Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng"

21/10/2013 11:53
Ngọc Quang
(GDVN) - "Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phân cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân".

Cách đây ít phút, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2013; kết quả thực hiện 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 và nhiệm vụ năm 2014-2015. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ 8 điểm hạn chế, yếu kém:

Thứ nhất: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, nhưng chưa thật vững chắc. Cân đối thu chi ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu còn chậm, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn. Thị trường BĐS, thị trường chứng khoán trầm lắng; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt kế hoạch; Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm

Thứ hai: Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, nợ xấu còn cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tăng trưởng GDP chưa đạt được kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Công nghiệp tăng trưởng còn chậm. Xuất khẩu nông sản khó khăn, hiệu quả thấp. Khả năng phòng tránh, giảm nhẹ tác hại của thiên tai đối với với sản xuất và đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

Thứ ba: Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Nhiều ngành, sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, chưa gắn được với nhiều mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới công nghệ còn chậm; Hiệu quả sử dụng vốn còn thấp. Giải quyết nợ động xây dựng cơ bản còn chậm. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn chậm, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Thứ tư: Triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược còn chậm, cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển. Quy trình xây dựng, chất lượng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách còn nhiều bất cập.

Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều thủ tục không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi. Kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm, công tác giám sát, thanh, kiểm tra còn nhiều hạn chế. Chất lượng giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao.

Chưa chú trọng công tác đào tạo lại và đào tạo nâng cao; Việc thu hút người có trình độ cao vào bộ máy hành chính nhà nước còn nhiều vướng mắc. Đóng góp của khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều. Hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển, chưa có cơ chế chính sách hiệu quả để thu hút mạnh đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.

Thứ năm: Lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Giải quyết việc làm chưa đạt kết hoạch; tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, khắc phục tình trạng bệnh viện quá tải còn hạn chế, một số vụ việc gây bức xúc trong xã hội. Việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm. Quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, yếu kém. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc còn chưa đạt yêu cầu; tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập chưa được ngăn chặn có hiệu quả; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong xã hội. Công tác quản lý thông tin, báo chí, nhất là trên internet vẫn còn bất cập.

Thứ sáu: Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém. Kỷ luật kỷ cương trong quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, khoáng sản chưa nghiêm. Một số công trình thủy điện chưa thực hiện tốt yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm môi trường tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông chậm được cải thiện. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, nước thải sinh hoạt và công nghiệp đúng quy chuẩn còn thấp. Khả năng phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn hạn chế. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn chậm được khắc phục.

Thứ bảy: Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu so với mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hiệu quả chưa cao, ít phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm. Tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phân cán bộ, công chức, viên chức gây bức xúc trong nhân dân. Lãng phí thời gian, nguồn lực trong hệ thống chính trị và trong xã hội còn lớn. Ý thức tiết kiệm chưa được đề cao.

Thứ tám: Bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định ở một số địa bàn. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Việc khắc phục tình trạng lộ lọt bí mật Nhà nước và đấu tranh ngăn chặn hành vi lợi dụng Internet để chống phá đất nước hiệu quả chưa cao. Tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc. Tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp; Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều.

Ngọc Quang