Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Tiết lộ sự thật về dòng kênh "nuốt người" ở TP. HCM

11/12/2012 13:34
Theo xahoi.com.vn
Kênh Tàu Hủ, dài 22km nằm vắt ngang giữa TP.HCM trải dài trên địa bàn 8 quận huyện. Nó được mệnh danh là kênh “nuốt người” vì có rất nhiều người chết đuối.

Người ta tin rằng có một “lời nguyền” đang ứng nghiệm biến dòng kênh hiền hòa này thành cái bẫy người đáng sợ.

Kênh Tàu Hủ đã hơn 200 năm tuổi, từ thời vua Gia Long cho nạo vét con rạch để thuyền bè khắp chốn rộng nẻo giao thương. Theo dòng chảy thời gian và nhịp phát triển, kênh Tàu Hủ bây giờ đen ngòm, sặc mùi. Cả một dòng kênh toát lên vẻ u tịch đáng sợ.

Vớt xác trên Kênh Tàu Hủ
Vớt xác trên Kênh Tàu Hủ

Những cái chết lỳ lạ và khởi phát "lời nguyền"

Nhắc đến dòng kênh này, người dân xung quanh đều nghĩ ngay đến những vụ chết đuối liên tiếp xảy ra. Đặc biệt, những vụ chết đuối tập trung chủ yếu ở các quận 1, 5, 8. Những người lớn tuổi đều cho biết người xưa kể lại là từ thuở sơ khởi, con kênh này hiếm khi xảy ra chết người. Cho đến vài chục năm trở lại đây mới xảy ra nhiều. Dọc bờ kênh Tàu Hủ đoạn qua Q.8, người ta truyền miệng nhau một câu chuyện ly kỳ: Chuyện kể rằng non 30 năm trước, một cặp tình nhân yêu nhau thắm thiết thường ra bờ kênh thề non hẹn biển. Họ trao thân cho nhau và quyết định thành chồng vợ.

Nhưng hai bên gia đình kịch liệt ngăn cấm và cả hai gia đình đồng thuận buộc cô gái phải phá bỏ cốt nhục trọng bụng. Vì thương sinh linh nhỏ bé, họ không nỡ  phá đi. Hai gia đình từ chỗ ngăn cấm không được nên từ mặt, không nhìn họ làm con nữa. Cái thai trong bụng lớn dần. Cô đơn và đau khổ, họ đến dòng kênh Tàu Hũ ôm nhau gieo mình xuống dòng nước tự vẫn. Từ đó, dòng kênh trở nên u ám, đáng sợ.

Đôi tình nhân bất hạnh ngày trước ra đi gieo vào dòng kênh một sự thù oán ghê gớm. Mối hận gia đình thành lời nguyền lan tỏa. Người ta tin rằng những vụ tai nạn hay tự tử tại dòng kênh này đều do đôi vợ chồng trẻ “điều khiển”.

Ông Hoàng Xuân Tình, 55 tuổi hành nghề xe ôm là người xác thực với tôi câu chuyện dân gian truyền miệng. Ông còn kể về những cái chết rất kỳ lạ. Gần nhất là vài tháng trước có một thanh niên không biết từ đâu đến dựng xe máy trên lề đường rồi lao mình xuống dòng kênh. Hàng chục người phải vất vả lắm mới ngăn cản được người này. Sau khi ngồi xuống ghế trong quán cà phê, anh ta như người mới tỉnh lại, cười nói rồi hỏi chuyện gì vừa xảy ra. Được một lúc, khi những người xung quanh không để ý, anh thanh niên mắt long lên sòng sọc, mặt mũi đỏ hoe chạy một mạch ra cầu gần đó, lao mình xuống dòng nước. Mọi người bất ngờ nên không ai cứu kịp! Ba ngày sau, xác người trai trẻ được một dòng xoáy giữ lại, nổi lên chính nơi anh nhảy xuống.

Một chuyện khác: Một đêm có cô gái trẻ ra thành cầu Nhị Thiên Đường ngồi khóc với ý định tự tử vì tình. Nhờ được mọi người khuyên ngăn nên cuối cùng cô cũng hồi tâm chuyển ý. Thế nhưng, khi cô gái trẻ vừa mỉm cười chuẩn bị leo xuống đường thì bỗng bị trượt chân ngã xuống dòng nước xiết và bị cuốn trôi nhiều ngày sau mới tìm thấy xác.

