Thương nhớ một người con ưu tú của đất thép Thành đồng Củ Chi

20/03/2018 23:17
THEO THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
(GDVN) -Trong niềm tiếc thương vô hạn, từng đoàn đại biểu của Trung ương và địa phương; các sở, ban, ngành và nhân dân lần lượt đăng ký, xếp hàng để viếng ông Sáu Khải.

Tuy 8 giờ ngày 20/3 mới bắt đầu lễ viếng nhưng từ sáng sớm, dòng người đến viếng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tại Hội trường Thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Thủ đô Hà Nội đã rất đông.

Trong niềm tiếc thương vô hạn, từng đoàn đại biểu của Trung ương và địa phương; các sở, ban, ngành và nhân dân lần lượt đăng ký, xếp hàng chờ tới lượt vào viếng. Tất cả đều chung một tấm lòng hướng về người lãnh đạo gần gũi, giản dị với những tình cảm kính trọng, tiếc thương một người con ưu tú của vùng đất thép Thành đồng Củ Chi nói riêng, đất nước nói chung. 

Đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu 

Đến viếng từ rất sớm, bà Nguyễn Thị Nhàn, đại diện Hội Phụ huynh học sinh trường Trung học phổ thông Trưng Vương, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Qua thông tin trên báo chí, tôi và mọi người biết tin bác Khải mất nên đến viếng tại Hội trường Thống Nhất từ 6 giờ 30 phút. Tôi rất ngưỡng mộ, kính trọng, biết ơn bác Khải, người lãnh đạo quốc gia mẫu mực, có nhiều công lao trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Là người con ưu tú của vùng đất thép Củ Chi anh hùng, bác Khải là Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, là người tiên phong mở ra sự phát triển kinh tế Việt Nam hội nhập thế giới thông qua việc tháo gỡ nhiều rào cản để phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Cả đời bác Sáu Khải sống trong sạch, thanh bạch, rất bình dân, giản dị. Bác Khải để lại một dấu ấn lớn trong cuộc đời, sự nghiệp, được người dân nể trọng.”

Đông đảo các cơ quan, đơn vị, người dân đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN).
Đông đảo các cơ quan, đơn vị, người dân đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN).

Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, hình ảnh Thủ tướng Phan Văn Khải với sự nhiệt huyết trong công việc đã in sâu vào tâm trí nhiều người từng được công tác với ông. Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giai đoạn 1998-2007, chia sẻ: Cả sự nghiệp công tác, nguyên Thủ tướng luôn quan tâm, chăm lo cho nhân dân, thể hiện rõ nét ở việc thúc đẩy các chính sách về việc làm, về xuất khẩu lao động, về bảo hiểm xã hội, về chăm sóc y tế...

Trong lĩnh vực lao động, Thủ tướng là người thúc đẩy sửa đổi quy định về đình công, giúp người lao động có cơ hội phản ánh, đòi hỏi những điều kiện về việc làm, về thu nhập, đời sống người lao động... Bên cạnh đó, các chính sách về bảo hiểm y tế đã giúp Chính phủ có một nguồn lực để chăm lo cho an sinh xã hội, tạo nên một nguồn lực dự phòng cho đất nước. 

Thương nhớ một người con ưu tú của đất thép Thành đồng Củ Chi ảnh 2

Anh Sáu Khải, người ‘nhóm lửa’ cho công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Có 20 năm công tác tại Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết bà cảm nhận sâu sắc nhất là Thủ tướng Phan Văn Khải - người lãnh đạo đã kiên trì mục tiêu phát triển đất nước một cách hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh quốc phòng với phát triển an sinh xã hội, chăm lo cho con người.

Đất nước đã hoàn thành những chỉ tiêu về chống đói nghèo, giảm thất nghiệp... Tình cảm của bác đối với các cán bộ làm an sinh xã hội cũng để lại những cảm xúc rất sâu sắc. 

Không kìm được những giọt nước mắt, bà Trần Thị Trung Chiến (Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2002-2007) chia sẻ: Khi còn đương nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết sách điều gì cũng đều đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Trong đời sống hàng ngày ông rất bình dị, nhưng trong công việc hết sức nhạy bén, tâm huyết và quyết tâm theo đuổi để đạt được mục tiêu đã đề ra. Nguyên Thủ tướng cũng hết sức quan tâm đến lĩnh vực xã hội; trong kinh tế phát triển vẫn luôn quan tâm đến các chính sách chăm lo cho bà con vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, những người còn khó khăn, đối tượng yếu thế...

