Thu đồ của người bày bán trên vỉa hè:“Không lập biên bản là trái luật"

31/12/2013 14:21
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Dù có áp dụng quy định nào đi nữa cũng không cho phép tùy tiện thu giữ tang vật, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” – Luật sư Trần Đình Nam khẳng định.

Người dân kiếm sống bằng cách mà chúng ta vẫn hay gọi nôm na là bán trà đá vỉa hè tại Hà Nội diễn ra rất phổ biến. Đi khắp các phố phường Hà Nội, đâu đâu cũng thấy la liệt những quá trà đá vỉa hè.

Đến bất chợt, thích là thu

Tại những nơi tập trung nhiều văn phòng, người bán trà đá có thể kiếm vài triệu đồng/tháng là chuyện nhỏ. Tuy nhiên “rủi ro” cũng khá cao.

Vừa rót nước cho khách, bà H., một người bán trà đá vỉa hè tại khu vực Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy - Hà Nội) than thở. “Các cháu để ý hộ cô tí, sáng nay công an mới thu hết bàn ghế của cô xong”.

Luật quy định mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản - Ảnh: Khả Hòa
Luật quy định mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản - Ảnh: Khả Hòa

Theo lời bà H, gần Tết là thời gian những người kinh doanh vỉa hè như bà bị “săn lùng” nhiều nhất. Bà H cũng cho biết, dù đã “đóng phí” sòng phẳng vài trăm nghìn một tháng nhưng thi thoảng những người bán trà đá vỉa hè như bà cũng vẫn bị tịch thu “phương tiện” kiếm sống.

“Họ đến bất chợt, thấy cái gì để trên vỉa hè là “túm” ngay cái đó rồi quẳng lên xe. Bọn cô hôm nào may mắn thì chạy kịp, còn không lại phải sắm đồ mới”, bà H chán nản.

Thông thường mỗi đợt ra quân “càn quét”, lực lượng trật tự đô thị thu về một lượng không nhỏ như bàn, ghế và các vật dụng khác. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV, rất ít người bị tịch thu sau đó quay trở lại cơ quan chức năng để nhận xử phạt hành chính và lấy những đồ của mình đã bị thu về.

Lí do ở đây rất đơn giản. Họ thà chấp nhận mất trắng đồ còn hơn nhận xử phạt. Thêm nữa, trong lúc tịch thu, công an và các lực lượng khác không mấy khi lập biên bản thu giữ, kê khai tài sản nên người bị thu có đến lấy đồ thì cũng chẳng biết đã thu của người này những cái gì, số lượng bao nhiêu.

Không có biên bản là trái luật

Trước tháng 12-2013, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép có thể bị xử lý theo Điều 15 của Nghị định 34/2010 được sửa đổi bằng Nghị định 71/2012 hoặc áp dụng Điều 45 của Nghị định 23/2009. Trong đó, mức phạt cho cùng hành vi sử dụng vỉa hè, lòng đường trái phép để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, sửa chữa hoặc rửa xe nếu áp dụng Nghị định 23/2009 thì mức phạt mút khung lên đến 30 triệu đồng, trong khi theo Nghị định 71/2012 thì chỉ 3 triệu đồng.

Về quy định xử phạt, theo một vị bên Đội Quản lý thị trường cho hay, chỉ những vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần mới áp dụng Nghị định 23/2009. Hiện Nghị định 23/2009 đã được thay thế bằng Nghị định 121/2013 (có hiệu lực từ 30-11-2013) và nghị định mới xóa bỏ điều khoản phạt vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Hành vi này bị phạt bởi NĐ 34 và 71 nói trên.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Đình Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) trao đổi trên Báo Pháp luật TP.HCM cho rằng, dù có áp dụng quy định nào đi nữa cũng không cho phép tùy tiện thu giữ tang vật, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

“Các điều 81, 125 Luật Xử lý vi phạm Hành chính quy định khi tịch thu hay tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập thành biên bản và trao cho người vi phạm một bản. Trong các biên bản này phải nêu rõ số lượng, chủng loại, hiện trạng... vì người ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm bảo quản, nếu gây hư hỏng phải bồi thường hoặc để xử lý đối với phương tiện, tang vật bị tịch thu” - ông Nam nhấn mạnh.

Việc xử lí những người bày bán, kinh doanh trái phép trên vỉa hè đã được chính quyền các thành phố lớn kiên quyết làm “tới bến” từ nhiều năm qua nhưng kết quả không mấy khả quan. Lí do vì có quá nhiều người mưu sinh bằng hình thức này, lực lượng trật tự đô thị thì còn mỏng. Hơn nữa, trà đá vìa hè cũng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, rất khó bỏ.

Thiết nghĩ, Hà Nội và những địa phương khác nên có quy định riêng với hình thức “mưu sinh” này. Có thể cấp phép cho bày bán rồi thu phí công khai những người kinh doanh trên các tuyến phố có vỉa hè thông thoáng, ít người đi lại. Còn nơi vỉa hè hẹp, chật chội cần xử lí dứt điểm. 

Làm được điều đó vừa vẫn tạo điều kiện cho nhiều người tiếp tục mưu sinh. Thứ hai là quản lí được số hộ kinh doanh và thu được nguồn phí không nhỏ cho địa phương, tránh để thất thoát vào túi riêng của một số cá nhân. Thứ 3 là vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng “trà đá vỉa hè” của người Hà Nội.   

VIẾT CƯỜNG