Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư năm 2013

13/12/2013 15:11
Thiện Ân/Giadinh.net
(GDVN) -Từ năm 2008, Bộ Y tế, Bộ VH -TT&DL và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết kế hoạch liên tịch thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng khu dân cư”.
Mục tiêu chung của phong trào là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% và tăng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 - 49 có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2020…

Nhiều địa phương tích cực phát động phong trào

Cuối tháng 7, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” năm 2013. Qua 5 năm, Đà Nẵng có 100% xã, phường triển khai phong trào này. Trong đó, các xã, phường đã thành lập 115 nhóm nòng cốt tại các khu dân cư trọng điểm và duy trì hoạt động thường xuyên. Đây chính là yếu tố đóng vai trò quyết định đến hiệu quả phong trào. Thông qua đó đã góp phần làm giảm số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS và số người chết do AIDS hàng năm. Đồng thời, giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Nhiều bạn trẻ hưởng ứng phong trào phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Ảnh: TL.
Nhiều bạn trẻ hưởng ứng phong trào phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng. Ảnh: TL.

Cũng cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2013 – 2020 cho cán bộ mặt trận, y tế và văn hóa ở các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng chương trình phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, tích cực chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đồng thời, động viên họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả. Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 80% xã, phường, thị trấn và 70% khu dân cư triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS” và đến năm 2020 có 100% xã, phường, thị trấn và ít nhất 90% khu dân cư triển khai.

Theo báo cáo của ngành y tế Lạng Sơn, trong tháng 7 đã xét nghiệm 2.064 mẫu máu và phát hiện có 11 mẫu dương tính với HIV, trong đó có 6 nam và 5 nữ (có 1 trẻ em), đưa tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện từ đầu năm đến nay lên 46 trường hợp, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2012. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS đã tăng lên, những kiến thức của họ về HIV/AIDS cũng tăng nhờ có các hình thức truyền thông phù hợp, sát với người dân. Vì vậy, số người nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm đi làm xét nghiệm cũng tăng lên.

Phát huy mô hình điểm

Theo các địa phương, công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy và mại dâm còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí thiếu và chậm được bố trí, một số quy định trong quy trình điều trị cai nghiện bằng Methadone chưa hợp lý…

Từ thực tiễn địa phương, đại diện một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiến nghị đổi mới công tác chỉ đạo, bố trí nguồn lực, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân ở những vùng trọng điểm về trồng cây thuốc phiện; Tăng cường các biện pháp huy động được các nguồn lực xã hội tạo việc làm, giúp người sau cai nghiện, người bán dâm, người có HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng…

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành trong nhiều năm qua, các mô hình “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Gia đình, dòng họ không có người vi phạm pháp luật”, “Khu dân cư không có người nhiễm HIV/AIDS”, “Gia đình, dòng họ không có người nghiện ma túy, không có người nhiễm HIV/AIDS”, “Xứ đạo bình yên”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh”... đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác phòng, chống tệ nạn ở cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2012, kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy và mại dâm chưa bền vững, còn phức tạp, kinh phí thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều vấn đề tồn tại cần tìm nguyên nhân, cách làm mới và kinh nghiệm tốt trong thời gian tới.

 Năm 2013 cần tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, xã hội hóa nguồn lực, nhất là nhân rộng mô hình kết hợp công tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đi liền là áp dụng chế tài cần thiết để xử lý vi phạm; đưa ra cách làm mới, hiệu quả hơn… để toàn dân tham gia phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm, với các biện pháp tổng hợp, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra./.
Thiện Ân/Giadinh.net