Thôn nữ đẻ thuê thương đứa bé sống nhờ trong bụng

06/10/2011 05:40
Theo Pháp luật & Thời đại
Mới đây, 7 cô gái quê Bạc Liêu trong đường dây đẻ thuê ở Thái Lan đã được đoàn tụ với gia đình.
Sau những tủi nhục nơi xứ người, giờ đây các bà mẹ trẻ này lại đang đối mặt với thực tại khó khăn mới: Đứa bé mình đẻ ra không rõ là “con cái nhà ai”?
“Đã nghèo còn gặp cái eo”
Bà T.T.C (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, mẹ của thôn nữ P) sau chuyến đi Sài Gòn đón con gái trở về cho biết, chi phí đi đứng để rước con về đều phải đi vay mượn. Có người thương tình, thì cho năm ba chục ngàn để làm lộ phí, khi về rồi bà con lối xóm xúm lại hỏi thăm, người cho sữa, kẻ cho tiền để nuôi đứa nhỏ. Bà nén tiếng thở dài: “Nay con P lại vướng vào chuyện này, đời nó sẽ khổ hơn tôi nữa…!”.

Sau những tủi nhục nơi xứ người, giờ đây các bà mẹ trẻ này lại đang đối mặt với thực tại khó khăn mới: Đứa bé mình đẻ ra không rõ là “con cái nhà ai”?
Sau những tủi nhục nơi xứ người, giờ đây các bà mẹ trẻ này lại đang đối mặt với thực tại khó khăn mới: Đứa bé mình đẻ ra không rõ là “con cái nhà ai”?

Xoay quanh câu chuyện đi rước con gái, bà tần ngần nhớ lại: “Hôm con gái gọi điện nhắn là sẽ được về nhà, cả gia đình mấy đêm liền không ai ngủ được, chỉ mong đến ngày nó được về. Sáng ra, khi nghĩ lại chuyện tiền nong để lên Sài Gòn rước nó tôi mới giật mình, nhà gạo còn không đủ ăn thì lấy tiền đâu mà đi. Cũng may nhờ bà con lối xóm thương tình, mấy cô chú ở huyện, ở tỉnh hỗ trợ xe đi rước nên nó mới về được đến nhà”.
Trong căn nhà xiêu vẹo, rách nát vốn đã quá chật hẹp của gia đình, nay phải dành riêng ra một cái giường để cho  mẹ con P ở. Từ nhà P về nhà đến nay, mọi người cho biết ngoài việc chăm sóc con, P ít nói, ít cười so với trước khi đi đẻ thuê. “Ở cái tuổi mới lớn, khi mà cả chuyện yêu đương chưa biết mà giờ đây lại làm mẹ của một đứa con, giữa bao nhiêu lời đàm tiếu, dị nghị của thiên hạ thì hỏi sao nó vui cho được”, mẹ cô gái tự vấn.
“Địa ngục trần gian”
Hôm chúng tôi đến, lúc đầu vì ngại nên P lánh mặt ở miết trong buồng không chịu ra gặp. Ngồi ở bên ngoài, chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng khóc của trẻ con và tiếng ru hời đứt đoạn của người mẹ trẻ. Lát sau nén cơn xấu hổ, cô len lén đi ra kể câu chuyện chỉ vì muốn đi tìm việc giúp đỡ gia đình qua cơn khốn khó mà bị lừa vào đường dây đẻ thuê tận Thái Lan.

Những ngày tủi nhục nơi đất khách quê người vẫn còn in đậm trong tâm trí người mẹ trẻ. Bây giờ, khi ôm con thơ vào lòng, từng đêm P nghẹn ngào nghĩ về tương lai của đời mình, của đứa con thơ dại mà nước mắt lại trào dâng.
Chuyện ăn ở nơi xứ người như “địa ngục trần gian” với những cô gái trẻ. Các nạn nhân bị “cầm tù” trong ngôi nhà biệt lập thuộc vùng ven thủ đô Băng cốc. Những người thuê mướn chỉ xem các cô như “những chiếc máy biết đẻ” và chờ ngày cấy tinh trùng để sinh con. Nhiều lúc các cô còn bị nhốt chung với gái mại dâm ở gần khu vực đó.
Lắm khi, việc sinh hoạt, giờ giấc, đi đứng sai một chút cũng bị các ông chủ trừ tiền trong khoản “hợp đồng” mà công ty đẻ thuê ký kết với những ông bố bà mẹ. Để có được những đứa con khỏe mạnh, nhiều ông bố không tiếc tiền gửi đồ ăn thức uống vào công ty đẻ thuê nhờ chăm sóc các cô gái đầy đủ dinh dưỡng hơn. Nhưng sự thật, các cô đều bị ăn chặn ngay trước khi quà được trao tận tay. Cuộc sống nằm chờ cho đến ngày được cấy tinh trùng và những ngày chờ đẻ như quãng thời gian đày đọa thân phận người phụ nữ…
“Dù gì cũng là cháu… ngoại!”
Dư luận hiện tại khi các cô gái trẻ được về đoàn tụ với gia đình có chấp nhận những “đứa cháu ngang hông ngoại lai” của mình hay không? Mang những băn khoăn này hỏi bà T, mẹ của H, một nạn nhân của đường dây đẻ thuê cư trú ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, bà T cho biết: “Khi hay tin con H đi đẻ thuê gia đình tôi rất buồn.

