Thanh tra chính phủ không muốn tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử

08/11/2017 12:29
Trinh Phúc
(GDVN) - "Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội".

 Sáng ngày 8/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội làm việc về nội dung Luật Tố cáo sửa đổi.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Về việc Luật Tố cáo không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ.

Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định".

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh quochoi.vn).
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (ảnh quochoi.vn).

Giải thích thêm về vấn đề này, ông Lê Minh Khái cho rằng: "Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện bảo đảm về mặt pháp lý, nguồn nhân lực, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo.

Trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp".

Thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: "Đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên chỉ giới hạn ở 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành để phù hợp hơn với trình độ phát triển của xã hội, của công nghệ như hiện nay.

Tuy nhiên, dù tố cáo dưới hình thức nào thì cũng phải xác định được rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo - đây là điều kiện cần để thụ lý giải quyết;

Cơ sở quan trọng nhất để quyết định thụ lý, giải quyết tố cáo vẫn là nội dung tố cáo phải có căn cứ, có cơ sở để xác minh, kết luận.

Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp".

Thanh tra chính phủ không muốn tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử ảnh 2Cán bộ yếu, bản lĩnh kém rất sợ đối thoại với dân

Vì vậy, ông Định đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định tố cáo có thể thực hiện bằng đơn và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định).

"Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân thực hiện quyền Hiến định và cũng thống nhất với quy định của một số luật hiện hành, như Luật Phòng, chống tham nhũng;

Bộ luật Tố tụng hình sự đều có quy định về việc tiếp nhận tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin khác;

Luật Giao dịch điện tử cũng đã quy định về giá trị của văn bản điện tử và chữ ký điện tử" - ông Lê Khắc Định giải thích.

Tranh luận về hình thức tố cáo, đại biểu Phan Thị Bình Thuận đoàn thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm:

“Đề nghị xem lại hình thức tố cáo, cơ quan chủ trì bảo lưu ý kiến tố cáo bằng đơn và trực tiếp nhưng ên sửa hình thức tố cáo là bằng văn bản và lời nói”.

Đồng quan điểm, về hình thức tố cáo, đại biểu Dương Ngọc Hải cho rằng: “Ngoài hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, tôi đề nghị bổ sung thêm “hình thức tố cáo khác” theo quy định pháp luật đó là qua fax, qua mail, qua điện thoại.

Trong xu hướng giao dịch điện tử nếu chỉ quy định hai hình thức như dự thảo thì luật sẽ lạc hậu.

Trong khi đó, các luật khác có quy định hình thức khác như luật Tố tụng Hình sự, Luật Phòng chống tham nhũng đều có quy định về tố giác tin báo tội phạm ngoài hình thức trực tiếp và văn bản còn có hình thức khác như điện thoại, fax, mail đều tiếp nhận giải quyết".

Trinh Phúc