ly kỳ, hấp dẫn. "Mọi người không nên tin vào những lời đồn đại để tránh tạo dư luận không tốt trong địa phương", ông Cương khuyến cáo.
Thùy Dương