Thẩm phán Quản Hùng và Hoàng Doãn Đức vô can trong vụ án oan ông Chấn?

18/11/2014 06:26
XUÂN QUANG
(GDVN) - Thẩm phán Quản Hùng và Hoàng Doãn Đức đồng lòng cùng ông Chiêm tuyên ông Chấn án Chung thân, nhưng cả hai vẫn chưa phải chịu trách nhiệm gì.

Khởi tố nhiều đối tượng có liên quan

Cục Điều tra hình sự Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao hôm 1/10 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (sinh năm 1949, ở cụm Yên Mác, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Được biết, ông Phạm Tuấn Chiêm nguyên là thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao -  Chủ tọa phiên tòa, đại diện cơ quan tố tụng, tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân về tội giết người.

Ngoài ông Chiêm, cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) và ông Trần Nhật Luật (Thượng tá, Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để làm rõ những hành vi sai phạm của hai cán bộ này trong quá trình điều tra, xử lý vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn…

Ông Nguyễn Thanh Chấn bên vòng tay người thân và bạn bè (Ảnh: LĐ)

Ông Nguyễn Thanh Chấn bên vòng tay người thân và bạn bè (Ảnh: LĐ)

Trước đó, do không đồng ý với mức án chung thân mà Hội đồng xét xử đã tuy tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Thanh Chấn, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã gửi đơn, tố giác các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án...Vụ việc sau đó được cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, điều tra, làm rõ.

Quá trình điều tra, nhà chức trách đưa kết luận, việc điều tra, truy tố, xét xử...đối với ông Nguyễn Thanh Chấn có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Các tài liệu chứng cứ thu thập được cho thấy, hung thủ thực sự giết chị Hoan không phải là ông Chấn mà là người khác.

Theo đó, ông Phạm Tuấn Chiêm với tư cách là thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra tài liệu đánh giá chứng cứ theo quy định…kết tội oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn giết hại chị Nguyễn Thị Hoan.

Cần xem xét trách nhiệm của 2 thẩm phán còn lại

Được biết, ngoài ông Phạm Tuấn Chiêm, 2 thẩm phán khác là Quản Hùng và Hoàng Doãn Đức cũng là người ký bản án phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004, thống nhất cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn có tội.

Vậy, vai trò và trách nhiệm của 2 thẩm phán còn lại trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, được pháp luật quy định như thế nào?

Về việc này, trao đổi với GDVN, Tiến sĩ - Luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty luật TNHH YouMe cho biết: "Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau: Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; Tham gia xét xử các vụ án hình sự; Tiến hành các hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.

"Mặt khác, khoản 4 Điều 39, Bộ luật tố tụng Hình sự cũng quy định rõ: “Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Căn cứ quy định nói trên, 2 thẩm phán còn lại trong Hội đồng xét xử vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đều có những nhiệm vụ và quyền hạn theo luật định và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình trong vụ án", Luật sư Hà cho biết.

Tiến sĩ - Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty luật TNHH YouMe
Tiến sĩ - Luật sư Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty luật TNHH YouMe

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng mới khởi tố ông Phạm Tuấn Chiêm mà chưa khởi tố 2 thẩm phán còn lại là việc làm thiếu công bằng?

Giải đáp cho câu hỏi trên, Tiến sĩ – Luật sư Vũ Thái Hà dẫn giải: "Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự như sau: Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định, để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật Tố tụng này quy định”.

"Như vậy, việc khởi tố vụ án hình sự phải được các cơ quan có thẩm quyền, dựa trên những căn cứ và trình tự nhất định tiến hành theo quy định của pháp luật. Điều 17 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định nguyên tắc cơ bản là, Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số”, luật sư Hà viện dẫn. 

Thẩm phán Quản Hùng và Hoàng Doãn Đức vô can trong vụ án oan ông Chấn? ảnh 3Công an, VKS TP.HCM bỏ lọt tội phạm trong vụ án chiếm đoạt 12 tỷ đồng?

(GDVN) - Hiến pháp 2013 quy định nguyên tắc điều tra, xét xử phải theo hướng "suy đoán vô tội" nhưng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM lại làm điều ngược lại...

Luật sư Hà thận trọng đưa ra nhận định rằng, cần xem xét trách nhiệm của 2 thẩm phán có liên quan trong vụ án oan nói trên: "Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bao gồm 3 thẩm phán, bởi vậy, để đi đến quyết định cuối cùng, cũng cần phải tuân theo nguyên tắc trên. Do đó, trong vụ việc này, để có căn cứ khởi tố hay không khởi tố đối với từng vị thẩm phán, Cơ quan điều tra cần làm rõ trách nhiệm và hành vi của các thẩm phán trong quá trình nghiên cứu, xét xử vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, trao đổi với giới truyền thông, một lãnh đạo Cục Điều tra Hình sự VKSND Tối cao cho biết: “Hiện tại Cục điều tra vẫn đang làm rõ những cá nhân có liên quan, vi phạm hoạt động tư pháp trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Nếu có căn cứ xác định người nào trong vụ việc phạm tội thì sẽ khởi tố để điều tra...”

Báo điện tử GDVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

XUÂN QUANG