Những ngày tháng 2, cả nước đang hướng về những địa danh linh thiêng trên miền biên giới để nhớ về những ký ức đau thương và hào hùng của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn biên cương thiêng liêng.
Trong cuộc chiến ấy, nhóm phản động bành trướng trong giới lãnh đạo, quân đội Trung Quốc thời điểm năm 1979 đã gieo rắc không biết bao tội ác lên nhân dân ta, trong đó có vụ thảm sát trên cánh đồng Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng, Cao Bằng).
Sự kiện đã phủ bóng thời gian khi chúng tôi tìm đến Tổng Chúp, những người trẻ ở quanh khu vực này chỉ biết đã có một cuộc thảm sát như thế diễn ra.
Về thời gian, địa điểm cụ thể ở đâu họ không hề biết.
Nhờ cán bộ xã Hưng Đạo, cán bộ thôn Tổng Chúp chúng tôi mới có thể đến được địa điểm ghi dấu cuộc thảm sát khủng khiếp năm xưa.
Đường vào địa điểm thảm sát năm xưa nay chỉ còn là những bụi cây rậm rạp.(Ảnh: LC) |
Đó là một khu vực rậm rạp cây cối, không có đường vào, phải băng qua 2 con suối cùng vô số cây tạp, bụi rậm.
Giếng nước năm xưa, nơi vùi lấp 43 sinh mạng vô tội cũng không còn dấu vết. Nghe bảo, người ta đã vùi lấp nó khá lâu rồi. Hỏi xung quanh, cũng chẳng mấy ai còn nhớ đến.
Dấu tích còn sót lại chỉ duy nhất một tấm bia ghi dòng chữ: “Vụ thảm sát tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo huyện Hòa An. Quân Trung Quốc dùng cọc tre, búa bổ củi đập chết 43 phụ nữ và trẻ em quăng xuống giếng nước”.
Để tìm hiểu về địa điểm ghi lại những ký ức của lịch sử, được sự giới thiệu của cán bộ xã Hưng Đạo, chúng tôi tìm gặp ông Lô Ích Vinh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Đạo để tìm hiểu sự việc.
Thời điểm xảy ra chiến sự 1979 ông Vinh là Phó chủ nhiệm hợp tác xã Hồng Ngọc của xã Hưng Đạo.
Ông là một trong những số ít những người trực tiếp phát hiện ra cuộc thảm sát man rợ của quân bành trướng Trung Quốc.
Đã 40 năm qua đi nhưng ký ức của ông Vinh không thể phai mờ về cái ngày khủng khiếp 14/3/1979.
Nhắc lại những ngày đau thương ấy, người cán bộ nay đã vào tuổi “cổ lai hy” ấy ngập ngừng trong nghẹ ngào:
“Sau lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, quân Trung Quốc lúc bấy giờ chuẩn bị rút lui.
Nhân chứng đặc biệt thuật lại ký ức về cuộc thảm sát kinh hoàng mà quân Trung Quốc gây ra ở Tổng Chúp (Cao Bằng) |
Ngày 14/3/1979, xã Hưng Đạo của chúng tôi tổ chức một đoàn cán bộ bao gồm đảng ủy, ủy ban các ngành các cấp, dân quân của xã Hưng Đạo bao gồm 39 chiến sĩ về tiếp quản đầu tiên.
Ngày 15/3 chúng tôi đến đây thì quân địch rút nhưng lúc đó ta và địch vẫn chiến đấu dưới chân đèo Mã Phục.
Khi chúng tôi đến tiếp quản thì thấy cả xã Hưng Đạo chỉ còn là cảnh hoang tàn khi trận địa pháo của địch dày đặc.
Chúng huy động toàn bộ ván nhà để làm trận địa pháo. Đại bộ phận nhà của bà con bị cháy hết, khói vẫn còn cháy nghi ngút.
Chúng tôi đến khi nhà cửa, thóc lúa của bà con vẫn còn đang cháy nghi ngút, thời điểm đó cũng chưa dám vào nhà ai vì lo sợ quân địch cài mìn.
Lúc đó, mọi người vẫn chưa biết số anh em công nhân của trại lợn Đức Chính của tỉnh ở đâu.
Sau đó, chúng tôi đi tìm một số người thân thì vẫn không biết có nhiều người chết ở địa điểm này (ông Vinh vừa nói vừa chỉ vào gốc tre) vì lúc đó giếng được phủ lá gianh.
Tấm bia ghi dấu lịch sử đau thương về vụ thảm sát kinh hoàng năm xưa. (Ảnh: LC) |
Tôi với một anh nữa đi xem xét tình hình xung quanh, khi đến gần bờ suối vì nước chảy xói mòn đất thì chúng tôi phát hiện ra rất nhiều chân của những người đã chết lộ ra.
Lúc đó chúng tôi đi tìm khắp thì phát hiện ra 3 địa điểm có người bị quân Trung Quốc giết hại.
Tại miệng giếng này, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều xác chết chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Lúc đầu, dân quân cứ tưởng cái giếng đó là nơi chôn giấu thuốc nổ, nhưng sau mới phát hiện có đầy xác người.
Khi vớt lên, tất cả mọi người đều bàng hoàng khi các xác chết đều là phụ nữ và trẻ em, phần lớn là những người làm việc trong trại lợn Đức Chính.
Đau xót nhất là gia đình ông trưởng trại lợn Đức Chính khi cả nhà 3 người đều bị giết sạch trong ngày 9/3, mà vợ ông thì đang mang bầu đứa con thứ 2 gần đến ngày sinh nở”. ông Vinh ngậm ngùi.
Ngập ngừng một lúc, ông Vinh nói tiếp: “Quanh cái giếng này chúng tôi phát hiện ra một số vỏ đạn AK, một số cái búa nó vứt lại quanh khu vực này.
Trong số những xác chết bị địch quẳng xuống giếng còn nhiều em bé vẫn còn đang địu trên lưng mẹ. Rất đau xót.
Ông Lô Ích Vinh bên tấm bia ghi dấu vụ thảm sát. (Ảnh: LC) |
Sau khi phát hiện ra vụ việc, chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên, các cơ quan Y tế, công binh sau đó thu dọn những xác chết còn lại đi mai táng”. Ông Vinh lặng người nhìn về phía gốc tre già.
Khi quân Trung Quốc rút, cả thị xã Cao Bằng năm xưa chẳng còn lại gì ngoài đống đổ nát.
Cuộc sống đã trở lại bình yên ở đất Tổng Chúp. Sau 40 năm, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, thôn Tổng Chúp ngày nay đã những con người mới chuyển đến. Có thể họ không biết hay không còn nhớ nhiều đến những ngày kinh hoàng 40năm trước.
Thế nhưng, trong chiến cuộc năm xưa, những nỗi đau, những tiếng thở dài hay những giọt nước mắt trong ký ức tháng 2 vẫn chảy.
Có những gia đình nhỏ chưa bao giờ có được bữa cơm trọn vẹn giữa các thành viên trong gia đình.
Chiến tranh đã lùi xa từ lâu, 40 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, dường như nỗi đau đó hằn lên trên tấm bia đã cũ theo thời gian…