Sự thật đằng sau những bức xúc của người dân ở làng cổ Đường Lâm

16/05/2013 13:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Trưởng BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm: “Người dân bức xúc do một số cán bộ tại địa phương buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng, không quản lý chặt chẽ ngay từ đầu mà để cho dân vi phạm, xây dựng xong rồi lại cưỡng chế, mà nếu cưỡng chế thì người ta có nguy cơ phải phá hủy cả một khối tài sản nên họ bức xúc”.

Quản lý thiếu công bằng, nhân dân bức xúc

Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam vào lúc 11h30 trưa nay, ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết 4 nội dung quan trọng sẽ được các cấp có thẩm quyền phối hợp tổ chức trong tháng 6 để giải quyết triệt để công tác bảo tồn Làng cổ Đường Lâm, giải quyết nơi ăn ở sinh hoạt cho nhân dân.

“Chúng tôi đã nhận được thông báo kết luận hội nghị do Chủ tịch TP chỉ đạo vào chiều 14/5 nói rất rõ phương hướng giải quyết những vướng mắc hiện nay. Ngày mai, hội đồng thẩm định TP sẽ phê duyệt kế hoạch triển khai và trình UBND TP phê duyệt trong tháng 6 tới; Sở Quy hoạch kiến trúc cũng sẽ làm việc với địa phương để định rõ khu giãn dân vào đầu tuần sau; TP cũng giao cho Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế hỗ trợ giãn dân, hỗ trợ những công trình xuống cấp nghiêm trọng; Có cơ chế tái định cư cho dân và hỗ trợ dân phát triển du lịch”, ông Sơn cho biết.

Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng BQL Di tích Đường Lâm.
Ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng BQL Di tích Đường Lâm.

Tại cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân về bảo tồn di tích Làng cổ Đường Lâm chiều qua, nhiều người dân tỏ ra rất bức xúc vì từ khi có di tích thì họ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cải tạo, xây dựng nhà cửa để đảm bảo cho cuộc sống.

Bà Giang Tú Oanh nói thẳng: “Trước khi được công nhận di tích thì nhà tôi lợp mái proximăng, nay sửa lại

Bà Trịnh Thị Thuần, một người dân ở Đường Lâm nói: “Tôi cũng bị tổn thất tinh thần. Tôi phản đối bán vé vào làng cổ Đông Sàng. Mẹ chồng tôi làm lễ thượng thọ nhưng anh em họ hàng về chúc tụng thì bắt họ mua vé. Chính quyền nói bảo tồn làng cổ nhưng đình làng Cam Thịnh sắp sập thì không có biện pháp gì”.

lợp mái tôn để chống nóng thì bị cưỡng chế. Trong khi cưỡng chế vì sao nhà tôi lại bị cắt điện, nước gần 3 tháng nay, trong khi đang nuôi con nhỏ? Làm kiểu mái ngói như truyền thống thì chúng tôi không có tiền, hỗ trợ từ chính chính quyền thì không có.

Từ năm 2005 khi được công nhận là làng cổ chúng tôi được cái gì? Đời sống có được cải thiện không, hay là chỉ vì quy chế xây dựng và bảo vệ làng cổ mà ép chúng tôi phải sống khổ như bây giờ?”.

Một người dân khác là bà Hà Thị Khanh, chủ hộ gần đây nhất bị cưỡng chế dỡ nhà cho hay: “Từ khi được công nhận làng cổ, tình làng nghĩa xóm đã bị chia rẽ chỉ vì chuyện không công bằng trong việc cưỡng chế nhà. Tại sao hai nhà xây cùng nhau thì chỉ có nhà tôi bị cưỡng chế phá dỡ? Khi xây dựng tôi làm đơn sao mãi không ai trả lời? chịu không nổi cảnh sống ngoài trời nên đành phải xây tiếp thì lại cho đến phá dỡ?".

Chia sẻ với giaoduc.net.vn về những bức xúc của người dân, ông Sơn cho hay: “Người dân bức xúc do một số cán bộ tại địa phương buông lỏng công tác quản lý trật tự xây dựng, không quản lý chặt chẽ ngay từ đầu mà để cho dân vi phạm, xây dựng xong rồi lại cưỡng chế, mà nếu cưỡng chế thì người ta có nguy cơ phải phá hủy cả một khối tài sản nên họ bức xúc.

Còn BQL di tích chỉ làm công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động, nếu phát hiện xây dựng trái phép thì báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết, UBND xã có trách nhiệm thực hiện cưỡng chế các trường hợp xây dựng sai phép, chứ chúng tôi không trực tiếp cưỡng chế, nhưng có người dân không hiểu cứ đổ lỗi cho chúng tôi. Ở đây phải thấy rõ là ông chính quyền cấp xã có vấn đề, có người xây được, có người xây bị cưỡng chế nên xảy ra bức xúc”.

Người dân yêu cầu làm rõ tiền tỷ thu được từ du lịch

Kể từ khi được công nhận là di tích vào năm 2005 đến nay, công tác phát triển du lịch ở Đường Lâm đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng đi kèm với đó lại là nỗi bức xúc âm thầm của rất nhiều hộ dân, xoay quanh hai vấn đề: Nhu cầu về chỗ ở (hiện quá chật hẹp) và minh bạch hàng tỷ đồng khai thác từ du lịch.

