Sự thật về vợ chồng "ông trùm” vận tải biển xứ Thanh vừa bị bắt

03/01/2014 07:35
CÁT DỰ
(GDVN) - Chỉ trong vòng vài năm, khi làm ăn gặp thời, Nguyễn Trường Sơn đã nhanh chóng có được khối tài sản đồ sộ.
Trong giới làm ăn, khi nghe đến 2 từ Sơn “sắt”, nhiều người đã phải nể mặt.

Đi lên từ nghề buôn sắt…

Sáng 17.12.2013 Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ ông Nguyễn Trường Sơn (có biệt danh là Sơn “sắt”), Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét trụ sở Công ty và cũng là nơi ở của ông Sơn tại số 9, đường Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. 

Ngay cả khi Sơn “sắt” bị bắt, việc tiếp cận khu dinh thự của y (cũng là trụ sở công ty) cũng là việc không dễ dàng. Trong khi dạo một vòng quanh khu biệt thự để “ngắm” dinh cơ lộng lẫy, xa hoa của “ông trùm” vận tải biển, nhóm phóng viên bỗng giật mình khi phát hiện một chiếc xe máy chở 2 người đàn ông lạ hoắc, rú ga chạy áp sát phía sau. 

Phát hiện “khách lạ”, một người đàn ông lạ mặt trạc tuổi 40, mặt lạnh như tiền bỗng cất giọng dứt khoát: “Các anh đến có việc gì? Nếu về chuyện anh Sơn thì để sau, bây giờ chúng tôi không có gì để nói với các anh”. Trả lời câu hỏi trong vai một vị khách vãng lai, nhóm phóng viên tìm cách tiếp cận thông tin từ hướng khác.

Ngắm dinh thự xa hoa của Sơn “sắt”, trong đầu người ta bỗng xuất hiện suy nghĩ, nếu là người bình thường, có tích góp hàng chục năm hay có thể đến cả đời người cũng chưa chắc có được căn biệt thự rộng thênh thang như của y. Để sở hữu ngôi nhà nằm ngay tại “khu đất vàng” ở thành phố Thanh Hóa, chủ của nó phải bỏ ra số tiền lên đến hàng nhiều tỷ đồng mới có được.

Sáng 17.12.2013 Bộ công an đã tiến hành lệnh khám nhà của Nguyễn Trường Sơn và thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động buôn bán của y.
Sáng 17.12.2013 Bộ công an đã tiến hành lệnh khám nhà của Nguyễn Trường Sơn và thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động buôn bán của y.

Kể từ thời điểm Sơn “sắt” bị bắt đến nay, nhiều hoạt động của Công ty TNHH Hoàng Sơn do vợ y làm Giám đốc đã trở nên im ắng hơn. Cũng từ thời điểm trên, câu chuyện có liên quan đến hoạt động làm ăn của Sơn cũng được nhiều người chú ý và biết đến: “Anh Sơn chuyển đến khu này (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) mới chỉ khoảng vài năm trở lại đây. Mọi hoạt động làm ăn hay sinh hoạt gia đình đều rất kín tiếng. Sống cạnh nhà thật đấy, nhưng có mấy khi chúng tôi giao lưu tiếp xúc với gia đình đó đâu. Anh sơn cũng hay đi công tác nên cũng ít gặp lắm!”, một người dân (xin dấu tên) cho biết.

Theo thông tin từ phía người dân, Nguyễn Trường Sơn là người từng bươn chải nhiều nghề. Y xuất phát từ việc mua bán phế liệu. Gặp thời, Sơn vươn lên trở thành ông chủ lớn của ngành vận tải biển ở Việt Nam. Danh tiếng của Nguyễn Trường Sơn trong lĩnh vực kinh doanh khiến nhiều người rất khâm phục, nhưng rồi trong bước xa cơ lỡ vận, nhiều người vẫn tỏ ra tiếc nuối với “đại gia” đen đủi này.

Một cán bộ trong ngành công an cho biết, Nguyễn Trường Sơn nguyên là cán bộ vật tư của tỉnh Thanh Hóa. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Sơn đã mạnh dạn bung ra ngoài và hướng theo con đường làm ăn, kinh doanh buôn bán. Những năm đầu của thập niên 1990, với số vốn tích góp được, Sơn bắt hoạt động thu mua sắt. Ở đâu có nguồn hàng là y đều tiến hành thu gom mua lại tất. Khi gom được hàng, Sơn đem sắt sang bên Trung Quốc để đúc phôi, sau đó đem về Thái Nguyên để cán ra sắt và bán lại với giá cao. Biệt danh Sơn“ sắt” cũng bắt đầu có từ đó.

