Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang được chất vấn

22/09/2014 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Hai thành viên của Chính phủ sẽ giải trình về nợ xấu và sử dụng đất lãng phí, xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Theo dự kiến, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 10 ngày (22/9– 2/10), và một trong những nội dung quan trọng mà nhiều người chờ đợi sẽ là phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - ông Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ông Nguyễn Minh Quang.

Ông Nguyễn Văn Bình sẽ phải giải trình về kết quả xử lý nợ xấu, những vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, đồng thời với đó là những ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng tới nỗ lực kiềm chế lạm phát. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 7/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%). Tới tháng 7, số dư nợ xấu có xu hướng giảm (chỉ bằng 0,79% so với tháng 6).

Thống đốc Nguyễn Văn Bình chuẩn bị trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình chuẩn bị trả lời chất vấn tại Thường vụ Quốc hội.

Trước thực trạng này, Thống đốc sẽ phải làm rõ những biện pháp nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong năm nay và năm sau.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ trả lời về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; phải làm rõ về tiến độ thực hiện quy hoạch đất đai, việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Quang cũng sẽ đề cập nhiều tới tình trạng sử dụng đất lãng phí, xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ làm rõ những vấn đề còn tồn đọng trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sẽ làm rõ những vấn đề còn tồn đọng trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai.

Các Bộ trưởng Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp làm rõ các nội dung liên quan. Phần chất vấn dự kiến được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành và được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.

Tại phiên hộp này, Thường vụ Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian thảo luận về 15 dự án Luật, Luật (sửa đổi), gồm có: Luật tổ chức TAND (sửa đổi); Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); Bộ Luật dân sự (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và Luật Công an Nhân dân (sửa đổi); Dự án Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật an toàn, vệ sinh lao động; Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, còn có một nội dung quan trọng khác là Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014.

Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn và Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND cũng được cho ý kiến tại phiên họp lần này.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành thời gian cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Đoàn giám sát sẽ báo cáo và Chính phủ cũng sẽ báo cáo bổ sung về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Ngọc Quang