Tôi đánh giá cao trách nhiệm, sự quyết liệt của Bộ trưởng Giáo dục

02/11/2018 06:11
Đỗ Thơm
(GDVN) - 3 ngày chất vấn của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ hợp thứ 4 với nhiều phần tranh luận sôi nổi, thẳng thắn.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đã chia sẻ những đánh giá của bà về vấn đề giáo dục được các đại biểu nêu tại phiên chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá ngành giáo dục thực tế có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, chỉ đạo quyết liệt nhưng hiệu quả là một vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Đ.T
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Đ.T

“Có những vấn đề đại biểu chất vấn cần thời gian mới xử lý được. Tuy nhiên, cũng có một số vấn đề có thể thực hiện được luôn.

Ví dụ như việc lãng phí sách giáo khoa. Không phải ra một chỉ thị là không vẽ vào có thể giải quyết được. Bởi vì, sách hướng dẫn hẳn là hãy viết, hãy vẽ vào đó.

Bộ trưởng Giáo dục đã trả lời khẳng định là sách giáo khoa mới sẽ thiết kế sao cho không được viết, vẽ vào.

Tôi đánh giá cao trách nhiệm, sự quyết liệt của Bộ trưởng”, đại biểu Hải nói.

Tuy nhiên, theo vị Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, vấn đề ở đây là việc vẽ vào sách giáo khoa đã xảy ra 16 năm rồi tại sao không giải quyết sớm.

Có nhiều đại biểu đã chất vấn từ những năm 2005, từ thời các Bộ trưởng trước, ở đây là phải tìm trách nhiệm, sự lãnh đạo điều hành, chỉ đạo như thế nào.

Người dân biết lãng phí, xã hội biết lãng phí, học sinh biết nhưng người quản lý vẫn bảo không lãng phí chưa giải quyết.

“Vì vậy, phiên chất vấn rà soát lại như lần này của Quốc hội để xới xáo lên. Và vấn đề sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hết sức quyết liệt.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trả lời đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh.

Bản thân tôi cũng theo dõi vấn đề này, tôi thấy Bộ trưởng trả lời và nhận trách nhiệm, có giải pháp để làm sao khi làm sách giáo khoa mới tới đây có thể tiết kiệm, sử dụng được nhiều lần hơn”, đại biểu đánh giá.

Đại biểu đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giáo dục kỳ này sẽ mang lại kết quả tốt.

"Giá như sự quyết liệt này sớm hơn, lắng nghe đại biểu cử tri thì kết quả sẽ đến nhanh hơn", đại biểu nói.

Phải làm rõ xem có âm mưu phá hoại bên trong Bộ Giáo dục hay không?

Trước ý kiến tranh luận có phần gay gắt của một số đại biểu tại 3 phiên chất vấn, bà Hải cho rằng, đại biểu đại diện cho cử tri.

Đằng sau mỗi đại biểu là trách nhiệm rất lớn.

“Họ không chỉ là đại diện cho người dân tỉnh họ làm đại biểu mà còn là đại diện cho khối ngành họ công tác.

Vì thế, việc trao đi đổi lại giữa các đại biểu Quốc hội là cần thiết. Tuy nhiên, việc trao đổi phải thận trọng.

Không nên đánh giá các đại biểu qua tranh luận giữa các bên liên quan. Có thể mỗi đại biểu có nhìn nhận vấn đề có thể khác nhau nhưng qua trao đổi, các thông tin được sáng tỏ hơn.

Đặc biệt ở đây là trao đổi thông tin với cơ quan có thẩm quyền, quản lý ngành về lĩnh vực đó được lên tiếng.

Trao đổi, tranh luận là cần thiết để làm sâu sắc vấn đề nhưng các số liệu đưa ra phải thận trọng vì đây là truyền hình trực tiếp”, đại biểu nêu quan điểm.

Về ý kiến theo dõi chất vấn cho rằng, sau mỗi phần trả lời của thành viên Chính phủ, đại biểu liền giơ biển tranh luận phải chăng phần trả lời không làm hài lòng người hỏi, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các câu hỏi có nhiều ý nên Bộ trưởng chưa trả lời hết.

Thêm nữa, có giới hạn về thời gian nên cả đại biểu, trưởng ngành đều nói khó đầy đủ.

Vì sao phiếu tín nhiệm cao của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thấp?

“Việc giơ biển tranh luận là rất bình thường và đi đến cùng của vấn đề.

Tuy nhiên, có một số câu trả lời của thành viên Chính phủ chưa đi đúng vấn đề đại biểu hỏi hoặc trả lời chưa rõ nên đại biểu hỏi lại.

Việc trao đi đổi lại sẽ cho cử tri rõ Bộ trưởng nào nắm chắc vấn đề của ngành”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải khẳng định.

Cùng đánh giá về phiên chất vấn, đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc Quốc hội đánh giá, các ngành đều có trách nhiệm trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đại biểu Phương Lan nhấn mạnh: “Hầu hết các Bộ trưởng thể hiện tinh thần trách nhiệm và chính phương thức tổ chức lần này đã góp phần việc chủ động cho các Bộ trưởng.

Tuy nhiên không tránh khỏi một số Bộ trưởng trả lời không đáp ứng được mong muốn của đại biểu, cử tri còn mong mỏi nhiều hơn.

Từng Bộ trưởng có những phần làm tôi hài lòng, có phần tôi mong muốn cải thiện.

Kinh tế - tài chính là một trong những mảng nổi bật của Chính phủ”.

Ở mảng xã hội, đại biểu Phương Lan mong muốn Chính phủ cần quan tâm hơn nữa vì yêu cầu khách quan là nhân lực cho mảng này còn ít.

Ngoài ra thì cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành, đặc biệt là trong quá trình cải cách hành chính.

Đỗ Thơm