Thanh tra việc trả lương tại EVN

21/12/2011 07:26
Không chỉ “choáng” với khoản lỗ hơn 40.000 tỉ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dư luận cũng đang “hoa mắt” với tiền lương của cán bộ ở tập đoàn này.
Theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN, do Kiểm toán Nhà nước  thực hiện, mức thu nhập bình quân đầu người của tập đoàn này được chia thành 3 khối. Trong đó, khối phân phối điện có thu nhập thấp nhất, bình quân 7,9 triệu đồng/người/tháng.


Khối truyền tải điện có thu nhập bình quân 10,8 triệu đồng/người/tháng. Cao nhất là công ty mẹ có thu nhập bình quân 13,7 triệu đồng/người/tháng. Trong công ty mẹ, cơ quan văn phòng có thu nhập cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của toàn công ty.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tiền lương bình quân của doanh nghiệp Nhà nước năm 2010 đạt khoảng 3,7 triệu đồng/tháng. Còn tính riêng tại 36 công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, tiền lương bình quân năm 2010 đạt khoảng 7,64 triệu đồng.
Trước đó, Tổng Giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh, công bố “thu nhập trung bình của EVN là 7,3 triệu đồng/tháng, không đủ sống ở thành thị”. Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng giải thích EVN trả lương đúng quy định. Điện lực là lĩnh vực khá đặc thù vì môi trường làm việc nguy hiểm, độc hại.
Trong cơ cấu lương của ngành điện có tới 25% là phụ cấp an toàn, độc hại, lên tới 1,9 triệu đồng trong tổng mức lương 7,3 triệu đồng. Nhưng đặt trong bối cảnh EVN lỗ lũy kế đến nay hơn 40.000 tỉ đồng, là con nợ của nhiều tập đoàn kinh tế khác và liên tục gây sức ép tăng giá điện để bù lỗ thì mức lương mà tập đoàn này đang được hưởng thực sự gây sốc.
Từ hiện tượng EVN cho thấy cơ chế tiền lương tại các doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế hiện nay còn nhiều bất cập. Một trong những bất cập đó, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân là tiền lương của HĐQT và ban giám đốc được xác định trước, trong khi tiền lương của người lao động được điều chỉnh tăng theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh.
Do đó, từ năm 2008 trở lại đây, doanh nghiệp có xu hướng đẩy tiền lương của HĐQT, ban giám đốc lên cao hoặc nhập chung vào quỹ lương của người lao động để phân phối. Như vậy, tiền lương, thưởng của HĐQT và ban giám đốc vượt quy định, làm mất cân đối trong nội bộ doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận và đòi hỏi phải xem xét lại chế độ tiền lương tại doanh nghiệp Nhà nước. Một số doanh nghiệp trả lương cho chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc 70-80 triệu đồng/tháng trong khi khung tối đa của Nhà nước chỉ được 50 triệu đồng/tháng.
Trả lời báo giới về trường hợp trả lương của EVN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết bộ đang có đoàn thanh, kiểm tra về lương tại tập đoàn này. Đoàn cũng thực hiện kiểm tra tại một số đơn vị trực thuộc EVN. Kết quả sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tô Hà/Người lao động