Nhật ký Chí Viễn:

Tâm sự của những phóng viên tập sự sau chuyến đi từ thiện ở Chí Viễn

17/03/2012 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Đó là những học sinh cấp 3 yêu nghề báo, muốn trải nghiệm thực tế và yêu nghề viết hơn qua chuyến đi từ thiện vùng cao Chí Viễn, Cao Bằng cùng báo GDVN. 
Để biết thêm về chuyến đi từ thiện Chí Viễn, Cao Bằng, báo GDVN xin trích đăng những tâm sự của những phóng viên tập sự nhỏ tuổi Nguyễn Việt Anh và Nguyễn Thị Bích Ngọc, học sinh trường THPT Thường Tín tham gia lần này.
Là quản lý của diễn đàn Teenthuongtin.vn, chàng trai Nguyễn Việt Anh, học sinh lớp 11A6 trường TPTH Thường Tín đam mê làm phóng viên muốn tham gia những chuyến đi từ thiện vùng cao với Báo GDVN để trải nghiệm, để rèn luyện thêm nghề.

Việt Anh (trái), HS lớp 11 A6, trường THPT Thường Tín nói rằng chuyến đi này là động lực để mình học hành chăm chỉ hơn và có nhiều trải nghiệm hơn. (Việt Anh chụp với hoa hậu Nguyễn Thị Loan).
Việt Anh (trái), HS lớp 11 A6, trường THPT Thường Tín nói rằng chuyến đi này là động lực để mình học hành chăm chỉ hơn và có nhiều trải nghiệm hơn. (Việt Anh chụp với hoa hậu Nguyễn Thị Loan).
Đây là lần đầu tiên, mình đi từ thiện cùng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Mình biết thông tin chuyến đi này qua thầy Đỗ Việt Khoa và dịp báo GDVN đến trường THPT Thường Tín để kêu gọi quyên góp ủng hộ “Bữa cơm có thịt” cho học sinh vùng cao. Mình đồng ý tham gia chuyến đi vì muốn biết được một cách chân thực nỗi khổ của người dân ở đó.
Sau chuyến đi mình cảm thấy rất vui bởi trải nghiệm này là bài học bổ ích đối với mình, nó giúp mình có thể hình dung về cuộc sống trong vai là một nhà báo trẻ.

Mình đã được thực tập là một phóng viên trẻ đi cùng các đàn anh, đàn chị báo giáo dục. Hơn thế nữa, mình còn được tìm hiểu đời sống của người dân miền núi và tình hình học tập của các bạn học sinh vùng cao, thấu hiểu được nỗi khổ cực của họ, điểu đó giúp mình có nguồn động lực hơn trong học tập. Nếu có thời gian và điều kiện mình rất muốn được đồng hành cùng báo Giáo dục đi từ thiện ở nhiều nơi trên mọi miền tổ quốc, chia sẻ tấm lòng của mình với những con người nghèo khổ. 
Bên cạnh đó, khi nhìn thấy sự nghèo khổ của người dân nơi biên cương, mình tự thấy bản thân sống trong điều kiện khá hơn các bạn học sinh nơi đó, nhưng học hành vẫn chưa chăm chăm chỉ, nên chuyến đi này sẽ là nguồn động lực giúp mình quyết tâm hơn nữa trong học tập. Mình nhận được nhiều giá trị của cuộc sống qua lần trải nghiệm này.
Còn Nguyễn Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 11A8, trường THPT Thường Tín cũng có nhiều cảm xúc, ấn tượng sau chuyến đi từ thiện vừa qua.
Sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc, che trở từ gia đình, được sống trong đầy đủ,chăn ấm đệm êm, với biết bao ước mơ, hoài bão, những mơ mộng với những buổi rong chơi, quà quán ở tuổi học trò…Nhiều người nghĩ rằng đó thật sự là hạnh phúc, niềm vui.

Nhưng đằng sau sự hào nhoáng của hạnh phúc dành cho riêng mình đã có biết bao nhiêu người lãng quên đi thật sự hạnh phúc là khi ta sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.
Đặc biệt là một bộ phận giới trẻ hiện nay sống trong thời đaị hội nhập được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa phương Tây dường như đã làm thay đổi suy nghĩ, hành động của họ. Họ sống vô cảm, hời hợt và lãng phí.
Tham gia chương trình “Bữa cơm có thịt cho học sinh nghèo miền núi” tại Chí Viễn, Trùng Khánh, Cao Bằng do Báo GDVN tổ chức đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, trăn trở về cuộc sống. Tôi nhận ra thông điệp sau chuyến đi là hãy sẻ chia, yêu thương, quý trọng đồng tiền,thời gian đang còn ngủ yên bấy lâu trong nhiều bạn trẻ và cần sự đánh thức.
Với sự vận động của báo GDVN, thầy Đỗ Việt Khoa cùng các thầy cô trong trường và đông đảo các bạn học sinh trường THPT Thường Tín, cùng một số nhà hảo tâm tham gia ủng hộ sữa, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cũ để trao tận tay những học sinh nghèo vùng cao Chí Viễn. Đó thực sự là những món quà tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.

