“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn”

14/11/2013 11:40
Ngọc Quang
(GDVN) - "Bao giờ cũng vậy, cuối năm Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo về những ý kiến của ĐBQH, tập hợp ý kiến qua phần trả lời của các Bộ trưởng thì Thủ tướng sẽ có phát biểu. Sau đó, Thủ tướng có trả lời nếu các vị ĐBQH có ý kiến thêm", ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp sáng nay (14/11), ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đã chốt danh sách các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, gồm có: Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình (Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân thuộc danh sách 5 Bộ trưởng được đưa ra lấy ý kiến nhưng không được lựa chọn).

PV: Kỳ trả lời chất vấn lần này có gì khác với kỳ trước không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành ra khoảng 3 ngày cho chất vấn, trong đó có một buổi đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt cho Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kết quả chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4, 5. Sau đó, các ĐBQH sẽ thảo luận tại hội trường. Đây là điểm mới chưa từng có từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

PV: Theo thông lệ những kỳ họp cuối năm Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn, vậy lần này thì thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:
Bao giờ cũng vậy, cuối năm Thủ tướng Chính phủ sẽ có báo cáo về những ý kiến của ĐBQH, tập hợp ý kiến qua phần trả lời của các Bộ trưởng thì Thủ tướng sẽ có phát biểu. Sau đó, Thủ tướng có trả lời nếu các vị ĐBQH có ý kiến thêm.

PV: Ông có thể cho biết, những câu hỏi chất vấn đã gửi tới Thủ tướng bằng văn bản, tập trung vào những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện nay đã có 5 câu hỏi chất vấn gửi tới Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu xoay quanh lĩnh vực kinh tế - xã hội, không có vấn đề gì lớn cả.

PV: Thưa ông, việc chọn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) trả lời chất vấn có phải vì vừa qua đã xảy ra vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Chắc chắn là trong chất vấn Chánh án TANDTC, ĐBQH có quan tâm tới vụ việc này, tuy nhiên sẽ còn nhiều vấn đề khác nữa, nhất là đòi hỏi nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ TANDTC.

PV: Thời gian vừa qua dư luận rất bức xúc với những câu chuyện khám, chữa bệnh của ngành y tế, vì sao không đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế phải trả lời chất vấn, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đưa ra xin ý kiến phải dựa trên số lượng các câu hỏi chất vấn, nếu xếp theo thứ tự thì số lượng câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế không nhiều, chỉ xếp vị trí thứ bảy hoặc thứ tám thôi, do đó không đưa vào nhóm 5 Bộ trưởng trả lời chất vấn để xin ý kiến ĐBQH.

Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị chất vấn các Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng… tuy nhiên, số phiếu ít, chỉ có hai ba phiếu.

PV: Thưa ông, có thể đổi mới bằng cách đưa ra danh sách tất cả các Bộ trưởng để ĐBQH lựa chọn thay vì chỉ gợi ý 5 Bộ trưởng, tránh tình trạng nể nang, và lựa chọn ấy chưa thực sự là mong muốn của ĐBQH?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Việc lựa chọn các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn dựa trên cơ sở lựa chọn hai lần các ý kiến của ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn; đoàn thư ký kỳ họp có phát phiếu cho các đại biểu đề nghị có câu hỏi gì thì gửi lại cho đoàn thư ký và trên cơ sở đó thì đưa ra 5 người và chọn 4 thôi.

Nếu đưa ra danh sách tất cả các Bộ trưởng, trưởng ngành thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc lựa chọn theo tỷ lệ từ cao tới thấp, đồng thời cũng lưu ý một số điểm: Thứ nhất, ưu tiên cho các đồng chí chưa trả lời chất vấn bao giờ; Thứ hai là các đồng chí có nhiều ĐBQH đặt câu hỏi; Thứ ba là căn cứ vào những vụ việc gây bức xúc trong thực tiễn thông qua tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc.

PV: Những câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xoay quanh chủ đề gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:
Đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ĐBQH cũng quan tâm nhiều nội dung, nhưng trên cơ sở các câu hỏi thì chúng tôi đã khái quát được nhóm: Công tác quản lý nhà nước về báo chí, về thông tin; Những tồn tại quản lý trang mạng tư nhân, an ninh mạng, tin nhắc rác…

- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang