Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh và ba điều day dứt trong cuộc đời

27/07/2014 10:52
Ngọc Quang
(GDVN) - Sau 47 năm binh nghiệp và dù đã nghỉ hưu, vị tướng già vẫn luôn day dứt khi nhắc tới hàng nghìn đồng đội hy sinh năm xưa, nay chưa tìm thấy hài cốt.

Tôi đến thăm Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vào buổi chiều thứ 7 ngày 26/7. Mưa tầm tã! Mưa như trút nước! Như để khóc thương những người anh hùng, những chiến sĩ quả cảm đã về với đất mẹ, để đất nước lại được yên hàn.

Ra tận cổng đón tôi, vị tướng già nhìn lên bầu trời đẫm nước, rồi bảo: “Mình luôn thấy day dứt với anh linh đồng đội và cả với những người còn sống”.

Tướng Rinh quê ở thôn Đồng Kênh, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Những năm tháng kháng chiến chống Pháp, quê ông nằm trong vùng tạm chiếm. Trong một trận càn của địch vào tháng 10/1950, cha ông là du kích địa phương cùng các đồng đội đã chiến đấu anh dũng và hy sinh.

Rồi ông về ở với ông bà nội, được học vỡ lòng, nhưng vừa học vừa chạy, vì bom đạn và những trận càn vẫn thường diễn ra. Là con trai một của liệt sĩ, ông được miễn đi bộ đội, nhưng vào năm 1961 ông đã tình nguyện nhập ngũ, theo gương cha để bảo vệ đất nước.

Tướng Rinh chia sẻ: “Chiến tranh qua đi và những người còn sống như bọn mình được trở về với gia đình, được học tập và có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay là quý giá lắm. Trong những trận đánh ác liệt ngày ấy, hòn tên mũi đạn chẳng chừa ai, và cũng chẳng ai giành sự sống cho riêng mình”.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh luôn day dứt vì còn nhiều hài cốt các chiến sĩ chưa tìm thấy.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh luôn day dứt vì còn nhiều hài cốt các chiến sĩ chưa tìm thấy.

Suốt cuộc đời binh nghiệp, tham gia hàng trăm trận đánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tướng Rinh nhớ nhất chiến dịch Mậu thân (1968) và những trận đánh ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (ngày 30 và 31/1/1968), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn, Huế và nhiều thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã làm lung lay ý chí xâm lược của một siêu cường, làm cho chính quyền Mỹ sững sờ, choáng váng; giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm rung chuyển nước Mỹ, buộc họ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân viễn chinh ra khỏi miền Nam, chấp nhận thương lượng để có thể kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Nhớ lại những trận đánh ác liệt năm ấy, Tướng Rinh bồi hồi xúc động khi nhắc lại câu chuyện đơn vị dừng chân tại trạm giao liên Cự Nẫm, Lệ Thủy (Quảng Bình) đã được các mạ, các chị mang bánh chưng, quà Tết tặng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ăn Tết trước khi vào trận đánh.

“Ở đất lửa, nơi cây lúa, ngọn lang phải lách mảnh bom, mảnh đạn mới mọc lên được thì tấm bánh chưng mà các mạ, các chị mang cho chúng tôi trĩu nặng nghĩa tình. Tình cảm ấy như lời động viên những người lính lần đầu xung trận thêm quyết tâm giết giặc lập công”, Tướng Rinh nhớ lại.

Rồi, giọng ông trùng hẳn xuống, đôi mắt như ngấn lệ: “Chiến thắng rồi, giải phóng rồi, nhưng hy sinh nhiều quá, anh em chiến sĩ tuổi đời chỉ mới mười chín, đôi mươi đã ngã xuống để giành lại độc lập cho tổ quốc, đó là những điều đáng quý nhưng cũng thật xót xa”.

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Tướng Rinh được cử đi học tại Học viện Lục quân, tham gia chiến đấu tại chiến trường B5 với cương vị Trung đoàn phó Trung đoàn 3, Đoàn B25, Quân khu Trị Thiên. Hơn 40 năm đã trôi qua, những trận đánh ác liệt nhất để giành giật từng tấc đất và phóng Thành cổ Quảng Trị (1972) luôn in đậm trong tâm khảm của vị Tướng già.

“81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, giặc Mỹ đưa vào hơn 100 máy bay B52, chưa kể các loại pháo biển và máy bay khác. Chúng đã ném xuống dải đất Quảng Trị này hàng chục nghìn tấn bom, và nơi đó là một trong những chiến trường bộ đội ta hy sinh nhiều nhất.

Dòng sông Thạch Hãn hiền hòa giờ đây chính là nơi ghi chứng cho sự hy sinh anh dũng của hàng nghìn chiến sĩ năm ấy. Những năm sau này, mỗi dịp có điều kiện đến Quảng Trị hay chỉ đi ngang qua đây, tôi cũng phải thu xếp bằng được thời gian thắp nén nhang cho vong linh các anh em đồng đội”, Tướng Rinh chia sẻ.

Tướng Rinh kể rằng, ở Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hôm nay đang lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử của một thời khói lửa, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, dù biết ngay hôm nay đây hoặc ngày mai mình có thể hy sinh nhưng các chiến sĩ vẫn anh dũng hiên ngang.

Mỗi khi đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị, nhìn qua dòng sông Thạch Hãn, thật xúc động khi nhớ đến những vần thơ của tác giả Lê Bá Dương: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Ở đó, nhiều người xem đã bật khóc khi đọc lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (quê ở xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình): “Toàn thể gia đình kính thương... Con viết mấy dòng cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”. Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng ở bên mẹ, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau…”.

Người lính trẻ Lê Văn Huỳnh viết bức thư cuối cùng vào ngày thứ 77 của chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, gửi cho mẹ và người vợ mới cưới 7 ngày, cho anh trai, chị dâu, cho cha mẹ vợ và đứa cháu đích tôn... Nhưng bức thư ấy anh không kịp gửi. Bức thư có đoạn: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh. Từ thị xã, qua cầu ngược trở lại hỏi thăm đường về thôn Nhan Biều I. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”.

Kể đến đây, Tướng Rinh xúc động, đôi mắt ông lại chừng như có nước. Ông bảo, ngoài 70 tuổi rồi nhưng ông còn ba điều day dứt cả với những người còn sống và những anh em đã ngã xuống: “Trước kia, mình từng có 10 năm là thành viên Ban công tác đặc biệt của Chính phủ, làm nhiệm vụ quy tập hài cốt anh em chiến sĩ từ các chiến trường xưa, nhưng cho đến giờ khi mình đã nghỉ hưu thì vẫn còn hàng nghìn anh em chưa được tìm thấy cả ở chiến trường trong nước, rồi ở Lào và Campuchia.

Chiến tranh đã trôi qua lâu rồi, nhưng bây giờ còn nhiều gia đình không tìm thấy con em mình mà vẫn chưa được ghi nhận vậy phải tình thế nào? Rồi lại có cả những trường hợp được truy tặng nhưng chưa kịp nhận thì đã qua đời… Chúng ta rất cần có chính sách linh hoạt để những người còn sống được an ủi phần nào.

Cả nước mình bây giờ còn hơn 1 triệu anh chị em bộ đội và thanh niên xung phong nhiễm chất độc da cam, và nếu tính tổng số người bị nhiễm qua nhiều thế hệ thì có hơn 3 triệu người. Họ nghèo, vì không thể lao động được. Cuộc sống vô cùng khó khăn, cùng cực. Tôi rất mong Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa tới họ”.

Ngọc Quang