"Thi tuyển Tổng cục trưởng, Bộ GTVT chưa chắc tìm được người tài"

18/02/2014 14:03
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - TS Nguyễn Xuân Thủy: "Thành phần ban giám khảo tôi không biết gồm những ai, nhưng chắc chắn cần phải có ít nhất 2 chuyên gia nghiên cứu độc lập về giao thông"

LTS: Sự kiện Bộ GTVT tổ chức thi tuyển công khai chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước. Để có thêm những góc nhìn đa chiều trong sự kiện này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông, chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đô thị.

- Thưa TS Nguyễn Xuân Thủy, Bộ GTVT đang làm một việc chưa từng có tiền lệ ở ngành, đó là công khai thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Tôi thấy mục đích mà Bộ GTVT hướng đến là rất tốt. Giống như các nước, chúng ta phải tăng tính dân chủ lên, để cho người dân có thể giám sát được. Qua việc thi tuyển công khai như vậy, người dân có điều kiện xem năng lực của các vị ứng cử thế nào, đạo đức, tinh thần trách nhiệm có tốt không? 

Nếu Bộ GTVT làm tốt ở lần thi tuyển này thì chắc chắn những ngành khác cũng có thể triển khai những việc tương tự.

TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông.
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông.

- Thưa ông, đã có thi tuyển thì phải có chấm thi. Vì vậy, nhiều người đang băn khoăn về thành phần ban giám khảo trong cuộc thi này. Quan điểm của ông thế nào?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Đúng là bước đầu Bộ GTVT đã tạo ra một “cơn sốt” với dư luận, hẳn là người dân sẽ rất ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng. Tuy nhiên, người ta cũng lăn tăn là Hội đồng chấm thi gồm những ai? Ở nhiều nước, ứng cử và tranh cử rất rõ ràng, có thể đưa ra trưng cầu dân ý, phiếu ít hay nhiều sẽ rõ ngay, nhưng ở ta mà làm như vậy thì rất khó.

Nhưng chí ít thành phần ban giám khảo cũng phải được công khai, điều này rất quan trọng, bởi nếu chỉ loanh quanh mấy quan chức chấm với nhau thì kiểu gì cũng có điều ra, tiếng vào. Rồi thậm chí đến khi tìm ra người thắng cuộc thi này rồi người ta vẫn có thể bảo là Bộ trưởng thiên vị. Nhưng trong khi Bộ trưởng thì lại đang rất muốn làm quyết liệt, chính vì thế mới đưa ra thi tuyển công khai chứ, vậy nên xử lý ở tình huống này cũng rất cần sự quyết đoán, rõ ràng ngay từ đầu.

Thứ hai là trong thành phần ban giám khảo tôi không biết gồm những ai, nhưng thí dụ thành phần gồm 5 người thì chắc chắn cần phải có ít nhất 2 chuyên gia nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực giao thông. Họ sẽ là những người đặt ra các câu hỏi phản biện với các ứng cử viên, như vậy sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch, còn nếu chỉ có lãnh đạo của vài Bộ chấm với nhau thì hẳn là sẽ có người cảm thấy chưa thoải mái.

- Ông có tin rằng lần thi tuyển này Bộ GTVT sẽ chọn được một nhân sự thực sự tài năng cho chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Cái này rất khó nói, bởi vì giao thông là một bài toán có tính hỗn hợp, chúng ta đã biết rằng giao thông luôn phải đi trước trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nhưng động vào đâu cũng thấy có rắc rối thì phải làm thế nào? 

Tôi nói ngay như tình hình giao thông hiện nay, đã tốt chưa? Phải thẳng thắn là chưa tốt, loanh quanh luẩn quẩn cũng chưa có cái gì đột phá, chỉ là giải quyết sự vụ thôi. Điều đó chứng tỏ ngay cả năng lực những người đang giữ chức vụ ở ngành giao thông yếu kém. Bộ trưởng thì rất nhiều việc, lấy đâu ra thời gian mà xem xét hết chi tiết được, cho nên Bộ trưởng phải xem lại cấp dưới của mình. Có lẽ, Bộ trưởng ngày càng thấy rõ điều đó nên mới tổ chức cuộc thi tuyển này.

