Tái nghiện sau cai còn ở mức cao

04/07/2013 09:25
Theo Ngọc Đăng/Báo Bắc Ninh
(GDVN) - Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh có 1.266 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, khoảng 600 người nghi nghiện ma túy. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố và khoảng 99/126 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nghiện ma túy.
Hầu hết các đối tượng nghiện và nghi nghiện đang ở ngoài xã hội. Công tác cai nghiện đã được các cấp, các ngành quan tâm nhằm giúp người nghiện từ bỏ ma túy.

Hiện chúng ta đang áp dụng hai hình thức cai nghiện là cai tập trung và cai tại cộng đồng. Đối với hình thức cai nghiện tập trung được thực hiện tại Trung tâm giáo dục dạy nghề hướng thiện tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội). Trung tâm đang cai nghiện bắt buộc và tự nguyện cho gần 300 đối tượng. Với hình thức cai nghiện này, người nghiện sẽ được điều trị theo phác đồ cai nghiện, được sử dụng các thuốc hỗ trợ cắt cơn, phục hồi sức khỏe và được cách ly trong khoảng 12 tháng.
 
 
Người cai nghiện tại Trung tâm giáo dục dạy nghề hướng thiện tỉnh được học nghề để sau khi kết thúc dễ tìm kiếm việc làm.
Người cai nghiện tại Trung tâm giáo dục dạy nghề hướng thiện tỉnh được học nghề để sau khi kết thúc dễ tìm kiếm việc làm.

Trong quá trình cai nghiện, các đối tượng cũng được tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy và các kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình cũng như chống lại sự tái nghiện sau khi kết thúc đợt cai nghiện. Ngoài ra, những người cai nghiện tập trung sẽ được học nghề để khi trở về có thể tìm kiếm việc làm.

Đối với hình thức cai nghiện tại cộng đồng được tổ chức theo đợt tại các địa phương. Tính ưu việt của hình thức này là người cai nghiện được gia đình, các ban, ngành, đoàn thể địa phương chăm sóc, giúp đỡ và giám sát. Hơn nữa, hình thức này chủ yếu áp dụng cho những người mới mắc nghiện ma túy nên sau đợt cai nghiện đều có thể cắt cơn. Tuy nhiên, do không có thời gian cách ly nên nếu không được quản lý, giáo dục chặt chẽ rất dễ tái nghiện.

Theo ông Nguyễn Đình Thái, Chi cục Phó Chi cục phòng chống TNXH (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) thì: Công tác cai nghiện đã được quan tâm, tuy nhiên tỷ lệ tái nghiện sau cai vẫn ở mức cao (hơn 90%). Nhiều đối tượng phải vào trung tâm cai nghiện nhiều lần mà vẫn chưa từ bỏ được ma túy. Nguyên nhân của tình trạng trên là do xã hội vẫn còn sự kỳ thị, xa lánh, làm cho người nghiện mặc cảm dễ mắc nghiện lại.

Hầu hết người nghiện sau cai đều không có việc làm ổn định, không có thu nhập, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao. Bên cạnh đó trong xã hội cũng còn nhiều người nghiện ma túy, các đối tượng này thường rủ rê, lôi ké người đã cai mắc nghiện ma túy lại, vì thế người nghiện sau cai rất cần một môi trường trong sạch để từ bỏ hẳn với ma túy.

Ma túy là hiểm họa đối với loài người, đối với xã hội, việc ngăn chặn, đẩy lùi ma túy khỏi cuộc sống là trách nhiệm không của riêng ai. Để hạn chế, dần đẩy lùi tệ nạn ma túy cần kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm về ma túy. Đối với người nghiện ma túy cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng ma túy từ đó có hình thức cai nghiện phù hợp. Bên cạnh đó tăng cường quản lý, tạo cơ hội cho người nghiện sau cai có việc làm và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. 

Theo Ngọc Đăng/Báo Bắc Ninh