Thương lượng không phải là cò kè thêm bớt với dân

01/06/2017 13:18
Trinh Phúc
(GDVN) - “Đặt vào vị trí của những người bị tù oan, phải là người kiên cường thì mới sống đến lúc đi đòi bồi thường, có người đã quyên sinh”.

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi).

Các đại biểu rất quan tâm đến vấn đề thương lượng trong bồi thường với người bị oan sai. Cần tạo điều kiện để công việc bồi thường oan sai được tiến hành một cách nhân văn, tránh áp lực cho người bị oan và thể hiện sự nhân văn trong chính sách của nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Phước (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Đại biểu tỉnh Bình Phước (ảnh nguồn quochoi.vn).

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, việc bồi thường thiệt hại tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu bồi hường đến đó.

Việc thương lượng, phải mang tính nhân văn nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường được nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn chứ không phải mang thương lượng để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.

“Qua thực tiễn, việc thương lượng, giải quyết bồi thường với những người bị oan, bị thiệt hại tạo ra cảm giác cơ quan chức năng liên quan cứ cò kè thêm bớt với người dân.

Người dân đã bị thiệt hại rõ ràng rồi nhưng cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường, cho đến khi người dân không theo đuổi được nữa thì buộc phải chấp nhận mức bồi thường mà cơ quan nhà nước đưa ra.

Như vậy là không công bằng, có thể là khoảng hở dễ bị lạm dụng trong quá trình bồi thường”, Đại biểu Sang nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) có ý kiến: “Những vụ án oan sai đã xảy ra vừa qua cho thấy trong 1 vụ án oan sai đã nêu một chuỗi tố tụng liên tục từ điều tra, truy tố, xét xử nhưng chỉ buộc Tòa án bồi thường là không hợp lý.

Qua thực tiễn thấy việc xin lỗi công khai, cải chính đã phát sinh nhiều bất cập gây bức xúc trong dư luận vì không mang tính chuyên nghiệp… Tôi cho rằng, đề nghị cần nghiên cứu giao cho một cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường”.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre (ảnh nguồn quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre (ảnh nguồn quochoi.vn).

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bên lề của kỳ họp Quốc hội, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, vào tù người ta mất nhiều thứ. Như tôi từng biết, người vào tù mấy năm trời về nhà gia đình tan nát, từ tài sản mất mát, con cái nghiện ngập dẫn đến cái chết.

Có những vấn đề không thể tính bằng tiền, những thiệt hại đau xót, những cái phi vật chất không thể nhìn được, có thiệt hại khắc phục cần lâu dài, thậm chí không thể khắc phục được.

Thương lượng không phải là cò kè thêm bớt với dân ảnh 3Đã bị tù oan lại còn gặp gian nan đi tìm công lý, công bằng

Thông thường người bị oan chỉ biết đi kêu thôi mà không chuẩn bị hóa đơn, chứng từ để sau này được đền bù.

Nếu quy định như vậy, hết sức khó khăn cho người dân.

Tôi cho rằng có những việc chúng ta không cần hóa đơn, trong thực tế nhà nước có những loại thuế khoán, nhà nước có thể thuế khoán một cục tại sao chúng ta không làm theo phương pháp như vậy?

Đừng nên ép người ta thiệt hại rồi, tiếp tục thiệt hại nữa, đi đòi lại khó khăn nữa tiếp tục rơi vãi từ tình cảm đến tài sản của họ.

Khi đặt vào vị trí của những người bị tù oan, chúng ta phải nói rằng có nhiều người không thể chịu đựng được nữa phải quyên sinh. Phải là người kiên cường thì mới sống đến lúc đi đòi bồi thường.

Tôi cho đó là những người quá dũng cảm. Nếu những người này ở trong thời kỳ chiến tranh bị giặc bắt thì cũng dễ trở thành anh hùng. Do đó, thương lượng không phải cò kè thêm bớt với công dân mà phải đảm bảo được tính nhân văn”.

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp - ông Lê Thành Long (ảnh nguồn quochoi.vn).
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp - ông Lê Thành Long (ảnh nguồn quochoi.vn).

Giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Lê Thành Long khẳng định: “Thương lượng là nguyên tắc được áp dụng khi bồi thường và đây cũng là cách tiếp cận chung của các nước.

Dự thảo luật thiết kế kỹ về thương lượng, từ thành phần đến địa điểm, nội dung, quy trình thương lượng. Chúng tôi ý thức được rằng, thương lượng là đảm bảo đi đến thống nhất, thoả thuận trước khi bồi thường chứ không phải cò kè thêm bớt với công dân”.

Trinh Phúc