Bao nhiêu chuyện đàng hoàng khác không làm mà nó lại đi làm chuyện này. Ông nhà tôi còn định từ luôn nó nữa. Nhưng khi nghĩ lại và được các cô chú ở tỉnh giải thích là con tôi và những đứa khác bị lừa nên tôi cũng bớt buồn, lại thấy thương con mình quá. Nó còn nhỏ dại quá nên bị lừa chỉ vì muốn có tiền lo cho cha mẹ”.
Bà kể tiếp: “Ban đầu khi nó mới ẵm con về, dù mang tiếng là cháu ngoại của mình nhưng tôi vẫn “thấy làm sao ấy” khi ẵm đứa trẻ vì dù nó là con của con gái mình đẻ ra thật, nhưng thực tế thì trứng của người khác, tinh trùng của người khác, nó chỉ sống nhờ trong bụng con tôi thôi chứ?” Cái suy nghĩ đây không phải là cháu ngoại của mình, nó là đứa con lai ngoài ý muốn… cứ ám ảnh bà.

Thế nhưng qua nhiều ngày tiếp xúc rồi bà cũng quen dần. Bà nói “dù gì nó cũng chỉ là một sinh linh vô tội, dù nó là con của ai, mang dòng máu nào đi nữa thì cũng là cháu ngoại của mình. Khi con H nó về nhà, mấy cô chú ở xã cũng hứa là sẽ làm giấy khai sinh, nhập khẩu cho con của nó đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. Tôi chỉ lo là con H không nuôi nổi con vì không có nghề nghiệp gì. Từ nhỏ đến lớn chỉ biết đi làm thuê, bây giờ ôm thêm con nhỏ thì làm sao đây!”.
Còn bà mẹ của P thì suy nghĩ “thoáng hơn”. Bà cho biết dù con P có sao đi nữa thì đứa bé trong bụng nó cũng là cháu ngoại của bà. Bây giờ chuyện đã đến nước này rồi bà không trách mà còn thương P nhiều hơn nữa. Cả gia đình sẽ tận lực để giúp con P vượt qua khó khăn này, giúp em làm lại cuộc đời trên chính quê hương của mình trong tình thương của gia đình và xã hội. Bà bộc bạch, đợi khi con của P lớn, bà sẽ ở nhà trông cháu cho con P đi tìm việc làm mà nuôi sống bản thân, nuôi con khôn lớn.
Một người hàng xóm sống cạnh nhà cô gái P cho biết, mấy ngày đầu khi cô gái ẵm con về, cả xóm cũng rất vui. “Thấy đứa trẻ cũng bụ bẫm, dễ thương nên ai cũng mến. Đi đâu thì đi chứ về xóm về lảng rồi thì không lo bị đói, dù gì thì cũng có chúng tôi chăm lo tiếp nên mẹ con P không phải lo gì cả”.
Đường về gian nan
Trước đó, trưa 23/2 , cảnh sát và giới chức trách Thái Lan phối hợp với một số tổ chức nhân đạo và phi chính phủ đã ập tới bủa vây ba ngôi nhà ở gần ngoại ô Băng cốc, và cứu giúp 14 cô gái Việt Nam được đưa sang đây để đẻ thuê. Các nạn nhân cho biết họ đã được đưa từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau sang đây khoảng 3 – 4 tháng trước đó. Khi sang đến nơi và sau một thời gian không được giao việc gì cụ thể thì mới biết họ bị giam lỏng ở đó, chứ không phải là đi làm một “công việc phù hợp với sức khỏe” theo như lời hứa lúc đầu ở nhà.
Sau khi được đưa về Hà Nội, để đảm bảo quyền công dân cho các cháu bé, ngày 17/8, Bộ Tư pháp, Sở tư pháp Hà Nội đã chỉ đạo UBND phường Ngọc Hà, quận Ba Đình thực hiện ngay việc đăng ký khai sinh, UBND phường Ngọc Hà phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã, nơi đăng ký thường trú của mẹ các cháu biết. Đồng thời, báo cáo kết quả kèm bản sao có chứng thực Giấy khai sinh về Sở Tư pháp TP Hà Nội để báo cáo Bộ Tư pháp.
Sau khi các cô gái trong đường dây đẻ thuê được đưa về quê, bà Huỳnh Thúy Hằng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng xác minh cụ thể hoàn cảnh từng cá nhân, gia đình của các cô gái trong đường dây đẻ thuê tại Thái Lan để ngành xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp với tâm tư, nguyện vọng để khi họ trở về địa phương được học nghề, có việc làm và tạo điều kiện tốt nhất giúp sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gia đình neo người, nghèo khó, các thiếu nữ tay ôm con nhỏ nếu có được sự trợ giúp nêu trên thì cũng không thể đi học nghề, đi làm mà nuôi con. Đây thực sự là “bài toán” nan giải của những bà mẹ trẻ.
Theo Pháp luật & Thời đại