Chuyện bây giờ mới kể về một doanh nghiệp tán gia bại sản vì dự án “ma” Rusalka:

Tổng thầu tố UBND Khánh Hòa làm trái chỉ đạo của cấp trên

30/05/2013 14:18
Ngọc Hà
(GDVN) - Sau khi “phù thủy” lập công ty “ma” Nguyễn Đức Chi bị bắt, siêu dự án Rusalka bị ngừng thi công và bỏ hoang suốt từ 2006 - 2013. Nóng ruột nhìn dự án ngàn tỷ xuống cấp gây thiệt hại lãng phí khổng lồ, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa xử lý tài sản cho các nhà thầu đã bỏ tiền thi công dự án.
San núi, lấp biển tạo mặt bằng

Như bài 1 đã nếu, sau cả chục năm để dự án mốc rêu, UBND tỉnh Khánh Hòa mới bất ngờ chọn một công ty để “chọn mặt gửi vàng” làm chủ đầu tư mới, tuy nhiên giải pháp của chính quyền tỉnh này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các bên có quyền lợi liên quan đến siêu dự án.

Trong số hơn 30 nhà thầu đã ký với R.I.T (chủ đầu tư cũ của Rusalka) Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp Thương mại (BMC) là nhà thầu chính, tổng thầu xây dựng "Khu nhà nghỉ Rusalka - Nha Trang". Các hạng mục gồm khu nhà kiểu A (một tầng), khu nhà kiểu B (hai tầng), khu nhà kiểu C (nhà Vip), hệ thống hồ bơi, hồ chứa nước, bờ kè chắn sóng, hệ thống cơ sở hạ tầng gồm điện, nước, đường nội bộ, hệ thống thoát nước..., khu nhà dịch vụ gồm khu lễ tân, nhà hàng, khu spa, và tất cả các hạng mục còn lại của dự án. Tổng giá trị hợp đồng là khoảng 15 triệu USD.



Riêng việc tạo mặt bằng đã phải vận chuyển hàng triệu tấn đất đá. Công ty BMC đã san 2ha núi để mặt bằng đạt độ cao theo thiết kế, lấp đất đá để lấn 9,3ha biển. Khối lượng đất đá ước tính sau khi san núi và lấp biển là khoảng 250 ngàn m3. Ngoài ra để cải tạo bãi cát ở bãi biển trong khu nghỉ dưỡng, BMC đã thực hiện việc đào san hô từ bờ biển ra xa cách bờ từ 60 - 70m, chiều sâu từ 1,5 - 2m, khối lượng thực hiện khoảng 180 ngàn m3.

Để tạo bờ kè chắn sóng, đơn vị thi công đã khai thác đá “mồ côi” khổ lớn cách công trình Bãi Tiên 15km, đưa những viên khoảng 0,4m3, nặng khoảng một tấn đến xếp dọc bãi theo bãi biển; khối lượng thực hiện lên tới 18 ngàn m3.

Khu nghỉ dưỡng được thiết kế khoảng 50 ngôi nhà nghỉ dưỡng riêng biệt nối với nhau bằng những đường nội bộ, khoảng hơn 100 nhà bằng mái tranh để du khách bóng mát, cùng với hàng ngàn mét tường bờ kè và nhiều hạng mục công trình khác như hệ thống hồ bơi, hồ chứa nước, khu nhà dịch vụ bao gồm khu lễ tân, nhà hàng, khu Spa....

Vậy mà những công sức, tiền bạc ấy của BMC, nay lại được giao cho… người khác.

Tỉnh Khánh Hòa làm sai chỉ đạo của cấp trên?

Ngay khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra thông báo 389/TB-UBND ngày 27/10/2011 về việc lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án Rusalka là Công ty Cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang (Công ty CPDLTĐ Nha Trang), nhà thầu chính BMC đã "phản pháo" bằng đơn khiếu nại số 382/BMC ngày 09/11/2012 gửi đến Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Trong đơn khiếu nại, BMC cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa đã cố tình "đánh tráo" khái niệm, nội dung trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo BMC: Thủ tướng đã phê duyệt văn bản số 227 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nội dung: "Nguyễn Đức Chi cùng một số tổ chức, cá nhân khác đã góp vốn, xây dựng dự án. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp các bên, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thành lập doanh nghiệp mới, đề án mới để tiếp tục đầu tư trên khối tài sản còn lại của dự án cũ".

Để hiểu đúng tinh thần chỉ đạo tại văn bản này, thì "doanh nghiệp mới" mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến phải đại diện cho quyền lợi của tất cả những tổ chức, cá nhân có liên quan như trong Biên bản định giá tài sản Rusalka năm 2007. Tuy nhiên UBND tỉnh Khánh Hòa hoàn toàn bỏ qua những tổ chức, cá nhân đã góp vốn, xây dựng dự án để còn lại duy nhất Nguyễn Đức Chi, và lấy toàn bộ tài sản của các tổ chức, cá nhân đã đầu tư vào Rusalka "chuyển giao" cho Chi thành lập doanh nghiệp mới.

