Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Tiết lộ đau lòng tại nơi đàn ông Việt khóc ròng vì không tìm được vợ

09/11/2012 07:08
Huệ Nguyễn
(GDVN) - "Một năm mỗi lứa tuổi có khoảng 60 cô gái thì phải 50 người đi lấy chồng nước ngoài theo hình thức tuyển chồng, còn lại khoảng hơn 10 người ở lại học và lấy chồng nước mình. Những chị em xấu xí, già yếu, người ế, kể cả những người có dị tật cũng đi được hết. Sau một thời gian trào lưu ấy “bùng nổ” thì tới nay ở xã gần như hết con gái".

Xã Lập Lễ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) là một trong những điểm “nóng” về trào lưu con gái lấy chồng nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hải Phòng nói chung và huyện Thủy Nguyên nói riêng. Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã về vấn đề này.

Chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Lập Lễ
Chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Lập Lễ

Cận cảnh một ngày thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc của thiếu nữ đất Cảng

Điểm mặt các 'Tú bà' trong đường dây tuyển gái Việt lấy chồng Hàn

PV: Chị có thể điểm qua tình trạng hôn nhân vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia trên địa bàn xã mình?

Chị Vũ Thị Ngọt: Trước năm 2001, con gái ở xã phần lớn đi lấy chồng Đài Loan. Từ năm 2004 đến nay thì chuyển sang đi Hàn Quốc nhiều hơn.

Một năm mỗi lứa tuổi có khoảng 60 cô gái thì phải 50 người đi lấy chồng nước ngoài theo hình thức tuyển chồng, còn lại khoảng hơn 10 người ở lại học và lấy chồng nước mình. Những chị em xấu xí, già yếu, người ế, kể cả những người có dị tật cũng đi được hết. Sau một thời gian trào lưu ấy “bùng nổ” thì tới nay ở xã gần như hết con gái. Cũng có chị không đi năm đó nhưng hai, ba năm sau khi đã học hành xong cũng sẽ lại đi.
Trong mỗi buổi tuyển có 2 – 3 chàng rể về nhưng rất nhiều các cô gái tới ứng tuyển. Họ không chỉ là người của địa phương mà còn từ nhiều tỉnh, thành khác cũng được bà mối dẫn về.

PV: Số lượng con gái của xã đi lấy chồng nước ngoài tương đối nhiều, trong số họ có ai thất bại trong hôn nhân?\

Chị Vũ Thị Ngọt: Ở Lập Lễ chưa có hiện tượng cô dâu Việt bị giết hại nên người dân vẫn tiếp tục đi tuyển chồng. Theo thống kê của Hội liên hiệp Phụ nữ xã thì tới giữa năm 2012, trên địa bàn xã có 35 phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã trở về vì nhiều lý do: cuộc sống vất vả; lấy phải chồng thần kinh, lúc chồng lên cơn quay sang đánh đập vợ; mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đã đẩy lên tới đỉnh điểm…


Cận cảnh một ngày thi tuyển lấy chồng Hàn Quốc của thiếu nữ đất Cảng

Điểm mặt các 'Tú bà' trong đường dây tuyển gái Việt lấy chồng Hàn


Những người trở về, một số có giấy tờ đủ lại đi lấy chồng ngay. Họ cũng có thể quay về nước mà mình đã từng làm dâu hoặc sang một nước khác như Đài Loan, Singapore… Một số ở lại Việt Nam lấy chồng. Lập Lễ giờ có 4 trường hợp các chị trở về Việt Nam nhưng không có giấy ly hôn, 01 trường hợp bị trục trặc giấy tờ nhưng giờ đã giải quyết được.

PV: Là tổ chức bảo vệ quyền lợi cho chị em phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã có những biện pháp gì nhằm giúp chị em đã, đang và sẽ lấy chồng Hàn Quốc có những nhận thức đúng đắn nhất về “trào lưu” này?

Chị Vũ Thị Ngọt: Lấy chồng nước ngoài, hiện tại là lấy chồng Hàn Quốc đã trở thành niềm mơ ước của nhiều cô gái mà chưa thể dập tắt được. Hội Phụ nữ xã cũng đã có những buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp với tất cả mọi trường hợp liên quan tới lấy chồng nước ngoài để nâng cao nhận thức cho mọi người, từ 4 không (không biết ngôn ngữ, không biết phong tục tập quán, không biết nền văn hóa, không biết pháp luật, không hiểu về chồng và gia đình chồng) thành 5 biết (biết ngôn ngữ, biết phong tục tập quán, biết nền văn hóa của nước mình sẽ tới, biết về gia đình chồng và người chồng của mình, biết những ca điển hình thành công và thất bại của xã).

100 % chị em đều tham dự những buổi tư vấn ấy. Có những chị về thăm gia đình cũng được tư vấn.

PV: Qua những buổi tư vấn trực tiếp, nghe tâm sự của họ, thực tế chị em đi lấy chồng nước ngoài có được cuộc sống hạnh phúc?

Chị Vũ Thị Ngọt: Trong mỗi buổi tư vấn chúng tôi đều nhấn mạnh: “Các chị không nói mong muốn, ước mơ và thực tế đối đãi bên đó như thế nào thì không ai có thể giúp được các chị”, nhưng cũng chỉ những người trở về là cởi lòng. Những người đang sống bên đó vẫn rất tự hào về cuộc sống sung sướng của mình. Nhưng thực tế để có được sự sung túc đó, hàng ngày họ phải lao động từ 12 tiếng trở lên.

Nhiều trường hợp ở Việt Nam các mối tư vấn một kiểu nhưng thực tế sang đó cuộc sống lại hoàn toàn khác, không phải là thành phố, thủ đô mà chỉ là những vùng quê hẻo lánh, nghề chính là làm nông nghiệp.

Nhưng chúng tôi không phủ nhận diện mạo của xã có được như ngày hôm nay với những ngôi nhà cao tầng, một phần là do con gái lấy chồng nước ngoài gửi về cho bố mẹ xây nhà.


Huệ Nguyễn