Điều mà tôi quan tâm nhiều nhất là tính khoa học của đề án mà các ứng cử viên dự thi, nhìn vào đó sẽ thấy ngay con người ấy có tư duy ở tầm chiến lược không, có đủ trình độ - năng lực tháo gỡ những khó khăn hiện nay để tiến tới mục tiêu đề ra không? Hay là nói thì hay nhưng làm lại dở bét? Cái này không cẩn thận là rất dễ bị như vậy, bởi vì nói lý thuyết suông nhiều ông nói hay lắm, nhưng thực tế là chẳng có làm được cái gì đâu.

Tôi nói thẳng là loanh quanh cũng chỉ vài ba vấn đề thôi. Ví dụ, anh Tổng Cục trưởng đường bộ thì phải quản lý cái gì? Phải biết tổng số đường bộ là bao nhiêu km? Trong đó bao nhiêu km là đường quốc lộ, bao nhiêu là đường nông thôn? Cầu đường hiện nay thế nào, tồn tại ra sao, giải pháp thế nào để nâng cao mạng lưới đường bộ? Viết vào đề án thì tương đối giống nhau thôi, tất nhiên cũng có những câu thử tài, thử về nghệ thuật quản lý, nhưng rồi thì cuối cùng có chọn được người xứng đáng không thì chẳng ai dám chắc.

Người dân tiếp tục chờ đợi những giải pháp đột phá từ Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Người dân tiếp tục chờ đợi những giải pháp đột phá từ Bộ trưởng Đinh La Thăng.

- Có một vị ĐBQH cho rằng, khi Bộ GTVT đã công khai việc thi tuyển thì cũng cần công khai đề án của các ứng viên, để nhân dân thực sự biết người được chọn có xứng đáng không. Ông nghĩ sao về điểm này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Đây là điểm rất quan trọng, bởi nó đi đến cùng của tính dân chủ, đồng thời Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Nhưng tôi nghĩ, nhiều khả năng Bộ GTVT không công khai chuyện ấy, vì trong công việc thì năng lực của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng cũng cần phải có một ê kíp làm việc nữa. Vì vậy, chỗ này phụ thuộc rất nhiều vào Bộ trưởng.

Tôi quan tâm tới tầm nhìn chiến lược là chính, sau đó là quy hoạch thế nào, chống ùn tắc ra sao, ngân sách có chừng đó thì tiêu vào đâu cho hiệu quả; chứ không phải chỉ là đốc thúc đơn vị này phải đúng tiến độ, đơn vị kia phải đảm bảo chất lượng… mấy cái đó thực chất chỉ là nghiệp vụ hành chính mà ở cương vị ấy anh phải làm. 

- Ông có lời nhắn nhủ gì tới Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ tương lai?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo tôi, trước hết phải cần siết lại tất cả các dự án, dự án nào cần thiết làm cho dân nhất thì phải làm ngay. Trong khoa học người ta gọi là “đường găng”, một phương pháp sắp xếp khoa học người Mỹ đã áp dụng từ cách đây gần 100 năm, qua đó biết được cái nào cần nhất, hiệu quả nhất sẽ làm trước.

Thứ hai là cần tập trung cho Hà Nội và TP.HCM, phải nâng cấp ngay hệ thống hạ tầng, phải làm số cầu vượt nhiều hơn nữa; làm thêm các tuyến đường xuyên tâm, đường hướng tâm; làm thêm các đường đi bộ hợp lý, đường vành đai.

Thứ ba là đẩy mạnh giao thông công cộng lên, phải xây gấp ngay, có đồng hồ đếm ngược tiến độ 3 tuyến tàu điện ngầm của Hà Nội, 3 tuyến tàu điện ngầm của TP.HCM; 8 tuyến tàu điện bánh sắt của hai thành phố này.

Với cách làm này, trong 5 năm tới 10 năm nữa chúng ta đã giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc và tai nạn, nhờ đó mỗi năm hai thành phố này sẽ mang lại cho đất nước thêm hàng chục nghìn tỷ. Theo quan điểm của tôi, đây là hai thành phố lớn nhất cả nước, cho nên Bộ GTVT phải trực tiếp triển khai các dự án rồi mới giao lại cho địa phương quản lý khai thác, chứ chỉ để cho Hà Nội và TP.HCM làm như hiện nay thì chưa ổn.

- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)