Tác giả của những chiếc loa tuyên truyền giao thông ở Hà Nội là ai?

14/01/2014 12:53
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Ngoài việc lắp loa tuyên truyền giao thông thì việc để cho nữ CSGT đứng ra phân luồng cũng là chủ trương độc đáo của lãnh đạo Phòng CSGT - CAHN

Từ ngày 17/6, chiếc loa giao thông đầu tiên đã được triển khai lắp đặt tại nút giao thông Xuân Thủy - Cầu Giấy. Sau đó những chếc loa khác cũng lần lượt được “khai sinh” tại các điểm trong TP. Hà Nội. Gần 6 tháng trôi qua, cho đến thời điểm này âm thanh của chiếc loa tuyên truyền luật an toàn giao thông dường như đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân ở thủ đô.

Dừng đèn đỏ ở Hà Nội người dân sẽ được nghe luật giao thông
Dừng đèn đỏ ở Hà Nội người dân sẽ được nghe luật giao thông

Khi dừng đèn đỏ, âm thanh quen thuộc này lại vang lên; “Phòng CSGT Công an TP.HN đề nghị mọi người khi tham gia giao thông cần chấp hành tốt một số quy định như sau: Người điều khiển xe mô tô không được đi vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác. Không được điều khiển xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi tham giao thông phải đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, cài quai vì sự an toàn của mình và người thân….”

Và khi đèn xanh thì bản nhạc không lời nhẹ nhàng “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” vang lên.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, việc lắp loa tuyên truyền ở các nút giao thông trọng điểm trong thành phố đã đem lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, đồng thời làm cho việc chờ đợi đèn đỏ cũng trở nên hữu ích hơn.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP Hà Nội vui vẻ cho hay: “Hiệu quả như thế nào thì cũng khó khẳng định được chính xác. Nhưng đến thời điểm này, khi hỏi người dân đa phần đều nhiệt tình hưởng ứng. Lúc đầu chúng tôi chỉ sợ người dân khó chịu rồi ném đá”.

Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP Hà Nội. (Ảnh GDVN)
Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội tuyên truyền, Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP Hà Nội. (Ảnh GDVN)

Nói về ý tưởng của việc lắp loa giao thông, theo Trung tá Tài, ý tưởng đó xuất phát từ tình hình trật tự giao thông thành phố ngày càng phức tạp. Ngoài ra, qua công tác tuyên truyền bằng miệng của CSGT từ thành phố cho đến quận, huyện thì mỗi năm cố gắng lắm cũng chỉ tuyên truyền được khoảng 100 buổi, ước tính có trên dưới 300.000 lượt người nghe, số lượng này khá hạn chế.

Vị Trung tá Đội tuyên truyền cho biết, từ ngày lắp loa giao thông, tính trung bình tại tất cả các nút thắt của Hà Nội vào giờ cao điểm, một ngày có tới hàng triệu lượt người nghe.

Nội dung tuyên truyền khi được phát tập trung vào các quy định, các luật giao thông cơ bản, cần thiết trong từng nút giao thông và hoàn cảnh cụ thể, những vụ tai nạn giao thông,…

Ngoài tuyên truyền về giao thông, ông Tài cho rằng những âm thanh nhẹ nhàng phát lên vào giờ cao điểm tại các nút cũng sẽ góp phần làm cho người dân đỡ căng thẳng hơn khi phải đứng chờ đèn đỏ.

“Việc lắp loa giao thông và để các nữ CSGT ra đứng phân luồng trong giờ cao điểm được chúng tôi thực hiện đồng thời. Nhiều anh thanh niên có thể đang định vượt đèn đỏ nhưng nhìn thấy nữ CSGT chắc cũng phải e ngại mà chấp hành luật”, ông Tài dí dỏm nói.

Việc nữ CSGT phân luồng giao thông tại các nút giao ở thủ đô đã góp phần làm đẹp hình ảnh cảnh sát trong mắt người dân (Ảnh: Tiền Phong)
Việc nữ CSGT phân luồng giao thông tại các nút giao ở thủ đô đã góp phần làm đẹp hình ảnh cảnh sát trong mắt người dân (Ảnh: Tiền Phong)

Có một số ý kiến rằng, đối với Hà Nội hiện nay dung lượng tiếng ồn đã rất lớn, tại sao phòng CSGT Hà Nội vẫn triển khai việc lắp đặt loa? Về việc này ông Tài lí giải: “Tôi cho rằng loa không góp phần tạo nên tiếng ồn lớn vì chỉ phát trong khung giờ cao điểm, khoảng 1-2 tiếng. Bên cạnh đó chúng tôi có quy chế hướng dẫn các đơn vị kiểm tra để âm thanh ở mức phù hợp, xác định được khoảng cách để sao cho phát loa lên không được chua chát, gây mất thiện cảm với người dân, không ảnh hưởng đến những ngành nghề khác. Đảm bảo được các yếu tố như vậy sẽ gây được thiện cảm thực sự chứ không mang tính hình thức”.

Hiện nay phòng CSGT đã lắp đặt 13 cụm trên tổng số 16 nút: Phạm Hùng – Xuân Thủy, Chùa Bộc -  Thái Hà, Pháp Vân – Giải Phóng, Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Ngã năm Yên Phụ - Thanh Niên...

Thời gian tới, Phòng CSGT đang xây dựng kế hoạch lắp đặt thêm loa tuyên truyền tại các đường ngang dân sinh qua đường sắt. Đơn vị sẽ phối hợp với Đường sắt Việt Nam rà soát lại tất cả những đường ngang dân sinh tự phát đi qua đường sắt trên địa bàn Hà Nội để lắp đặt loa tuyên truyền. Việc triển khai lắp đặt cũng đã được Thành phố, Bộ Công an và Cục CSGT trong báo cáo đánh giá tổng kết 2013 cũng đưa vào điểm sáng nổi bật của Hà Nội. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả, sau đó tiến hành triển khai nhân rộng mô hình để các địa phương tuyến dưới học tập.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Tài cho hay, ngoài việc lắp loa giao thông, trong năm qua Phòng CSGT - Công an Hà Nội triển khai khá nhiều nội dung. Tiêu biểu là việc chỉ để cho những đồng chí cảnh sát giao thông “bụng bé” ra đứng chốt. Điều này làm cho hình ảnh của CSGT dần trở nên đẹp đẽ, gần gũi hơn trong mắt người dân./.

VIẾT CƯỜNG