Sau một thời gian làm ăn phất lên như “diều gặp gió”, Sơn đã tự mở xưởng sắt cho riêng mình để làm ăn kinh doanh. Với số vốn có được từ những vụ làm ăn trước đó, Sơn đã sắm cho mình một cơ số tàu vận tải, đồng thời tiến hành mở rộng ngành nghề kinh doanh. Một trong số ngành nghề chủ lực mà Sơn duy trì và phát triển hết sức lớn mạnh là nghề vận tải biển.

Từ khi lấn sân sang lĩnh vực tàu biển, Sơn đã lập ra Công ty TNHH Hoàng Sơn, do bà Nguyễn Thanh P (vợ ông Sơn) làm giám đốc. Để thuận tiện cho công tác vận chuyển, Sơn đã chọn Hải Phòng làm điểm dừng chân lý tưởng cho hoạt động vận tải hàng hóa trên tàu biển. 

Bước đầu khi mới vào hoạt động nghề, “đại gia” Sơn “sắt” cũng trải qua nhiều thăng trầm với nghề. Theo một cán bộ trong ngành Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, có lần trong quá trình vận chuyển hàng sang nước ngoài, tàu vận tải biển của Sơn đã bị cướp biển Somali bắt, giữ tàu và đòi tiền chuộc....

Cũng từ lúc đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh, nhất là việc thu lợi trong lĩnh vực vận tải biển, Sơn “sắt” đã sắm cho mình một dinh cơ khang trang, lộng lẫy, tọa lạc ngay “khu đất vàng” tại TP Thanh Hóa.

Nhiều người trong giới làm khi nghe tiếng Sơn “sắt” cũng ít, nhiều kiêng nể y. Công ty của vợ chồng P, Sơn được xem là một trong những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển có "tầm" ở nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, vì quá hám lời, Sơn đã lao vào kinh doanh, buôn lậu xăng dầu quy mô lớn.

Trở thành "ông trùm" vận tải biển với nhiều “mánh khóe” tinh quái?

Ngày 31/12/2013, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can Nguyễn Trường Sơn (60 tuổi, trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) để điều tra hành vi buôn lậu.

Vì lòng tham, Sơn “sắt” đã dùng mánh khóe để trục lợi từ việc buôn lậu xăng dầu. Thông qua đối tượng người nước ngoài, vợ chồng Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn “sắt”), nhập lậu số lượng lớn dầu không rõ nguồn gốc vào Việt Nam và bán chênh lệch giá. Mỗi vụ trót lọt vợ chồng Sơn kiếm lời hàng tỉ đồng.

Chiếc tàu có chứa dầu không rõ nguồn gốc của vợ chồng Sơn "sắt" bị lực lương chức năng thu giữ
Chiếc tàu có chứa dầu không rõ nguồn gốc của vợ chồng Sơn "sắt" bị lực lương chức năng thu giữ

Sự việc chỉ được phát giác vào sáng 17/12/2013, trên vùng biển huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tàu An Bình 126 đã cập mạn để hút 1.800 m3 dầu lậu từ một con tàu Trung Quốc. Sau khi lấy được hàng, tàu An Bình 126 di chuyển đến một vị trí gần đó rồi chuyển hàng sang các tàu nhỏ đưa vào bờ.

Thông tin ban đầu cho hay, để thực hiện hành vi buôn lậu của mình, Nguyễn Trường Sơn, N.T.P đã thông qua một đối tượng người nước ngoài thống nhất nhập lậu 2.600 m3 dầu DO và đặt cọc 26 tỉ đồng.

Tại thời điểm khi tàu An Bình 126 đang bơm dầu sang tàu An Bình 01 thì bị lực lượng của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Tổng cục An ninh nội địa (Tổng cục II, Bộ Công an) theo dõi bắt quả tang. Thời điểm bị bắt, các đối tượng có liên quan không giải trình được nguồn gốc số hàng trên tàu.

Theo đó, Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn 'Sắt'), cùng vợ và bốn nghi can khác bao gồm; Nguyễn Thanh P (54 tuổi, vợ Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn), Nguyễn Ngọc Châu (58 tuổi, thủ kho xăng dầu Công ty An Bình), Nguyễn Văn Tha (46 tuổi, thuyền trưởng tàu An Bình 126), Hoàng Kiếm Bình (Giám đốc Công ty An Bình) cũng bị khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi buôn lậu.

Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
CÁT DỰ