"Sửa đổi Hiến pháp mà không hiến định về HĐND là thiếu sót"

29/05/2013 07:34
Hoàng Lực (Tổng hợp)
(GDVN) - "Tại thời điểm sửa đổi Hiến pháp mà vẫn không hiến định về HĐND là thiếu sót lớn. Hơn nữa, sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng, không phải lúc nào cũng đưa ra để sửa một cách dễ dàng..." ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu bày tỏ ý kiến thảo luận tại tổ.
Ngày 28/5, các ĐB thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định về chính quyền địa phương. Cho rằng việc không xác định vị trí pháp lý và tổ chức của HĐND ngay trong Hiến pháp là thiếu sót lớn, ĐBQH đề nghị, cần nhanh chóng tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện phường và có quyết định rõ ràng về HĐND tại các địa phương trong Hiến pháp.

Theo đó, nên giữ nguyên các quy định về đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành và mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó phải có cơ quan đại diện của dân. Hơn nữa, thực tế cho thấy, không có bản Hiến pháp nào lại mơ hồ về chính quyền địa phương cả. Đúng là HĐND một số nơi hoạt động còn hình thức. Nhưng tính hình thức này không phải do bản thân HĐND mà do cách phân cấp tổ chức, bố trí cán bộ và giao quyền cho HĐND hiện nay không xứng tầm với địa vị pháp lý mà chúng ta giao cho HĐND.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh)
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh)

Phát biểu tại tổ ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp về Dự thảo. Tuy nhiên,  vẫn có những nội dung chưa yên tâm, trong đó có chương về Chính quyền địa phương.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có đưa ra 2 phương án về chính quyền địa phương. ĐB Tâm cho rằng, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường được 3 năm. Vì vậy cần tổng kết về việc: có tiếp tục tổ chức HĐND quận, huyện, phường nữa hay không? Phải sau khi có kết luận mới tính đến việc có nên đưa HĐND vào hiến định. "Tại thời điểm sửa đổi Hiến pháp mà vẫn không hiến định về HĐND là thiếu sót lớn. Hơn nữa, sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng, không phải lúc nào cũng đưa ra để sửa một cách dễ dàng. Vì vậy, tôi đề nghị, từ nay đến cuối năm, cần nhanh chóng tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện phường và có quyết định rõ ràng về HĐND tại các địa phương trong Hiến pháp" - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn cho biết.
Tiếp tục bày tỏ ý kiến theo ĐB Tâm vấn đề đang được tranh luận nhiều nhất hiện nay xoay quanh việc có tổ chức hay không tổ chức HĐND cấp huyện rơi vào những nội dung về địa vị pháp lý, chức năng và thẩm quyền của HĐND cấp này. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, cần phải tính toán lại những vấn đề nêu trên nhằm tránh tình trạng tổ chức và hoạt động của HĐND mang tính hình thức.

"Tính hình thức của HĐND ở đây thể hiện ở chỗ, có những vấn đề HĐND cấp trên đã quyết rồi thì lại được đưa xuống HĐND cấp dưới quyết lại. Hoặc, có những vấn đề các cơ quan quản lý Nhà nước quyết xong rồi mới chuyển về cho HĐND quyết, ví dụ vấn đề về ngân sách, quy hoạch. Theo đó thì HĐND không có quyền gì trong những vấn đề nêu trên và chẳng qua là quyết lại những vấn đề đã được cấp trên hoặc cơ quan khác quyết rồi" - ĐB Tâm nói.

Vì vậy theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Cách thức tổ chức HĐND hiện nay cũng là một trong những yếu tố dẫn tới tính hình thức trong tổ chức HĐND. Đại biểu này đặt ra câu hỏi về thành phần, cơ cấu tổ chức HĐND như thế nào? HĐND không có đại biểu chuyên trách ở các phòng, ban của HĐND mà chủ yếu là đại biểu kiêm nhiệm hoạt động trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và các cơ quan khác của chính quyền địa phương được cơ cấu vào HĐND.

"Chúng ta là cơ chế một Đảng lãnh đạo, hệ thống chính quyền được tổ chức từ trên xuống dưới, anh em cán bộ dù làm việc ở cơ quan nào đều là trong bộ máy nhà nước. Nhưng với cách thức bố trí cán bộ như hiện nay thì đến lúc HĐND thực hiện chức năng giám sát, đáng lẽ có những vấn đề cần phải góp ý, tranh luận để tìm ra giải pháp, đưa ra quyết định tốt đẹp hơn cho địa phương thì lại không thể nói được. Chính vì vậy, cách chúng ta tổ chức HĐND quận, huyện, phường dẫn tới hoạt động của cơ quan này bị mang tính hình thức" - Đại Biểu Tâm phân tích.
Giải bài toán cách thức tổ chức HĐND như thế nào để HĐND hoạt động có hiệu quả? theo ĐB Tâm điều này phải được đánh giá, phải được tổng kết và phải được hiến định. "HĐND do nhân dân bầu ra, thì cần thiết phải nói rõ tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong HĐND là bao nhiêu. Nếu không quy định được trong Hiến pháp thì cần quy định rõ tỷ lệ này trong Luật. Như hiện nay, HĐND cả một thành phố lớn mà chỉ có 12 đại biểu chuyên trách, trong khi đó bộ máy hành chính nhà nước tại địa phương thì quá lớn và đồ sộ" - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ rõ những bất cập. Với thực tế hiện nay, Đại biểu Tâm cho rằng, để giám sát được hoạt động của bộ máy đó và quyết định những vấn đề lớn của địa phương là quá sức với HĐND. Điều này không phải do bản thân HĐND mà là do cách thức tổ chức HĐND. Cách phân cấp chức năng và giao quyền cho HĐND hiện nay không xứng tầm với địa vị pháp lý mà chúng ta giao cho HĐND, không xứng tầm với vị trí, vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân địa phương.

"Tôi đề nghị cần đánh giá lại cách tổ chức HĐND các cấp, nghiên cứu sâu điểm này và HĐND cần phải được quy định trong Hiến pháp. Ngoài ra, cần có sự đổi mới căn bản trong cách thành lập, tổ chức HĐND cũng như phân cấp quyền hạn, nhiệm vụ cho cơ quan này" - Đại biểu Tâm bày tỏ.
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Tại thời điểm 
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Tại thời điểm 
ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh): Tại thời điểm 
Hoàng Lực (Tổng hợp)