Trước đây, chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm, nhưng chưa có chính sách vĩ mô. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã ký Quyết định 139 giúp cho người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí, để từ đó người nghèo có điều kiện được khám chữa bệnh đầy đủ. 

Xúc động nhớ lại hình ảnh một người lãnh đạo rất đỗi bình dị, gần gũi, luôn quan tâm đến tất cả mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa, bà Trần Thị Trung Chiến hồi tưởng: “Có một lần vào dịp Tết Nguyên đán, tôi được đi thăm bà con nghèo cùng đoàn của Thủ tướng.

Thấy Thủ tướng tự tay chuẩn bị những món quà để tặng cho bà con, tôi có hỏi sao Thủ tướng không nhờ anh em chuẩn bị phụ giúp và Thủ tướng trả lời rằng ông muốn tự tay chuẩn bị quà, gửi gắm tình cảm vào trong những món quà này để gửi đến bà con, đó mới là tình cảm thực sự. Công việc rất bận rộn mà Thủ tướng còn quan tâm đến mọi người dân như thế khiến chúng tôi rất cảm kích và xúc động ...” 

Đổi mới để đưa đất nước tiến lên 

Đến viếng người đồng chí thân thiết từ rất sớm, ông Đinh Văn Mum, Bí thư ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) chia sẻ: Rời cương vị công tác, bác Sáu Khải luôn là người bạn gần gũi, tình cảm với đồng chí, nhân dân. Nghỉ hưu về quê nhà, bác Khải rất gần gũi với bà con.

Chúng tôi luôn xem bác như người anh cả trong gia đình nên mọi người đều gọi bác thân mật là bác Hai. Bác mất đi là niềm tiếc thương vô hạn của người dân, nhất là người dân ấp Chánh.

Bác luôn quan tâm đến nhân dân, luôn quan tâm, giúp đỡ, vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho dân, thường xuyên quan tâm đến người dân. Nhờ bác mà đời sống người dân huyện Củ Chi được nâng lên. Bác Hai mất đi là niềm tiếc thương vô hạn của người dân, nhất là người dân ấp Chánh, quê hương của bác. 

Có mặt tại Lễ viếng Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất sáng 20/3, ghi trong sổ tang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: “Cách đây mới ba tháng, anh em mình vui sinh nhật anh cùng anh Năm (Lê Khả Phiêu) tại nhà em.

Thế mà nay anh đã ra đi để lại bao niềm đau, nỗi nhớ. Nhớ về anh, người lãnh đạo tài năng, đức độ. Nhớ về anh, người đồng chí, người anh em gần gũi yêu thương. Xin chia sẻ đau thương cùng các cháu và gia quyến.”

Chia sẻ thêm về những tình cảm, công lao của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đối với đất nước, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Đồng chí Phan Văn Khải có những đóng góp lớn trong suốt thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, của Thành phố Hồ Chí Minh và cả thời kỳ đổi mới.

Đồng chí đã tháo gỡ khó khăn và đổi mới để đưa đất nước tiến lên. Chúng ta trân trọng và cảm ơn những đóng góp của đồng chí Phan Văn Khải. Chúng ta nguyện giữ vững những thành quả, kết quả đó để đưa đất nước, thành phố phát triển tiến lên, sánh vai cùng bạn bè thế giới."

Người dân đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN).
 Người dân đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN).

Trong phòng ghi sổ tang, những dòng cảm xúc của những đồng chí lãnh đạo từng công tác với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ niềm tiếc thương, sự kính trọng đối với người từng đứng đầu Chính phủ trong gần hai nhiệm kỳ luôn đầy ắp những kỷ niệm, tình cảm chân thành, gần gũi và vô cùng xúc động.

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu viết: “Ngày 23/12/2017, anh và tôi cùng tới chơi ở nhà anh Nguyễn Minh Triết.

Hai chúng ta rất bất ngờ và rất xúc động, anh Triết và tôi cùng anh đi thăm lại chiến khu D, địa đạo Củ Chi, sau đó còn đi ca nô trên sông Đồng Nai thăm một số cơ sở cách mạng, chúng ta cùng xúc động kể lại những năm tháng cùng nhau trong cuộc chiến đấu chống địch.

Thật bất ngờ, anh Nguyễn Minh Triết tổ chức mừng sinh nhật của anh (còn hai ngày nữa 25/12/1933) và của tôi (vào ngày 27/12/1931). Tuy anh hơi mệt nhưng anh rất vui, hồ hởi thấy tình bạn, tình đồng chí bên nhau rất nồng ấm.