“Người ta nói đó là những người chết oan. Họ không thật sự muốn chết nhưng bị “hà bá” bắt đi. Ai cũng tin như vậy hết” – ông Tình chắc mẩm.

Chúng tôi tìm đến bến Mễ Cốc, theo chuyện kể là nơi đôi tình nhân trẻ ngày trước gieo mình xuống. May mắn gặp được ông Nguyễn Hữu Trung 76 tuổi sống ở khu vực này. Ông khẳng định chuyện đó là có thật và ông cũng từng chứng kiến. “Tôi sống ở đây cả đời, hồi bé đi học về còn cùng đám bạn rủ nhau ra đây tắm, nước kênh ngày đó trong và xanh lắm, còn bây giờ thì đen ngòm chết chóc”. Ông kể tiếp tại cái bến Mễ Cốc này trẻ em chết đuối rất nhiều, có lúc hai ba anh em trong một nhà chết cùng lúc. Người dân ở đây tin rằng người mẹ gieo mình xuống nước mang trong mình hài nhi trước đây đã bắt các em nhỏ xuống làm bạn với con mình!

Chỉ có những gia đình mới đến chưa biết chuyện mới để trẻ con ra bến chơi và những vụ chết đuối đau lòng xảy ra liên tiếp. “Tôi sống và sẽ chết ở đây, tin tất cả những chuyện liên quan đến dòng kênh này. Nó đổi thay quá nhiều từ hiền hòa thành đáng sợ và không biết sẽ còn gây ra bao nhiêu cái chết thương tâm nữa”- ông Trung nói rồi nhìn ra dòng kênh cười hiu hắt.

Nỗi ám ảnh ở dòng kênh "nuốt người"

“Chuyện người chết ở dòng kênh này xảy ra như cơm bữa. Ít bữa lại có một cái xác nổi lên, dân sống xung quanh hãi hùng lắm”- anh Nguyễn Ngọc Minh, hành nghề xe ôm sống dọc kênh Tàu Hủ, khu vực Q.5 cho hay. Chỉ vài tháng trở lại đây đã có gần chục người chết đuối. Nguyên nhân thì nhiều nhưng có những vụ rất lạ lùng.

Ví như có cụ già đi tập thể dục không may té xuống kênh chết, có người nhậu dọc bờ kênh say túy lúy ngã xuống cũng mất mạng. Hay gần nhất, một cụ già đi xe đạp mất phanh, loạng choạng ngã nhào xuống kênh tử vong. Chúng tôi dành nhiều ngày đi dọc con kênh như một con lươn uốn lượn giữa lòng thành phố. Rùng mình bởi hai bên bờ kênh dốc gần như thẳng đứng, lại không có hàng rào bảo vệ, như những cái bẫy chờ chực kéo người ta xuống.

Thượng tá Phạm Văn Hùng, Trưởng phòng Cứu hộ - cứu nạn, Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết: Vài năm trở lại đây, có 90 vụ chết đuối xảy ra trên kênh Tàu Hủ, đoạn từ Q.1 đến Q.8, trong đó lực lượng chức năng tìm thấy 54 thi thể. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã xảy ra 17 vụ, tìm được 14 thi thể. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do bờ kè rất dốc và trơn trợt, nhiều đoạn không có rào chắn. Thiết kế bậc thang dọc bờ kè quá ít và cách xa nhau nên người ngã xuống khó có cơ hội leo lên được. “Mỗi lần nhận được điện thoại báo có chết đuối là một lần xót xa. Có những vụ hai ba đứa trẻ trong một nhà chơi đùa không may ngã xuống chết cùng lúc, quá đau xót”- ông Hùng nói.

