Tẩy chay việc mời thầu phi pháp tại thềm lục địa Việt Nam

03/07/2012 06:09
Nhóm phóng viên
(GDVN) - "Cơ hội có công ty nào theo lời mời thầu của Trung Quốc để thực hiện một hợp đồng nào đó của Trung Quốc là rất ít".
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Việc Tập đoàn Dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu thăm dò và khai thác dầu tại 9 lô nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải chủ quyền, thềm lục địa của Việt Nam là một hành động chính trị. Tôi cho rằng, cơ hội có công ty nào theo lời mời thầu của Trung Quốc để thực hiện một hợp đồng nào đó của Trung Quốc là rất ít. Các chuyên gia đều cho rằng khả năng đó hầu như bằng không. Tuy nhiên, điều đó thể hiện các hành vi ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế, không được các nước trên thế giới ủng hộ".  Cũng theo TS.Lê Đăng Doanh, việc Quốc hội thông qua luật biển là một tiến bộ, một lần nữa khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, được nhân dân Việt Nam ủng hộ. "Tôi nghĩ hiện nay chúng ta cần tiến hành các biện pháp hết sức mềm dẻo nhưng hết sức kiên quyết để bảo vệ chủ quyền đó.
Đảo Sinh Tồn
Đảo Sinh Tồn
Theo cá nhân tôi, một trong những nguy cơ đó là việc Trung Quốc sẽ đưa dàn khoan khủng của Trung Quốc vào khoan dầu ở vùng đó. Tôi nghĩ chúng ta cần chuẩn bị trước hành vi xâm phạm chủ quyền hết sức nghiêm trọng này. Việc Trung Quốc thiếu dầu rất rõ ràng nhưng điều đó không thể là lý do để biện minh cho hành vi này. Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước khác trên thế giới cũng thiếu dầu nhưng họ không làm như Trung Quốc. Cân nhắc giữa việc thiếu dầu và hành vi này của Trung Quốc là không logic", TS.Lê Đăng Doanh nhận định.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) đã ra tuyên bố phản đối hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của phía Trung Quốc.

Sau đây là Tuyên bố của VBF:
Ngày 21/6/2012, trang mạng của Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo việc Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” đã xâm phạm thô bạo chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Tiếp đó, ngày 23/6/2012, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mở thầu quốc tế 09 lô dầu khí có tên JY 22, HY 10, HY 34, BS 16, DW 04, DW 22, YQ 18, RG 03 và RJ 27 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nơi gần nhất cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 13 hải lý, cách bờ biển Việt Nam khoảng 60 hải lý.
Hành vi nêu trên của phía Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã được Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 57, Điều 76 và Điều 77; đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Chính phủ các nước thành viên ASEAN và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam tuyên bố:
1. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cực lực phản đối quyết định thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay quyết định sai trái này.
2. Liên đoàn Luật sư Việt Nam lên án mạnh mẽ và cực lực phản đối hành vi của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế 09 lô dầu khí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam; yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay Thông báo mở thầu phi pháp này. Liên đoàn Luật sư Việt Nam khuyến cáo các công ty dầu khí quốc tế tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, tẩy chay việc mời thầu phi pháp của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC).
3. Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu Trung Quốc nghiêm chỉnh tôn trọng và thực hiện các cam kết của Chính phủ Trung Quốc với Chính phủ các nước ASEAN quy định trong Tuyên bố giữa các nước ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
4. Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi Trung Quốc với tư cách là Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ứng xử có trách nhiệm, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
5. Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012 và ngày 26/6/2012 về hai vấn đề nêu trên.
6. Liên đoàn Luật sư Việt Nam ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời đề nghị phía Trung Quốc tôn trọng và thực hiện nghiêm túc những thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
7. Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi các tổ chức Luật sư quốc gia của các nước thành viên ASEAN, Hiệp hội Luật châu Á Thái Bình Dương (LAWASIA), Hiệp hội Luật sư Trung Quốc và tất cả các tổ chức Luật sư trên thế giới, cùng lên tiếng bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, giữ gìn hòa bình ổn định ở Biển Đông, cùng chung sức xây dựng một thế giới dân chủ, công bằng, văn minh.
8. Liên đoàn Luật sư Việt Nam khẳng định sẽ làm hết sức mình để góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh pháp lý của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

BẤM VÀO ĐÂY XEM CHÙM ẢNH: CÔNG BỐ NHỮNG HÌNH ẢNH "KHÔNG THỂ KÌM NỔI" VỀ TRƯỜNG SA
AI CHƯA ĐẾN TRƯỜNG SA CẦN XEM 31 TẤM HÌNH NÀY

Nhóm phóng viên