TS Khuất Việt Hùng: "Tôi ủng hộ việc thu phí của Bộ trưởng Thăng"

10/04/2012 06:20
Thảo Lăng
(GDVN) - Ông Hùng cho rằng, hạn chế phương tiện cá nhân và thu phí ô tô vào nội thành giờ cao điểm là phương án hợp lý cho tình hình giao thông ở các đô thị lớn.

"Hơn 1 năm là có lãi"

Câu chuyện đề xuất phí Hạn chế phương tiện cá nhân và phí ô tô vào nội thành giờ cao điểm vẫn chưa hết nóng cho dù Bộ trưởng Đinh La Thăng đã “đăng đàn” giải thích bằng một cuộc họp báo. Trong những luồng ý kiến về đề xuất này, đại đa số đều tỏ ra phản đối. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng – Viện phó Viện Quản lý và Quy hoạch giao thông vận tải tỏ ra rất đồng tình.

Ông Hùng cho rằng, ách tắc và tai nạn giao thông có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề sử dụng quá mức phương tiện cá nhân. Dó đó, để giảm thiểu tai nạn và ùn tắc thì hạn chế phương tiện là một đề xuất hợp lý và đúng đắn. Bởi phí này tác động lên hành vi tham gia giao thông. Trên thực tế, việc thu phí này là điều phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện phó Viện Quản lý và Quy hoạch giao thông vận tải
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Viện phó Viện Quản lý và Quy hoạch giao thông vận tải

Ông phân tích thêm, về bản chất, phí với ô tô vào nội thành giờ cao điểm là phí sử dụng không gian và diện tích đường trong đô thị. "Chúng ta đều biết, vào giờ cao điểm thì ai cũng đổ ra đường, ai cũng muốn sử dụng diện tích đường. Cho nên việc đánh giá phí khác nhau trong những khung giờ khác nhau nhằm khuyến khích các phương tiện ra đường vào những khung giờ khác nhau".

Theo ông Hùng, điều này tuân theo nguyên tắc thị trường, nhu cầu sử dụng đường lớn chỉ giảm 1 trong 2 trường hợp sau. Thứ nhất tăng phí làm giảm lượng cầu. Thứ hai, cứ để mọi người đi tự do, mất nhiều thời gian, tiền bạc của tất cả mọi người, mức độ ô nhiễm, khói bụi tăng, người tham gia giao thông có thể bị mắc bệnh gây phát sinh tiền khám chữa bệnh. So sánh hai chi phí này, thì việc bỏ tiền để giảm ùn tắc và tai nạn là phương án tối ưu hơn".

Với vấn đề mà nhiều người quan tâm là khi thi phí vào nội thành sẽ phát sinh hệ lụy thu oan hoặc làm ách tắc tăng thêm, ông Hùng đưa ra ý kiến: việc nghiên cứu đặt điểm thu phí ở đâu là thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các thành phố thực hiện. Nhưng nếu chúng ta áp dụng công nghệ thu phí không dừng như nước ngoài thì đảm bảo vừa kinh tế, vừa xóa được những hệ lụy nói trên.

Cụ thể, công nghệ thu phí không dừng là điểm thu phí thực chất chỉ là một cổng chào được gắn thiết bị có thể nhận và phân tích thông tin từ thiết bị đặt trong từng ô tô. Qua việc nhận tín hiệu từ nhau, cổng chào này có thể  xác định được xe gì, chủ là ai, biển kiếm soát, hồ sơ của xe như thế nào. Đồng thời từ thiết bị được gắn trong xe cũng cần có tiền trong tài khoản để thiết bị công chào có thể thu tiền ngay tại thời điểm ấy.

Trường hợp hết tiền hoặc xe không được gắn thiết bị, sẽ có 2 camera đồng thời chụp biển số trước và sau để thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, hoặc giấy báo, tin nhắn về với chủ xe nhanh chóng đi nộp tiền hoặc sẽ bị phạt.

Theo nghiên cứu thí điểm mà chúng tôi đã làm ở thành phố HCM thì đầu tư 1000 tỷ đồng, sau 1 năm có thể thu được trên 500 tỷ, nghĩa là khoảng 1 năm rưỡi chúng ta có thể hoàn vốn, ông Khuất Việt Hùng cho hay.

