“Tôi muốn ngư dân tiếp tục ra khơi”

28/09/2011 11:42
Theo THANH MẬN/Pháp luật TPHCM
Ông Việt kiều ấy là Johnathan Hạnh Nguyễn (Tổng Giám đốc Tập đoàn Imex Pan - Pacific). Thuyết phục mãi ông mới đồng ý cho tôi một cuộc hẹn...
Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn không quên dành thời gian để giúp đỡ quê hương bằng nhiều hành động thiết thực. Mới đây, ông đã tài trợ toàn bộ vé máy bay cho 77 ngư dân Bình Thuận từ Philippines về nước. Chiều 26-9, 44 ngư dân tỉnh Bình Thuận bị bắt tại Philippines đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất an toàn. Tính đến thời điểm này, đã có 77 ngư dân về đến VN bằng đường hàng không. Chuyến về của họ lần này được một Việt kiều lo liệu chu đáo, từ kinh phí cho đến việc đặt vé máy bay... Ông Việt kiều ấy là Johnathan Hạnh Nguyễn (Tổng Giám đốc Tập đoàn Imex Pan - Pacific). Thuyết phục mãi ông mới đồng ý cho tôi một cuộc hẹn để trò chuyện về những việc làm “không giống ai” của ông.“Cho tôi góp chút lòng với ngư dân”. Ông có thể tâm sự đôi chút về nguyên do của nghĩa cử trên? + ÔngJohnathan Hạnh Nguyễn: Khi đọc báo, biết chuyện 122 ngư dân bị kẹt hơn hai tháng trời ở Philippines, tôi thấy thương quá! Vậy là tôi gọi điện thoại ngay qua anh Tú (ông Nguyễn Vũ Tú, Đại sứ Việt Nam tại Philippines) ngỏ ý muốn góp chút lòng với ngư dân bằng cách mua 122 vé máy bay cho họ về. Anh Tú cho hay chuyện đó chưa thể tiến hành ngay. Vậy là tôi chờ. Thứ Năm tuần trước, anh Tú nhắn tin cho tôi đề nghị hỗ trợ đưa 77 ngư dân về, còn 45 người ở lại để giữ tàu và đưa tàu về sau bằng đường biển. Tôi vui quá, làm ngay. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi đã đặt vé được cho 77 người. Các ngư dân đang ở tận tỉnh Palawan, phải đến Manila rồi mới nối chuyến bay về Việt Nam. Nếu ở đó, rồi họ vẫn về được thôi nhưng phải chờ chuyển tiền qua mới mua được vé. Trong khi đó, họ đang nóng lòng gặp vợ con, người thân… Theo mức giá bình thường, tổng số tiền mua vé cho 77 người lên đến cả tỉ đồng nhưng vì trước đây tôi làm ở Philippines Airlines nên họ giảm một nửa.. Nghe nói tỉnh Bình Thuận sẽ trả lại ông số tiền này? + Tỉnh Bình Thuận cũng bảo sẽ trả tiền lại cho tôi nhưng tôi nghĩ chi 500 triệu đồng từ ngân sách đâu phải chuyện đơn giản. Vậy nên tôi trả lời: Thôi, chuyện này trong khả năng của tôi để tôi góp, mấy anh lo chuyện lớn đi, ráng lo sao cho ngư dân về có những chuyến ra khơi tốt đẹp.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (bìa phải)đón các ngư dân ở phi trường ngày 23-9. Ảnh: Trung Kiên
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (bìa phải)đón các ngư dân ở phi trường ngày 23-9. Ảnh: Trung Kiên
“Tôi thấy mình tồn tại có giá trị” . Ông có gặp các ngư dân ông đã giúp không? + Đợt đầu tiên các ngư dân xuống sân bay Tân Sơn Nhất là ngày 23-9. Có anh kể với tôi ngày sắp về quê hương, các anh mất ngủ cả đêm. Còn 8 tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ lên xe ra máy bay mà họ đã ngồi chờ sẵn ở đó. Có người về tới sân bay còn ngồi khóc, cảm ơn vì lần đầu tiên được đi máy bay, không ngờ từ đó về đây mà nhanh đến vậy (hơn 2 giờ bay). Nói thật, có tiền cũng không mua được những cảm xúc này. Lúc đó tôi thấy mình tồn tại có giá trị, ít ra là với niềm vui của họ. . Trong số những ngư dân đó, có ai là người quen của ông? + Tôi chẳng quen biết ai trong số họ. Họ đối mặt với sóng to gió lớn ngoài khơi xa; dầu dãi nắng mưa đem thủy sản về, xuất khẩu, đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế đất nước. Nhưng họ lại