Tiet lo su that ve dong kenh nuot nguoi o TP HCM

Kênh Tàu Hủ

Anh Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cứu hộ - cứu nạn, người trực tiếp trục vớt rất nhiều xác chết trên kênh Tàu Hủ cho biết thêm: Dòng kênh này kể từ cầu chữ Y phân thành hai nhánh, nước chảy rất xiết. Thông thường, mỗi vụ chết đuối thường mất 3 giờ đồng hồ để lặn tìm nhưng cũng có những trường hợp mất rất nhiều thời gian vì bị nước cuốn đi. “Nước kênh quá đen nên phương tiện kỹ thuật cao không hữu dụng, việc lặn tìm xác người chết đuối chủ yếu là thủ công” - anh kể. Ở các nước, có camera hồng ngoại lần tìm xác chết rất nhanh nhưng ở ta quá ô nhiễm nên đội người nhái ngụp xuống kênh rạch phải đào bới mò mẫm từng chút một cho đến khi tìm thấy xác. Nhiều lúc xác người nằm lẫn trong những đống rác to cuồn cuộn giữa lòng kênh, phải đào bới lần mò rất lâu mới vớt lên được.

Người nhái đụng phải mảnh chai lọ vỡ, vật sắc nhọn đâm vào tay chân, tứa máu là chuyện thường ngày. Người nào cũng nhằng nhịt sẹo. “Làm việc này cần nhất kiên nhẫn, lúc đầu có hơi sợ nhưng dần rồi quen hết” - anh tâm sự. Chỉ có điều là những thi thể cứng đờ trắng bệch đưa lên từ dòng kênh Tàu Hủ ngày một nhiều lên khiến người ta cứ ám ảnh, day dứt khôn nguôi.

"Tiểu sử" Kênh Tàu Hủ

Kênh Tàu Hủ nguyên trước là một con rạch nhỏ bị cạn, hẹp lại nên vào năm 1819 vua Gia Long hạ lệnh cho Phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý chỉ huy đào vét thành kênh và đặt tên là An Thông Hà cũng gọi là Kinh Mới và vì chảy ngang Chợ Lớn nên còn gọi là rạch Chợ Lớn.

Trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885) , Trương Vĩnh Ký viết: “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hằng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hóa chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc để bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn”. Theo Huỳnh Tịnh Của thì Tàu Khậu là giọng người Triều Châu phát âm từ Thổ Khố, tức là khu nhà lớn bằng gạch để chứa hàng hóa, sau đọc trại ra thành Tàu Hủ.

Nhiều tài liệu cho rằng kênh Tàu Hủ được nạo vét thêm hai lần vào các năm 1887 và 1895, rồi sau đó được làm rộng thêm lần thứ ba vào năm 1922. Trên bờ kênh, phía đông nam là thôn Bình Đông, phía tây bắc là thôn Bình Tây, năm 1820 (thời vua Minh Mạng) cả hai thôn thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Từ tên thôn, Bình Đông thành tên bến ở bờ đông kinh Tàu Hủ, chính thức là từ năm 1955 cho đến nay. (Trích Saigon -Cholon xưa và nay)

Một số phương pháp cứu thủy nạn

- Nạn nhân nằm ngửa, người cứu hộ bơi ở phía sau nạn nhân, một tay dùng để bơi, một tay vắt lên ngang ngực xốc chéo qua nách bên kia. Bơi kiểu nhái đưa họ vào bờ. Kiểu này khiến người cứu hộ khá mệt, nhưng làm cho nạn nhân được an toàn tuyệt đối.

- Nâng cằm nạn nhân cho nằm ngửa hẳn mặt lên, như thế mũi (cơ quan hô hấp) của nạn nhân sẽ được thoát ra khỏi mặt nước. Phương pháp này dùng cho những nạn nhân có cơ thể hơi mập. Người cứu hộ có thể dùng tay còn lại để bơi vào bờ cho nhanh.

- Từ phía sau, người cứu hộ dùng tay nắm ngay chùm tóc phía trên trán, giựt ngửa đầu nạn nhân ra đằng sau. Phương pháp này dùng để cứu các bạn nữ rất có lợi.

- Nếu nạn nhân đã bất tỉnh thật sự, ta có thể dùng hai tay nâng đầu nạn nhân nổi lên mặt nước, bơi ngửa bằng 2 chân và kéo vào bờ

- Nếu nạn nhân có trọng lượng nhẹ hơn ta và đã bất tỉnh, ta có thể bơi ngửa, dùng ngực để đỡ đầu nạn nhân, hai tay xốc dưới nách cho nạn nhân nằm sải với tư thế thoải mái. Hai chân đạp kiểu nhái đưa nạn nhân vào bờ.

Theo xahoi.com.vn