Ông Hà Kế Toán – một người dân tại Đường Lâm cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc người dân bức xúc làm đơn xin trả lại di tích là do chưa công khai minh bạch số tiền thu được từ việc bán vé cho khách du lịch vào tham quan làng cổ. Bên cạnh đó, việc đất chật người đông, khi họ có nhu cầu xây dựng lại nhà cửa để cải thiện cuộc sống thì thủ tục quá rườm rà. Nhiều người có tiền cũng không thể xây nhà nên đành cam chịu cuộc sống chật hẹp trong những ngôi nhà xuống cấp.

Ông Toán cũng cho rằng, BQL di tích thành lập và bán vé kinh doanh trên đất di tích do cha ông để lại trong khi đa số người dân không được hưởng lợi lộc gì từ việc bán vé này, và đặt câu hỏi: Tại sao không cho đấu thầu khai thác du lịch làng cổ như một số nơi khác, mỗi năm cam kết trả cho dân một khoản tiền, thu được cao thì nhà thầu hưởng, thu được thấp thì phải chịu lỗ?

Lý giải về những thắc mắc của bà con, ông Phạm Hùng Sơn nói với Báo Giáo dục Việt Nam: “Việc bán vé được thực hiện minh bạch qua Cục thuế Hà Nội. Năm 2012, tiền bán vé cho du khách thu được 1,4 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2013, đã thu được 1 tỷ đồng. Số tiền này vẫn thường xuyên được Thanh tra Sở Tài chính kiểm tra.

Chúng tôi đã có báo cáo tổng thể về việc thu chi số tiền này. Chúng tôi đã hỗ trợ dân tu bổ 16 ngôi nhà cổ chứ không phải 8 nhà như người dân đã nói, tu bổ cổng làng, đình, chùa, tổ chức các hoạt động du lịch, hướng dẫn cho người dân biết làm du lịch, tổ chức hội thi nấu ăn, tổ chức các chợ quê… và nhiều hoạt động khác”.

Nhiều người dân tại Đường Lâm tỏ rõ sự bức xúc vì đời sống của họ bị bó buộc, trong khi các cấp chính quyền chưa có giải quyết thỏa đáng suốt 8 năm qua.
Nhiều người dân tại Đường Lâm tỏ rõ sự bức xúc vì đời sống của họ bị bó buộc, trong khi các cấp chính quyền chưa có giải quyết thỏa đáng suốt 8 năm qua.

Tại cuộc trao đổi trưa nay, Báo Giáo dục Việt Nam cũng đề cập tới ý kiến của một số người dân cho rằng, BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm chưa thực sự quan tâm tới di tích, chỉ tu bổ một số ngôi nhà cổ, nhưng không tạo điều kiện cho người dân xây dựng các công trình công cộng… Ông Sơn cho rằng, người dân đã hiểu quá đơn giản.

“Nếu không có BQL Di tích thì làm sao làm được những việc ấy, làm sao đưa cả chục vạn khách đến Đường Lâm? HĐND TP Hà Nội có nghị quyết cho phép thu phí tại di tích Đường Lâm và UBND TP đã có công văn số 45 do ông Nguyễn Huy Tưởng ký cho phép thu phí ở Làng cổ Đường Lâm với người lớn là 20 nghìn đồng/lượt, trẻ em 10 nghìn đồng/lượt. Toàn bộ 100% số tiền thu được đó được dùng để phục vụ cho công tác du lịch tại Đường Lâm.

Chúng tôi đã sử dụng tiền thu được để chi cho tập huấn, giúp người dân  làm công tác du lịch mỗi năm hết mấy chục triệu, chi cho công tác an ninh, chi cho các hộ gia đình đón khách du lịch tốt thì 200-400 nghìn đồng/tháng, chi phí cho 7 người trông coi di tích… chi cho cả UBND xã trong năm 2012 là 40 triệu, rồi chi cho công tác tổ chức lễ hội… tất cả những khoản chi ấy chúng tôi đều phải báo cáo, xin ý kiến của UBND thị xã Sơn Tây”, ông Sơn cho hay.

Trước thông tin cho rằng, tiền thu được từ công tác du lịch thì nhiều mà chi cho người dân quá ít, ông Phạm Hùng Sơn cho rằng: “Chúng tôi vận dụng phù hợp với thực tế, có báo cáo xin ý kiến cấp trên, thí dụ khoản chi cho hơn chục hộ dân từ 200-400 nghìn đồng/tháng là động viên bà con đón tiếp tốt khách du lịch, chứ cũng không phải là chi để bảo vệ nhà cổ.

Chúng tôi cũng không thể chi nhiều hơn được, vì chi càng nhiều thì sự bất công càng lớn, vì chỉ có hơn chục hộ được hưởng, còn hơn một nghìn hộ dân khác không được hưởng gì thì họ sẽ bức xúc. Hiện nay số tiền còn lại là khoảng 500 triệu đồng, chúng tôi đang tham mưu với cấp trên để sử dụng sao cho có hiệu quả nhất vào công tác khai thác du lịch”.

Trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, ông Đặng Nhật Thăng - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Trong 5 năm, xã Đường Lâm có 179 hộ xây dựng, cải tạo nhà ở, trong đó có 94 hộ bị thanh tra xây dựng lập biên bản và đình chỉ xây dựng. Hộ dân bị cưỡng chế duy nhất vào năm 2010 là gia đình bà Hà Thị Khanh. Đến đầu năm 2013, một số hộ dân đã tự ý xây nhà sai quy định, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo xã Đường Lâm có kế hoạch cưỡng chế các hộ dân này.

Ngọc Quang