là những người chân chất, đáng thương, là nạn nhân của vụ lừa đảo lần này. Tôi nghĩ đơn giản thế này: Chúng ta có bờ biển giàu tài nguyên, muốn giữ nước phải giữ biển, muốn giữ biển phải giữ ngư trường, muốn giữ ngư trường phải chăm lo tốt cho ngư dân. Cách đây vài hôm, tôi vừa đóng 500 triệu đồng cho Quỹ Hỗ trợ ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi. Tôi chỉ muốn góp chút phần nhỏ bé để hỗ trợ họ. Tôi muốn nói với ngư dân rằng hãy cứ yên tâm ra khơi, đừng sợ lẻ loi. Cộng đồng xã hội luôn sát cánh bên các bạn. Tuổi thơ của tôi gắn bó với xóm chài Phương Sài (TP Nha Trang). Tôi được ăn cá tươi thường xuyên nhưng cũng thường chứng kiến bao cảnh khổ cực của ngư dân; mỗi chuyến ra khơi là một lần lo mưa bão, mất tài sản, mất người… Trường tôi học hướng ra biển. Tôi hay ngồi nhìn ra biển, thả ước mơ. Học địa lý, tôi biết từ trường của tôi mà hướng thẳng qua bên kia là San Francisco (Mỹ). Lúc đó, tôi ước mình có thể sang Mỹ du học và mang kiến thức về góp một phần cho quê hương. Người mở đường bay Việt Nam - Philippines . Tính đến nay, ông tự thấy mình đã mang điều gì có lợi nhất về cho quê hương? + Cái nào cũng có những tâm đắc riêng. Nhưng theo đánh giá cá nhân, tôi thấy việc mở đường bay TP.HCM - Manila (Philippines) là đóng góp lớn nhất. Lúc đó, tôi làm ở Philippines Airlines. Thời điểm này, việc đi lại, thông thương giữa Việt Nam với các nước còn khó khăn. Tôi đề nghị phía Bộ Ngoại giao mở đường bay sang Philippines. Phía Philippines lúc đó cũng đang muốn đặt quan hệ ngoại giao tốt với mình nên hoan nghênh ngay. Sau một năm chuẩn bị, ngày 7-5-1986, chuyến bay đầu tiên của Hãng Hàng không dân dụng Việt Nam đáp xuống sân bay Manila. Sau đó, Hãng Hàng không Philippines đã bắt đầu các chuyến bay vào Việt Nam… Đó là bước ngoặt lớn trong giao thương Việt Nam-Philippines. . Một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư lớn vào một nước thường tác động vào những người làm chính sách để nắn chính sách thay đổi theo hướng có lợi cho họ. Ông có nằm trong số đó? + Tôi biết thực tế có chuyện đó nhưng tôi nhất quyết không. Nhà nước cho sao thì tôi làm vậy, cái gì vướng thì mình kiến nghị tháo gỡ. Làm kinh tế thường tính tới doanh thu nhưng tôi tâm niệm làm được cái gì cho bà con mình thì làm. . Cảm ơn ông.
Từ năm 2004 đến nay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn giữ chức chủ tịch-tổng giám đốc Tập đoàn Imex Pan-Pacific. 280 triệu USD là tổng số vốn đầu tư của Imex Pan-Pacific và các đối tác vào Việt Nam. Sự giúp đỡ này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 15.000 lao động. Với những đóng góp cho đất nước, năm 2009, ông được Nhà nước ta tặng huân chương Lao động hạng Ba. Riêng sáu tháng đầu năm nay, Tập đoàn Imex Pan-Pacific đã đóng thuế trên 70 tỉ đồng và góp hơn 6 tỉ đồng vào các chương trình từ thiện xã hội.

______________________________________

Thời điểm những năm 1980, việc đi lại giữa nước ta và các nước trong khu vực rất hạn chế, nhất là bằng đường hàng không. Trong bối cảnh đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã làm được một việc có ý nghĩa quan trọng là mở đường bay từ TP.HCM đi Manila (Philippines) vào năm 1986. Hành động trên thúc đẩy việc mở cửa, thông thương thời bấy giờ. Đường bay đã giúp chuyên chở hàng hóa của bà con Việt kiều từ các nơi trên thế giới về Việt Nam sau khi được gom về tại Philippines.

ÔngLƯU ĐÌNH VỆ,nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines (nhiệm kỳ 1985-1988)
Theo THANH MẬN/Pháp luật TPHCM