Đến tòa soạn từ rất sớm, Ngọc cùng thầy Đỗ Việt Khoa bốc dỡ hàng lên xe để chuẩn bị cho chuyến hành trình từ thiện đến Chí Viễn, Cao Bằng.
Đến tòa soạn từ rất sớm, Ngọc cùng thầy Đỗ Việt Khoa bốc dỡ hàng lên xe để chuẩn bị cho chuyến hành trình từ thiện đến Chí Viễn, Cao Bằng.
Lần đầu tiên được tham gia một chuyến đi xa như thế, tôi thật sự rất vui, hồi hộp và lo lắng không biết ở đó như thế nào. Bắt đầu cuộc hành trình, đoàn chúng tôi gặp nhiều khó khăn vì thời tiết không ủng hộ. Con đường đến Trùng Khánh xa xôi, gồ ghề, quanh co, lầy lội và hiểm trở như chính cuộc sống của người dân ở đó.
Nhìn những ngôi nhà bằng đất xỉ xen lẫn những đống rơm hình thù là lạ hay hay là một cuộc sống đầy vất vả, cực nhọc. Được sự thông báo từ nhà trường có đoàn từ thiện về, họ đội mưa đèo các em đến trường hồ hởi chờ đợi. Ấn tượng của tôi trong cái nhìn đầu tiên là những em bé học sinh mặc chiếc váy xinh xinh biểu diễn múa trong thời tiết mưa và khá lạnh làm tôi cảm động về sự nhiệt tình của các em, thầy cô ở Trùng Khánh.

Cô "phóng viên" tập sự thích thú với chuyến đi từ thiện vùng cao Cao Bằng với báo GDVN. Đối với Ngọc đây là cơ hội để chứng kiến thực tế cuộc sống ở vùng cao nghèo.
Cô "phóng viên" tập sự thích thú với chuyến đi từ thiện vùng cao Cao Bằng với báo GDVN. Đối với Ngọc đây là cơ hội để chứng kiến thực tế cuộc sống ở vùng cao nghèo.
Nét ngây thơ trong sáng hiện lên trong đôi mắt long lanh dường như chứa đựng những khao khát ước mơ, muốn vươn lên trong cuộc sống. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhìn ai ở đó cũng tràn đầy nhựa sống. Khi trưc tiếp được tận mắt nhìn cuộc sống khó khăn thì mọi người và bản thân tôi thấy càng phải sống tốt và ý nhĩa hơn cho mọi người xung quang ta.
Trong chuyến đi lần này, tôi được trải nghiệm cùng các anh chị nhà báo, các thầy cô và hoa hậu biển. Họ vừa là ban tổ chức nhưng cũng như những con người chở tình yêu thương, chia sẻ, đồng cảm từ thủ đô đến những miền đất xa xôi như nơi đây. Chỉ được ở cùng mọi người 3 ngày nhưng chúng tôi thực sự yêu quý nhau như một gia đình. Luôn quan tâm chia sẻ, mọi niềm vui, hạnh phúc và trong đoàn luôn trần ngập tiếng cười điều đó luôn hiện rõ trên khuôn mặt từng thành viên trong đoàn. 
Chính từ chuyến từ thiện với hình ảnh thực tế về cuộc sống khó khăn vùng cao như sợi dây vô hình gắn kết đồng điệu cảm xúc của người đọc lại gần nhau hơn, khiến mọi người muốn chia sẻ, giúp đỡ. Là tư liệu quý báu để các bạn trẻ chúng tôi ý thức với cuộc sống và cần phải sống sao cho hữu ích đất nước. Và tôi luôn suy nghĩ những mầm non tương lai của đất nước sẽ ra sao nếu không được sự quan tâm giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm đến từ thiện, sẻ chia nhiều hơn thì ai ai cũng được ấm no, hạnh phúc. 
Sau chuyến đi, tôi thấy mình phải thật sự kiên cường,hoạt bát, sống bản lĩnh hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Hy vọng những chuyến từ thiện sau sẽ có nhiều bạn trẻ và đặc biệt nhiều bạn teen tham gia hơn. Để sau khi thành công trong cuộc sống họ sẽ luôn nhớ và giúp đỡ đến những mảnh đời khó khăn đang sống, cống hiến để bảo vệ biên cương xa xôi. 

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip


Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Kim Ngân