Thưởng Tết: Người cười to, người khóc ré

28/12/2011 07:02
Ngọc Quang
(GDVN) - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nhâm Thìn, hẳn sẽ nhiều người rất vui vì những món tiền thưởng lớn, nhưng cũng không ít nơi buồn rười rượi.

Cách đây 2 ngày, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM công bố kết quả báo cáo tình hình lương, thưởng Tết của 1.118 doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế đóng trên địa bàn.

Thưởng Tết Dương lịch cao nhất năm nay thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại TP.HCM với mức 700 triệu đồng/người, năm ngoái mức thưởng cao nhất là 714,8 triệu đồng/người (cũng thuộc doanh nghiệp FDI). Đối với một số doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, mức thưởng cao nhất là 89 triệu đồng/người; còn với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thì mức thưởng cao nhất là 33,7 triệu đồng/người.

Ngân hàng vẫn là nhóm được thưởng cao
Ngân hàng vẫn là nhóm được thưởng cao

Thưởng Tết âm lịch, cao nhất cũng rơi vào các doanh nghiệp FDI (400 triệu đồng/người), xếp thứ hai là một số doanh nghiệp có vốn của Nhà nước (356 triệu đồng/người); đứng thứ ba là doanh nghiệp dân doanh với mức cao nhất 135 triệu đồng/người; xếp thứ tư là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, mức cao nhất là 130 triệu đồng/người.

Tại các KCX-KCN, mức thưởng cao nhất thuộc về một DN nội địa với mức 99,3 triệu đồng/người, trong khi mức cao nhất năm ngoái là 376,8 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất cũng là một DN trong nước với mức 2 triệu đồng, năm ngoái chỉ là 900 ngàn đồng/người. Mức bình quân của các DN nội địa là 2,95 triệu đồng/người, năm trước là 1,9 triệu đồng/người.

Cũng tại các KCX – KCN, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mức thưởng tết Dương lịch cao nhất là 77,8 triệu đồng/người, năm trước là 120 triệu đồng; mức thưởng thấp nhất là 2,05 triệu đồng/người, năm trước là 1,2 triệu đồng/người. Mức thưởng bình quân của nhóm DN này tại các KCX-KCN là 2,8 triệu đồng/người, năm ngoái là 1,6 triệu đồng/người.

Cũng theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, hầu hết người lao động đều hưởng mức thưởng Tết là một tháng lương, cao nhất vẫn rơi vào các doanh nghiệp “hạng sang” thuộc ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa. Các DN có mức thưởng trung bình vào khoảng 3 đến 8 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, cũng như năm trước, mức thưởng thấp rơi vào một số DN có nhiều lao động phổ thông như may mặc, giày da, dịch vụ bảo vệ... chỉ 500 đến 900 nghìn đồng/người. Cá biệt có những trường hợp thuộc DN có cổ phần, vốn góp của nhà nước mức thưởng chỉ là 453 ngàn đồng/người, năm ngoái là 431 ngàn đồng/người. Mức thưởng này chỉ tăng thêm vài chục nghìn so với năm trước và không bù nổi phần trượt giá do lạm phát.

Công nhân làm giày thuộc nhóm thưởng thấp
Công nhân làm giày thuộc nhóm thưởng thấp

Chưa hết, nhiều người lao động nằm trong nhóm thưởng thấp vẫn còn lo nơm nớp khi có tới 148 DN (tương đương 15,4%) thuộc các KCX - KCN cho biết gặp khó khăn trong việc chi trả lương, thưởng Tết, do các DN này làm ăn thua lỗ do mới thành lập, chi phí tăng cao… dù vẫn hứa hẹn sẽ cố gắng trả lương, thưởng Tết đúng thời hạn.

Năm nay, Hà Nội chưa chốt số liệu chính xác thưởng Tết, nhưng nếu theo số liệu các năm trước thì TP.HCM thường vượt trội, mà gần nhất là vào năm ngoái khi thưởng Tết âm lịch tại TP.HCM cao nhất là 532 triệu đồng/người thì Hà Nội chỉ là 72 triệu đồng/người, tức là chỉ bằng 1/7 của TP.HCM.

Câu chuyện về sự chênh lệch tiền thưởng Tết là chuyện đã xảy ra đã nhiều năm nay và nhìn ở một góc độ nào đó thì cũng có thể thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lộ rõ trong quá trình phát triển của xã hội. Còn nhớ vào Tết Canh Dần 2010 khi có  người lao động được thưởng mức kỷ lục 389 triệu đồng, thì vẫn cò những trường hợp được thưởng Tết chỉ có 30 nghìn đồng, vào năm 2009 có trường hợp được thưởng 50 nghìn đồng.

Chị Mai, một công nhân thuộc nhà máy may ở Tứ Kỳ - Hải Dương cho hay: “Bình thường thì lương tháng được gần 2 triệu, làm tăng ca thì được trả thêm tiền, còn thưởng Tết thì dăm bảy trăm nghìn thôi, chúng tôi gọi đó là người ta cho thế nào biết vậy, chứ chẳng gọi là thưởng, cũng biết rằng trình độ của mình chỉ có vậy nên có chỗ làm ổn định là đỡ vất vả hơn làm nông nghiệp. Tôi ở gần đây còn đỡ, chứ có người nhà cách đây hơn chục cây số, tiền xăng đi lại hàng tháng cũng mất toi vài trăm rồi”. Còn chị Hải, một công nhân ở tỉnh Quảng Ngãi thì không dấu được nỗi buồn: “Thực lòng cứ đến cuối năm đọc báo thấy người ta được thưởng khoản lớn, khoản nhỏ mà tủi thân, ở đây tụi tui mong đừng bị chậm lương cũng là may lắm rồi, chứ chẳng dám mơ tiền thưởng, lương thấp mà cũng chẳng có thêm cái gì khác bù vào nên tháng nào chẳng may công ty chậm lương chỉ hai ngày thôi là đi vay loạn xạ”.

Có lẽ nhiều năm qua những người được nhận tiền thưởng Tết thấp nhất là công nhân rồi tới giáo viên, nhất là thuộc các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, quà Tết của họ có khi chỉ là hộp bánh, hộp kẹo trị giá vài chục nghìn. Chẳng thế mà mới đây, Hiệu trưởng của Trường THCS và Tiểu học Trà Trung (huyện Tây Trà Quảng Ngãi) đã nói rằng: “Tôi lên xã vùng cao này dạy được tám năm, nhưng chưa bao giờ nghe tiền thưởng tết, thậm chí quà tết cũng không có nữa. Tết Tân Mão, giáo viên ở đây nghe nói có tiền cho tết, thế nhưng chờ đến tết, rồi qua tết, cũng không thấy đâu, mãi đến tháng 9.-2011, tụi tôi, mỗi người nhận được 100.000 đồng, gọi là tiền tết Tân Mão”.

Ngọc Quang