"Không có chuyện bất bình đẳng giữa ô tô và xe máy"

Với ý kiến lo ngại nhiều người mua ô tô chỉ vì ngoại giao, rất ít sử dụng, ông khẳng định, theo nghiên cứu  thì việc sở hữu phương tiện cá nhân quyết định rất lớn tới việc sử dụng phương tiện ấy. Có nghĩa là, đại đa số những người có ô tô sẽ rất ít đi xe máy. Và việc thu phí đã được áp dụng ở Singapore từ năm 1973, khi mà xe bus tệ hơn ở Việt Nam bây giờ. Cho nên, việc cho rằng sẽ gây ra bất bình đẳng giữa các xe cũng như cơ sở hạ tầng giao thông của ta còn thấp, không áp dụng được là không đủ cơ sở.

Tiến sĩ Hùng phân tích thêm, dân ta luôn luôn có phản ứng tức thời là phản đối, nhưng thử hỏi xem người dân đã tư nâng cao ý thức và hành động để giảm ùn tắc giao thông chưa? Đã ai cảm thấy xấu hổ khi bị cảnh sát giao thông phạt tiền không hay thay vào đó ghét cảnh sát và cho rằng mình đen đủi?

Doanh nghiệp vận tải “đe” rằng sẽ nâng cao giá vận tải lên, nhưng đã doanh nghiệp nào áp dụng công nghệ mới để giảm chi phí chưa? Ví dụ như xe taxi theo nghiên cứu tổng số taxi chỉ chiếm dưới 10% lượng ô tô trong thành phố. Tuy nhiên, loại phương tiện này luôn chiếm 50% số ô tô trên đường. Trong đó nhiều xe trống khách.

"10 năm rồi vẫn không làm nổi con ốc-vít"

Người ta cho rằng làm như vậy sẽ cản trở ngành công nghiệp ô tô mới phát triển ở nước ta. Nhưng nhìn ở góc độ khác, sau 10 năm phát triển, ngành công nghiệp ô tô vẫn không làm được một con ốc vít. Lợi nhuận của ngành này rất thấp so với những ngành khác. Vậy thì tại sao chúng ta phải tốn công sức cho một ngành công nghiệp như vậy? Tại sao không dùng tiền ấy đầu tư cho những ngành dịch vụ mới có giá trị thặng dư cao hơn?

Về những ý kiến cho rằng, cơ sở hạ tầng giao thông và phát triển hạ tầng giao thông công cộng trước, thu phí nên tiến hành sau, ông Hùng phản đối. Ông cho rằng, đó là phát triển giao thông theo kiểu đi 1 chân, đi lò cò. Nếu không hạn chế phương tiện cá nhân thì không thể có diện tích cho phương tiện vận tải công cộng hoạt động được.

"Thu phí để đánh vào hành vi tham gia giao thông chứ không phải thu để đánh vào túi tiền. Tiền của xã hội đầu tư xe đẹp trong khi nền kinh tế của chúng ta rất thiếu tiền. Nếu để 1 tỷ mua 1 chiếc xe vào ngân hàng để rót tiền cho nền kinh tế đang khát vốn, mỗi năm ít nhất chúng ta có lãi 100 triệu. 100 triệu ấy chi cho việc thuê xe xịn có lái trong những dịp cần phải đi ô tô vẫn thừa rất nhiều. Đó là hành vi tham gia giao thông một cách thông minh", ông Hùng nói.

Theo Tiến sĩ Hùng, nói về giao thông, ai cũng là một “chuyên gia”, bởi vì hàng ngày chúng ta đều phải đi ngoài đường. Tuy nhiên, đại đa số người dân không có chuyên môn sâu về giao thông và họ cũng không đủ... bình tĩnh. Do đó, cái lợi của đề xuất này không phải ai cũng nhìn thấy ngay. Ông nói đùa: “Tôi nghĩ, là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, suốt ngày bị dân “nói” như anh Thăng không bị "điên đầu" mới lạ. Nhưng tôi chắc chắn rằng, nếu đề xuất này được chấp thuận và áp dụng thì việc ùn tắc, tai nạn chắc chắn sẽ giảm; chất lượng giao thông và hạ tầng giao thông nhất định sẽ được nâng cao", ông Hùng khẳng định.

Thảo Lăng