Đây mãi mãi là một kỷ niệm sâu sắc không phai mờ trong tôi và các anh em. Anh ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta. Phan Văn Khải mãi mãi là một con người sáng trong như ngọc.”

Lặng lẽ ghi vào sổ tang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải viết: “Anh Sáu kính yêu ra đi để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng đồng bào, đồng chí cả nước.

Cả cuộc đời và sự nghiệp của anh là người Đảng viên Cộng sản kiên trung, trách nhiệm vẹn toàn, luôn suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo với tư duy trước thời đại, cùng tập thể lãnh đạo đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển nhanh và bền vững, giữ vững độc lập, chủ quyền, chủ động hội nhập quốc tế.

Với tấm lòng nhân hậu, thắm đậm nghĩa tình, anh Sáu hàng ngày, hàng giờ luôn trăn trở, chắt chiu, chăm lo cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào nghèo, neo đơn, cơ nhỡ, anh trực tiếp và luôn là động viên mọi người chăm chút thực hiện truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta “ăn trái nhớ người trồng cây”, “đền ơn đáp nghĩa...” mãi mãi tri ân các thế hệ ông, cha, người có công với nước và tiếp bước ông, cha, sống cho xứng đáng với tiền nhân. 

"Cả cuộc đời và sự nghiệp của anh Sáu là tấm gương vô cùng trong sáng, trung kiên, tận tụy, không ngừng sáng tạo, đổi mới, nhân hậu, nghĩa tình để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Anh Sáu, chị Sáu kính yêu ra đi là nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp đối với gia đình em. Cuộc đời và sự nghiệp của anh Sáu, chị Sáu, của bác Sáu trai, bác Sáu gái mãi mãi là tấm gương sáng để vợ chồng em, hai con của em học tập và noi theo. Gia đình em cầu nguyện anh Sáu, chị Sáu, bác Sáu trai, bác Sáu gái thanh thản an nghỉ nơi miền cực lạc,” ông Lê Thanh Hải viết. 

Tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập 

Càng tới gần trưa ngày 20/3, đoàn người đến viếng lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải càng đông. Dẫn đầu Đoàn Chư ni trưởng, giáo phẩm Ni giới hệ phái Khất sỹ, Trung tâm Ni giới hệ phái Tổ đình Ngọc Phương (quận Gò Vấp), Ni sư Thích nữ Tuấn Liên chia sẻ:

“Bác Khải là vị lãnh đạo có công lớn trong công cuộc phát triển đất nước cũng như Thành phố Hồ Chí Minh. Nghe tin bác Khải mất, các ni sư ở Tổ đình Ngọc Phương rất đau buồn và thương tiếc, chúng tôi đến Hội trường Thống Nhất để kính viếng, tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng.”

Người dân huyện Củ Chi và các địa phương lân cận đến viếng nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. (Ảnh: Văn Phúc/TTXVN).
Người dân huyện Củ Chi và các địa phương lân cận đến viếng nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải. (Ảnh: Văn Phúc/TTXVN).

Đối với thế hệ trẻ ngày nay, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một tấm gương sáng để các bạn trẻ học tập, noi theo. Anh Dương Văn Cường, đoàn viên đến từ huyện Củ Chi bày tỏ niềm xúc động khi đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:

“Bác Sáu Khải đã có những cống hiến rất lớn cho đất nước và cho quê hương Củ Chi. Thế hệ thanh niên chúng tôi nguyện cố gắng học tập và làm theo bác Sáu Khải để đóng góp xây dựng đất nước và quê hương đất thép thành đồng ngày càng phát triển.”

Còn em Trần Nguyễn Duy Hùng, học sinh Trường Trung học cơ sở Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) xúc động bày tỏ: "Bác Sáu Khải là tấm gương sáng cho thế hệ học sinh chúng em noi theo, nỗ lực học tập, phấn đấu để tiếp tục kế thừa phát huy những gì thế hệ đi trước như bác Phan Văn Khải đã làm, cùng nhau gánh vác trọng trách xây dựng, phát triển đất nước."

Người lãnh đạo gần dân 

Có mặt trong đoàn đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ rất sớm tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Khang, thôn Nghĩa Trang, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên không giấu nổi niềm xúc động và tiếc thương người lãnh đạo xuất sắc của dân tộc.

