Sự tín nhiệm của nhân dân và lương tri của cán bộ

17/05/2017 07:56
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Vũ Quốc Hùng: "Các đồng chí đã được tín nhiệm bầu vào Trung ương thì làm việc gì cũng phải trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước dân tộc".

Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập thẳng thắn tới một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đó là:

Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình mới.

Việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước có mặt, có lúc chưa quyết liệt, kịp thời.

Việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ còn khó khăn.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Còn chậm chỉ đạo xử lý tình trạng thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng về vốn và tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hệ thống chính trị ở địa phương, nhất là ở cơ sở, nhiều nơi bộc lộ yếu kém, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng ở một số nơi chưa kịp thời, kém hiệu quả. Nội dung và phương thức lãnh đạo trên một số lĩnh vực còn chậm đổi mới.

Cũng tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua mức kỷ luật cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng (tỷ lệ phiếu thông qua trên 90%).

Mức kỷ luật này được đánh giá là xác đáng vì trong thời gian đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2009 – 2011), ông Đinh La Thăng có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ. Có những vấn đề được đánh giá là để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân ông Thăng.

Một tuần sau sự kiện này, dư luận vẫn còn rất quan tâm và đặt ra những vấn đề trong công tác cán bộ từ sai phạm của ông Đinh La Thăng và trước đó là nhiều cán bộ khác.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị là bài học cho rất nhiều cán bộ khác.

“Cán bộ có năng lực thì mới được tổ chức tín nhiệm, được cấp trên tin tưởng giao trọng trách quản lý ở đơn vị này, đơn vị khác. Nhưng pháp luật cũng đã có quy định, khi xảy ra vi phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, và việc kỷ luật như thế là tốt cho bản thân cán bộ mắc sai phạm và cũng là cảnh báo cho nhiều cán bộ khác nữa”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ, đồng chí nào thấy năng lực của mình không phù hợp với vị trí nắm giữ thì nên dũng cảm báo cáo với tổ chức, như vậy sẽ tránh xảy ra sai phạm, tránh được thiệt hại cho nhân dân, đất nước. ảnh: N.Q
Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ, đồng chí nào thấy năng lực của mình không phù hợp với vị trí nắm giữ thì nên dũng cảm báo cáo với tổ chức, như vậy sẽ tránh xảy ra sai phạm, tránh được thiệt hại cho nhân dân, đất nước. ảnh: N.Q

Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị bằng hình thức rất nghiêm khắc là đưa ra khỏi Bộ Chính trị với những khuyết điểm về quản lý lãnh đạo ở lĩnh vực kinh tế.

Điều đó khác với trước kia cũng đã có Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật nghiêm khắc nhưng không phải vì lý do quản lý kinh tế. Điểm chuyển biến ấy đã lấy lại niềm tin của nhân dân sau rất nhiều sự cố không hay liên quan tới sai phạm của cán bộ.

Mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, như Đảng ta đã nói là xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm.

Điều đó cũng cho thấy Đảng ta đang rất quyết tâm thực hiện cho được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Chỉ khi nào công tác cán bộ thực sự tốt thì mọi vấn đề khác mới tốt lên được.

Ông Hùng chia sẻ: “Những đánh giá thẳng thắn của đồng chí Tổng Bí thư một lần nữa cho thấy công tác cán bộ vẫn là vấn đề mấu chốt. Phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục và sử dụng cán bộ là cả một quá trình lâu dài, trong đó phải chú trọng khâu kiểm tra giám sát để giúp cán bộ làm việc ngày càng tốt hơn, để họ không bị cám dỗ bởi những điều sai trái.

Sự tín nhiệm của nhân dân và lương tri của cán bộ ảnh 2

Bài học công tác cán bộ từ sai phạm của ông Đinh La Thăng

Cũng đã đến lúc để nói rằng, những đồng chí nào cảm thấy năng lực của mình không phù hợp hoặc là không đủ để đảm đương trọng trách được giao thì nên thẳng thắn báo cáo với tổ chức, để không bị vướng vào những vi phạm nghiêm trọng và cũng để tránh gây thiệt hại cho dân, cho nước.

Ông Vũ Quốc Hùng chia sẻ một câu chuyện rất sâu sắc, đó là thời ông còn công tác, khi cán bộ có dấu hiệu chưa chuẩn mực trong việc này, việc khác thì thường sẽ được 'vỗ vai' để nhắc nhở.

“Tôi vẫn hay nói một cách dân giã rằng cái động tác 'vỗ vai' rất quan trọng. Anh nào có vấn đề cũng cần được 'vỗ vai' ngay, còn nếu biết mà không nhắc nhở thì cán bộ rất có thể vẫn lún sâu thêm vào những vi phạm khác, gây thiệt hại cho dân, cho nước.

Để không vướng vào tiêu cực thì mọi cán bộ ở các cấp là những người có lương tri hãy tự xem xét lại mình, hãy tự đánh giá lại mình. Mà để có được đánh giá chính xác thì hãy dũng cảm lắng nghe ý kiến từ chính trong tổ chức của mình, hãy nghe những ý kiến trung thực, chứ đừng nghe những kẻ xu nịnh”, ông Hùng chia sẻ.

Dự án xơ sợi Đình Vũ thua lỗ lớn. ảnh: pnv
Dự án xơ sợi Đình Vũ thua lỗ lớn. ảnh: pnv


Kiểm soát quyền lực chưa tốt

Sau việc ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị, một lần nữa chúng ta lại phải đặt ra câu hỏi: Đảng sẽ kiểm soát quyền lực thế nào để không còn những vi phạm bị đánh giá là nghiêm trọng như vậy nữa?

Trong một lần làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào tháng 2/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng phải thấy rằng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; không ít địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả thấp, chưa đủ sức răn đe; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc.

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; một số cấp uỷ chưa thực sự quan tâm, chưa tạo điều kiện cho uỷ ban kiểm tra thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp uỷ viên cùng cấp, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt chưa mạnh mẽ.

Việc xác định nội dung chương trình kiểm tra, giám sát của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn dàn trải, chưa thực sự đi vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực hoặc những vấn đề đang gây bức xúc ở địa phương, cơ quan, đơn vị; ở các địa phương, nhất là cấp huyện, cấp cơ sở chuyển biến chưa mạnh, chưa có những vụ việc trọng tâm, trọng điểm, vụ việc điển hình.

Còn có tổ chức đảng thiếu bản lĩnh, dĩ hòa vi quý, cá biệt có biểu hiện bao che cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền vi phạm. Sự phối hợp công tác giữa uỷ ban kiểm tra với các cơ quan có liên quan như thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát, tòa án… có lúc, có việc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, hiệu quả còn thấp.

Sự tín nhiệm của nhân dân và lương tri của cán bộ ảnh 4

“Không kiểm soát được quyền lực, còn nhiều cán bộ hư hỏng”

Chính vì còn những khuyết điểm, hạn chế nêu trên, nên tình hình vi phạm của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, suy thoái về đạo đức, lối sống

Và, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.

Ngày 25/4/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng) đã ký ban hành kế hoạch  và quyết định thành lập 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đối với 20 Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát nhằm nắm tình hình, đánh giá vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; góp phần “nhận diện” và xử lý các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian tới.

Tổng Bí thư yêu cầu việc kiểm tra, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát, báo cáo Ban Chỉ đạo trước ngày 30/10/2017.

Điều này cho thấy Đảng rất quyết liệt đối với công tác cán bộ, và dư luận đánh giá rằng qua đó sẽ có câu trả lời vì sao Nghị quyết của Đảng lần nào đưa ra cũng đúng cả, nhưng kết quả thực hiện trong thực tế lại không đạt được định hướng đề ra.

Ông Vũ Quốc Hùng bình luận: “Các vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng được đem ra xét xử hay chưa xét xử thường  thấy thấp thoáng bóng dáng của những cán bộ nắm giữ vị trí quản lý, thậm chí cả cán bộ quản lý ở cấp cao.

Lâu nay Đảng, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm người đứng đầu, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ coi thường luật pháp, coi thường nhân dân.

Các văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra rằng, chính sự sơ hở, buông lỏng, thậm chí tiêu cực đã giúp cho những con voi chui lọt lỗ kim... làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Và cũng vì kỷ cương không nghiêm cho nên mới dẫn tới tình trạng hoàng hôn nhiệm kỳ, liều lĩnh bất chấp luật pháp, bất chấp dư luận. Tất cả những điều ấy nếu còn tồn tại sẽ gây ra hệ lụy rất lớn với tương lai của đất nước”.

Diệu Linh