Thân gái xa nhà, nuôi ước mơ con chữ cho học trò nơi rẻo cao

08/03/2015 06:12
Xuân Hòa
(GDVN) -Thân gái một mình, giữa bản làng H’Mông để đem con chữ cho trẻ thơ là đức hi sinh của nữ giáo viên nơi rẻo cao, ở đó, quà 8/3 chỉ là có học trò đến lớp.

Học sinh đi học đầy đủ là món quà lớn

Chúng tôi lên Trường mầm non xã Tri Lễ vào những ngày mà tất cả mọi người đang chúc mừng ngày Quốc tế phụ nữ (8-3). Tất cả vẫn yên ắng không thể hiện không khí đón chào ngày 8/3 như những trường nơi miền xuôi. Trong các lớp học các nữ giáo viên vẫn đang miệt mài bày cho các em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa nói rõ tiếng phổ thông.

Xã Biên giới Tri Lễ là nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số Thái và H’Mông nên còn nhiều khó khăn. Đặc biệt có 8 bản đồng bào H’Mông sinh sống nơi đỉnh núi cao, đường đi lại khó khăn nên đặc biệt thiếu thốn, vất vả.

Cô Vi Thị Như chấp nhận xa chồng, xa 2 đứa con thơ để lên nơi rẻo cao Phà Khốm dạy học một mình (ảnh Xuân Hòa)
Cô Vi Thị Như chấp nhận xa chồng, xa 2 đứa con thơ để lên nơi rẻo cao Phà Khốm dạy học một mình (ảnh Xuân Hòa)

Hiện tại Trường mầm non xã Tri Lễ có 31 giáo viên, với đặc thù mầm non nên 100% giáo viên của trường đều là nữ giới. Để thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục mầm non đúng độ tuổi trường đã xây dựng nhiều điểm lẻ để dạy học cho các em đồng bào ở điểm bản xa trung tâm. Trong đó có 6 điểm lẻ của 8 bản rẻo cao nơi đồng bào H’Mông sinh sống các giáo viên nữ gặp muôn vàn khó khăn.

Tại 6 điểm bản này, mỗi điểm bản chỉ có duy nhất 1 giáo viên nữ dạy học tại đây. Trong khi đó tại các điểm bản này đường đi vào khó khăn, mỗi khi đến mùa mưa gần như cách ly với bên ngoài vì không loại phương tiện nào ra vào được. Những đường dốc đất núi, những vực sâu trên đường đi vào 6 điểm bản trên như những cái bẫy là cái cản trở lớn nhất. Tại 6 điểm bản này cũng thiếu thốn đủ bề với nhiều không khi chưa có sóng điện thoại, chưa có điện lưới…

Học sinh tại bản Phà Khốm cũng còn thiếu thốn nhiều thứ nên món quà lớn nhất cho cô giáo Như trong ngày Quốc tế Phụ nữ là ...
Học sinh tại bản Phà Khốm cũng còn thiếu thốn nhiều thứ nên món quà lớn nhất cho cô giáo Như trong ngày Quốc tế Phụ nữ là ...

Với giọng đượm buồn cô Vi Thị Thành – Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tri Lễ cho biết: “Ở đây toàn con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số còn muôn vàn khó khăn nên các em cứ đi học đầy đủ là món quà lớn cho các giáo viên ngày lễ rồi. Tại các điểm bản H’Mông khó khăn thì vô kể bởi thiếu thốn đủ thứ. Nhà ở bán trú cho các giáo viên điểm bản này cũng tồi tàn bằng tranh tre nứa lá.

Đến ngày lễ nhà trường cũng không có kinh phí nhiều nhưng luôn ưu tiên một món quà nhỏ nào đó cho các giáo viên ở các điểm bản này. Bởi các giáo viên điểm bản đều phải ở một mình, xa gia đình chịu nhiều thiệt thòi. Mỗi giáo viên khi vào dạy học tại đây đều được cử đi điểm bản mỗi giáo viên ít nhất 1 năm. Ai cũng đã từng dạy điểm bản nên thông cảm và hiểu cho nỗi vất vả của nhau” 

Xa chồng con, đến nơi rẻo cao để dạy chữ

Sau cuộc nói chuyện với cô Thành, chúng tôi được cô và các chiến sỹ Đồn Biên phòng 519 dẫn lên điểm bản Phà Khốm. Phà Khốm là một trong những điểm bản nơi đồng bào H’Mông sinh sống khó khăn bậc nhất của xã Tri Lễ. Từ điểm trường chính vào điểm trưởng lẻ mầm non Phà Khốm chỉ hơn 10km nhưng chúng tôi phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ trên những chiếc xe máy được quấn xích xung quanh lốp. Bởi hôm chúng tôi lên sương mù dày đặc rơi xuống nền dường được đắp bằng đất núi trơn trượt. Có những con dốc dựng đứng không thể đi được mà phải đẩy xe lên. Khi vượt qua được dốc núi thì những con đường men nhỏ như một bờ ruộng nên phải đi hết sức thận trọng không sẽ rơi xuống vực sâu.