Ông Khang chia sẻ dù Thủ tướng Phan Văn Khải đã đi xa nhưng trong tâm khảm những người dân Hưng Yên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung mãi không thể quên hình ảnh, tấm lòng và trí tuệ của một người con "Đất thép thành đồng."

Thương nhớ một người con ưu tú của đất thép Thành đồng Củ Chi ảnh 5

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Ông Nguyễn Hữu Khang nhớ lại: "Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về công tác tại Hưng Yên thời kỳ cải cách ruộng đất, xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhà ông ngay bên cạnh nhà tôi.

Thời gian đó, vì còn nhỏ nên giờ nhớ lại hình ảnh về nguyên Thủ tướng không rõ nét nhưng cảm nhận về sự bình dị, gần gũi và chân thành nơi ông vẫn còn nguyên vẹn."

Năm 2000, nguyên Thủ tướng đã về thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Khang. “Nhận được tin bác Khải về thăm, chúng tôi vui và cảm động lắm. Là người miền Nam tập kết ra Bắc, chỉ công tác tại Hưng Yên gần hai năm nhưng nguyên Thủ tướng vẫn nhớ mảnh đất, con người nơi đây," ông Khang cho biết. 

Khoảng Tết năm 2003, gia đình ông Nguyễn Hữu Khang một lần nữa lại vinh dự được đón nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm. Ông Khang kể mỗi lần về, bác Khải rất giản dị, thân tình, quan tâm chăm lo cho những việc ở quê nhà từ đường làng ngõ xóm đến nuôi dạy con em trong xã. 

Vị Thủ tướng cương quyết chống tiêu cực 

Trong dòng người đến viếng sáng nay, có bà Phạm Thị Mai Cương, 89 tuổi, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Chính. Bà kể nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất gắn bó với công tác tài chính. Ông là con người rất dân chủ, đạo đức, các chỉ đạo của ông luôn được nhiều người ủng hộ.

Khi ông làm Thủ tướng, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu mở cửa, vì thế cơ chế cũ và cơ chế mới đan xen, gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần làm việc tích cực, dân chủ, cởi mở, nguyên Thủ tướng luôn chú trọng mở rộng mối quan hệ giữa các nước, lắng nghe ý kiến của các thế hệ, trong đó có cả những người lớn tuổi, người trẻ tuổi để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp.

Đặc biệt, nguyên Thủ tướng rất quan tâm đến các doanh nghiệp, bởi đây là lực lượng chủ yếu giúp kinh tế đất nước phát triển. Điều đáng chú ý, thời kỳ mở cửa nên cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, nhiều người lợi dụng để trục lợi, trước tình trạng này, nguyên Thủ tướng luôn quyết liệt chống tiêu cực, nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải thực sự trong sạch, sống có đạo đức. Chính vì vậy, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn được nhiều người nể phục. 

Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN).
Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN).

Chia sẻ những kỷ niệm trong 9 năm được phục vụ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ khi ông còn giữ trách nhiệm Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Quốc Khanh, nguyên chuyên viên Văn phòng Chính phủ đánh giá Thủ tướng Phan Văn Khải là con người đức độ, tình cảm nhưng lại kiên quyết xử lý những vấn đề sai phạm.

Thời gian làm Phó Thủ tướng phụ trách Thuế, Hải quan, ông rất xông xáo, đến từng vùng, tận nơi xây dựng nhiều cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực mà mình đảm nhiệm...

Khi giữ trọng trách Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã xây dựng chính sách giải tỏa cho doanh nghiệp, đi sát từng cơ sở để xây dựng Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong thời gian làm việc, ông cũng rất tình cảm, thương, quý cán bộ, người nào cố gắng làm việc đều được tạo điều kiện để phát triển.

Rưng rưng xúc động, ông Nguyễn Quốc Khanh đọc bài thơ do mình tự viết, với mong muốn bày tỏ tình cảm trân trọng kính viếng Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: "Viếng anh Sáu Khải mấy vần thơ/ Ra đi... văng vẳng tiếng chuông chùa.../ Mất đi giọng nói đầy nhân ái/ Đem lại cho đời vạn ước mơ/ Về cõi vĩnh hằng tuổi 85/ Cả đời giản dị, sống chuyên cần/ Dâng hiến sức mình cho dân, nước/ Lặng lẽ nghiêng mình cõi dương-âm/ Hôm nay vào đúng dịp đầu xuân/ Bao nhiêu sự sống mới ươm mầm/ Chia tay nhớ mãi người anh cả/ Đã giúp ngày mai sáng vạn lần".

THEO THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM