Tính xấu người Việt:

Tính xấu người Việt: Khi tình người không bằng… chai nước ngọt (P1)

08/10/2012 06:25
Nhóm phóng viên Ban xã hội
(GDVN) - Trước sự van nài của một người thanh niên bị rơi tiền, những con người hàng ngày phải sống nhờ những hành khách ở bến xe vẫn cười rất khoái trá dứt khoát không trả lại…
Bến xe khách Mỹ Đình 15h30 chiều, người ra kẻ vào, ai cũng vội vã với hành trình của riêng mình. Trong vai những hành khách về quê vội vàng, nhóm phóng viên Ban xã hội, Báo Giáo dục Việt Nam đã được mục sở thị những cảnh tượng thật đau lòng ở bến xe Mỹ Đình mà "những nhân vật chính" không ai khách chính là cánh xe ôm hàng ngày vẫn kiếm ăn ở đây.
Trong vai một người khách vội vã bắt xe về quê, phóng viên đã thử đánh rơi 30 nghìn đồng. Điều đáng nói, sự việc ấy diễn ra ngay trước mặt một số người làm nghề xe ôm tại đây. Họ không ngần ngại tranh nhau ùa vào “hôi của”, thậm chí tranh cướp với nhau bằng được. Mặc dù, tiền mới chỉ rơi khỏi túi phóng viên chưa được nổi 1 phút, ngay lập tức đã có hai người hành nghề xe ôm lao đến giật vội để nhét vào túi thay vì gọi người làm rơi để trả lại. Tuy nhiên, một người đã nhanh tay, nhanh mắt hơn giật được. Quyết không để người xe ôm kia "ăn mảnh", hai xe ôm còn lại cũng búa xua xông vào. Cuối cùng, sự phân chia “lợi nhuận” thông qua việc "hôi của" của người đánh rơi được giải quyết "ổn thỏa" trong hòa bình bằng phương án… mua ngay nước ngọt uống. Chỉ 2 phút sau đó, phóng viên đã xuất hiện để xin lại tiền đánh rơi. Tuy nhiên, đám xe ôm chỉ đáp lại bằng tiếng cười hô hố khoái trá và trả lời gọn lỏn: "Tiền uống nước rồi". Mặc dù, phóng viên trong vai người mất tiền "trình bày" chỉ còn những đồng bạc lẻ cuối cùng dùng để mua vé xe về quê nhưng đám xe ôm tuổi đời còn khá trẻ vẫn dửng dưng và còn bỡn cợt trêu tức. Mặc cho phóng viên nằn nì, những tay xe ôm tay cầm chai nước ngọt, mồm thì liến thoắng nói "không liên quan" và đổ tội vòng quanh cho nhau. Cuối cùng, đám xe ôm tản ra hết mặc kệ người mất tiền có về được quê hay không.

Video xe ôm nhặt được tiền thản nhiên "xử lý nhanh" bằng cách mua nước ngọt uống mặc người bị mất tiền van nài
Một người khách đứng gần đó rỉ tai tôi: “30 nghìn thì tốt nhất đừng bao giờ mong lấy lại được. Vừa mới đây có một em gái lên xe buýt rơi 200 nghìn, xe ôm nhìn thấy và tới nhặt nhưng họ cũng có trả lại đâu, thế nên 30 nghìn này bảo bạn ấy tốt nhất là bỏ qua, gọi bạn bè ra đưa tiền mà mua vé về quê thôi”. 
Tiếp tục cuộc “thử nghiệm” tình người ở bến xe Mỹ Đình, nhóm phóng viên tiếp tục đánh rơi tiền ở trước sảnh chính của bến xe Mỹ Đình. Thực sự quá bất ngờ khi tiền chỉ mới rơi chạm đất, thay vì nhắc người đánh rơi tiền, ngay lập tức vài người xe ôm dù đứng trước mặt người mất đã “chạy như ma đuổi” chồm chồm lên nhau để nhặt tiền…
Nhanh tay, nhanh mắt vồ tiền của người đánh rơi
Dường như hành động này của cánh xe ôm đã trở thành phản xạ, trong mọi lúc, mọi nơi, họ đều có thể nhảy vào “hôi của” không cần biết đối tượng mất tiền là ai, nghèo hay giàu và đương nhiên không hề muốn trả lại cho khổ chủ.
Hiếm hoi mới có những người tốt trả lại tiền khi 
người mất quay lại tìm
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tất cả đều là những con người xấu. Trong quá trình “thử nghiệm” lòng tham của con người ở những nơi đông đúc nhất như bến xe Mỹ Đình, vẫn có những con người sẵn sàng trả lại tiền cho người làm rơi bằng mọi giá… Nhưng dường như, số người đó quá ít ỏi giữa những đám đông luôn sẵn sàng ào tới như muốn nuốt chửng con mồi, “xử lý” rất nhanh món đồ người khác làm rơi (!?)
Nhóm phóng viên Ban xã hội