Nhật ký Pả Vi:

“Tết sớm của người Mông” ở Mèo Vạc

01/01/2012 06:00
Quỳnh Lưu
(GDVN) - Với người dân tộc Mông ở 3 xã Cán Chu Phìn, Lũng Pù và Khâu Vai - Mèo Vạc - Hà Giang, Tết đến sớm từ 26/11 (âm lịch) và kéo dài trong cả 1 tuần.

Đến với các xã Cán Chu Phìn, Lũng Pù và Khâu Vai huyện Mèo Vạc ( Hà Giang) vào những ngày cuối năm này, chúng ta sẽ bắt gặp không khí vui tươi phấn khởi rạng rỡ trên những khuôn mặt của đồng bào dân tộc Mông. Người người, nhà nhà ngập tràn trong không khí đón Tết  sớm.

Đồng chí Trần Kim Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc đến thăm và chúc Tết gia đình anh Giàng Pà Tủa xóm Sảng Chải A xã Lũng Pù
Đồng chí Trần Kim Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc đến thăm và chúc Tết gia đình anh Giàng Pà Tủa xóm Sảng Chải A xã Lũng Pù

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc chỉ duy nhất có người dân của ba xã này ăn Tết sớm và phong tục đó đã có từ rất lâu rồi. Người Mông ở đây không ăn Tết Nguyên đán theo truyền thống chung của cả nước. Trong quan niệm của họ cứ đến cuối tháng 11 âm lịch là Tết đến. Thời gian diễn ra thường từ ngày 26/11 âm lịch và họ ăn Tết kéo dài trong 1 tuần.

Chị Giàng Thị Sy đang giới thiệu món bánh vừa mới luộc
Chị Giàng Thị Sy đang giới thiệu món bánh vừa mới luộc

Tại xóm Sảng Chải A xã Lũng Pù, chúng tôi đến chúc Tết bà con đúng vào chiều ngày 25/12/2011( ngày 01/12 âm lịch), ngày mà bà con quan niệm là chiều 30 Tết. Từng gia đình đều đang diễn ra các hoạt động tấp nập như: quét dọn nhà cửa, thịt lợn, thịt gà và luộc bánh ngô chuẩn bị bữa cơm tất niên.

Gia đình anh Giàng Pà Tủa đang mời cơm khách đến chúc Tết
Gia đình anh Giàng Pà Tủa đang mời cơm khách đến chúc Tết
Mâm cỗ Tết của nhà anh Giàng Pà Tủa rất thịnh soạn
Mâm cỗ Tết của nhà anh Giàng Pà Tủa rất thịnh soạn

Xóm Sảng Chải A chỉ cách trung tâm xã chỉ khoảng 2 km, có điện, có đường dân sinh đi ô tô vào tận nơi. Toàn xóm có 58 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên, 17/58 hộ dân ở đây vẫn thuộc diện đói nghèo

Năm 2011, bà con trong xóm rất vui mừng được nhà nước quan tâm xây dựng cho 1 hồ treo chứa nước sinh hoạt dung tích 9.425m3 đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho cả xóm trong suốt mùa khô nên bà con không phải vất vả địu từng can nước từ các hố nước trên vách núi như trước kia.

Hơn nữa, năm nay đã có nhiều hộ nghèo được xây nhà mới từ Chương trình xoá nhà tạm của Chính phủ như: Gia đình anh Giàng Mí Pó, anh Lầu Mí Lầu,....

Nhưng có lẽ ăn Tết to nhất xóm là gia đình anh Giàng Pà Tủa bởi vì gia đình anh làm ăn khá giả nhất. Năm 2011, anh nuôi được 4 con bò to trị giá khoảng 50 triệu đồng, 4 con lợn trị giá 12 triệu đồng và khoảng 1,5 tấn ngô,.... Do đó, anh đã thịt 1 con lợn 50 kg cùng ngan, gà để ăn Tết. Anh tâm sự: Năm nay gia đình làm ăn cũng khá hơn là do trồng giống ngô lai theo chỉ đạo của xã nên thu hoạch năng suất cao đảm bảo đủ lương thực có thể ăn trong một năm.

Gia đình anh Giàng Mí Và và chị Vàng Thị Say đón Tết năm nay rât vui, không phải vất vả địu nước như trước kia vì đã có hồ treo
Gia đình anh Giàng Mí Và và chị Vàng Thị Say đón Tết năm nay rât vui, không phải vất vả địu nước như trước kia vì đã có hồ treo

Tết năm nay, đồng bào Mông nhận được sự quan tâm nhiều hơn của huyện và các cấp, các ngành. UBND huyện Mèo Vạc đã xây dựng kế hoạch tổ chức vui xuân cụ thể cho bà con bao gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ các gia đình tổ chức cúng tổ tiên tại gia đình theo phong tục truyền thống. Còn phần hội, các xã sẽ tổ chức chơi chọi dê. Các hộ gia đình có dê đủ tiêu chuẩn sẽ tuyển chọn tham gia thi đấu tại sân của xóm đã thu hút rất đông người dân đến xem. Bên cạnh đó, Đài PT-TH Hà Giang đã tổ chức ghi hình để phát sóng trên HTV và VTV5 trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Thìn với chủ đề “Tết sớm của người Mông” và chuyên đề “Sắc màu văn hoá”.

Có thể nói, Tết sớm của người Mông là một bản sắc văn hoá tiêu biểu cần được bảo tồn và gìn giữ để quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hoá truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

Quỳnh Lưu