.... là học sinh đi học đầy đủ, khỏe mạnh (ảnh Xuân Hòa)
....  là học sinh đi học đầy đủ, khỏe mạnh (ảnh Xuân Hòa)

Đến hơn 3 giờ chiều chúng tôi có mặt tại điểm trường lẻ Mầm non Phà Khốm khi mà những đợt sương mù đầu tiên đã bắt đầu bủa vây bản làng nơi đây. Vẻ mặt hồ hởi vui mừng của cô giáo Vi Thị Như xóa tan cái lạnh và sự mệt nhọc cho cả đoàn đi. Theo cô Thành cho biết: “Các giáo viên điểm lẻ mỗi khi có khách đến, nhất là ngày lễ như thế này mừng lắm. Bởi hàng ngày dạy học rồi lại một mình côi cút nơi ở tạm bợ của điểm trưởng lẻ buồn lắm”.

Cô Vi Thị Như hiện vẫn đang là giáo viên hợp đồng tại Trường mầm non Tri Lễ. Cô được cử lên công tác tại điểm lẻ Phà Khốm đã được gần 1 năm nay. Điểm trường lẻ mầm non Phà Khốm có 26 em học sinh, 100% đều là con em đồng bào H’Mông.

Căn bếp và nơi ở còn tạm bợ của cô giáo dạy học cô độc nơi rẻo cao Vi Thị Như (ảnh Xuân Hòa)
Căn bếp và nơi ở còn tạm bợ của cô giáo dạy học cô độc nơi rẻo cao Vi Thị Như (ảnh Xuân Hòa)

Ngày đầu nhận được quyết định lên dạy học nơi điểm bản xa xôi, khó khăn Phà Khốm cô Như cũng trăn trở nhiều. Bởi chồng thì ở xa, hai con còn nhỏ nên việc cả tuần mới về được nhà cô cũng bao lo lắng. Nhưng khi nghĩ đến những em học sinh đồng bào H’Mông còn khó khăn cần được học và cần được nuôi dưỡng con chữ từ nhỏ nên cô đã không ngần ngại nhận quyết định.

Chấp nhận chịu thiệt thòi, xa chồng con cô Như luôn đảm nhận tốt công việc dạy các trẻ nơi điểm lẻ này. Nay hai đứa con nhỏ cô cũng phải gửi nhờ bố mẹ chồng nuôi dưỡng. Cuối tuần cô lại lặn lội “thân cò” một mình chạy xe máy về với các con một lúc và lấy các nhu yếu phẩm rồi lại quay lại điểm trường. Hai đứa con của cô cũng chịu nhiều thiệt thòi khi chồng cô đi làm tận tỉnh Thái Bình, cô dạy học nơi rẻo cao không về thường xuyên được.

“Chồng tôi thì đi làm xa nên những ngày đầu lên đây tôi cũng khó vì nhớ con. Hai đứa con nhỏ của tôi nhờ ông bà nuôi nay cũng thiếu thốn tình cảm của bố mẹ. Nhưng những lúc nhìn các cháu trong lớp vui đùa, khỏe mạnh vừa nhớ con nhưng cũng vừa mừng. Tôi luôn xem các cháu như những đứa con của tôi ở nhà”, cô Như bùi ngùi cho biết.

Ngoài giờ dạy học thì còn lại cô Như phải sống một mình nơi bán trú tồi tàn được dựng tạm bợ bằng ván gỗ, lợp tranh. Sống nơi điểm lẻ không sóng điện thoại, không điện lưới nên những khi rảnh rỗi cô chỉ biết đọc sách để giải khuây. Chia tay cô Như khi những màn sương mù dày đặc đã phủ kín bản làng Phà Khốm chúng tôi mới thấy đức hy sinh của những nữ giáo viên mầm non nơi rẻo cao cao cả đến nhường nào. Vậy là một ngày Quốc tế phụ nữ nữa không hoa, không quà và không được gần người thân của cô giáo Như.

Xuân Hòa