Cũng trong đơn trên, BMC nhấn mạnh: Thông báo "Công ty Cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang (Focuss Travel Nha Trang) là pháp nhân mới sẽ được thành lập trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ..." là chưa đúng quy định pháp luật. Lý do: UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Công ty Focuss Travel Nha Trang được nhận diện tích đất và khối tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất tại dự án Rusalka, mà không phải tiến hành việc bồi thường cho những người có đất và người có tài sản trên đất bị thu hồi, là không phù hợp với bất kỳ một quy định pháp luật hiện hành nào.

Lãnh đạo BMC bức xúc: "Chỉ bằng quyết định hành chính, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đem toàn bộ khối tài sản có trên đất tại dự án Rusalka để trao cho Công ty Focuss Travel Nha Trang mà không có sự đồng ý của bên còn quyền là các tổ chức, cá nhân đã bỏ tiền và công sức ra tạo lên khối tài sản tại dự án Rusalka. Việc làm này không có sự đồng ý của người có quyền (công ty BMC và các tổ chức, các nhân khác) là vi phạm pháp luật dân sự quy định tại Điều 315 Bộ Luật Dân sự 2005”.

Kỳ quái cách phân chia “tiền của tôi, nợ của người đã chết”

Theo BMC, nếu UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng Nguyễn Đức Chi là chủ sở hữu của các tài sản tại dự án thì hiển nhiên ông Chi cũng có nghĩa vụ phải trả nợ cho BMC và các nhà thầu khác. Tuy nhiên, với cách giải quyết đưa nhà đầu tư mới cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của nhà đầu tư cũ là công ty R.I.T, UBND tỉnh Khánh Hòa đã “biến” tài sản của dự án thành tài sản của cá nhân ông Chi, còn công nợ lại của R.I.T, một công ty đã "chết". Việc này giúp ông ta thoát nghĩa vụ trả nợ cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, làm thất thoát tài sản của người khác.



Động thái cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư mới cho dự án Rusalka của UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 16/4/2013 cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà thầu. Trong đó nhà thầu chính BMC đã làm đơn khiếu nại gửi lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội. Đơn vị này cho rằng việc làm của UBND tỉnh Khánh Hòa đã biến tài sản của nhà nước, của BMC thành tài sản của Focuss Travel Nha Trang là sai luật, gây thiệt hại lớn và có dấu hiệu tiêu cực. Việc thu hồi tài sản của một chủ thể để giao cho chủ thể khác phải tiến hành bồi thường trước tiên và phải tuân thủ pháp luật.

Về việc “cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của nhà đầu tư cũ”, BMC tố cáo rằng nhà đầu tư mới chỉ có trách nhiệm thừa kế “trên giấy”, không có một biện pháp bảo đảm nào, không định ra thời hạn thanh toán số nợ, làm mất quyền, dẫn đến mất tài sản của BMC.

Lãnh đạo BMC cũng đặt vấn đề tất cả công trình, tài sản có trong dự án Rusalka trước đây, hay như cách gọi hiện nay trong giấy phép là Champarama Resort & Spa đều do BMC và 33 nhà thầu khác xây dựng. Chủ đầu tư R.I.T trước đây và bản thân ông Chi chưa hề bỏ ra một khoản nào cho việc này. Trong tổng tài sản 100,5 tỷ đồng theo kết quả định giá, BMC đầu tư đến 74 tỷ và đơn vị này không chấp nhận việc chuyển giao nghĩa vụ thanh toán từ công ty R.I.T (hay chủ thể thành lập nên R.I.T) sang Focuss Travel Nha Trang.
“Tố” đích danh Chủ tịch UBND tỉnh

Đơn khiếu nại của BMC cũng vạch ra nhiều điều phi lý. Dễ nhận thấy nhất, Công ty CPDLTĐ Nha Trang mới thành lập ngày 16/12/2011, nhưng trước đó hơn một tháng đã được chọn là nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện dự án từ ngày 27/10/2011 theo thông báo số 389/TB-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Cùng với đó, theo biên bản định giá của Hội đồng định giá Bộ Tài chính và hồ sơ điều tra của Bộ Công an, năm 2007, tổng giá trị các công trình đã xây dựng dự án Rusalka vào khoảng 131 tỷ đồng. Nhưng 131 tỷ này đã được “tăng” thành 600 tỷ (gấp gần 5 lần) trong giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho chủ đầu tư mới, trong khi từ năm 2007 đến nay công trình bị bỏ hoang xuống cấp trầm trọng.

Phía BMC cho rằng: UBND và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đã liên tiếp ban hành những văn bản, quyết định vi phạm pháp luật xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân tổ chức có liên quan đến tài sản tại Rusalka nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp của BMC nói riêng.

Công ty BMC cũng cáo buộc UBND tỉnh Khánh Hòa đã "trốn tránh trách nhiệm giải quyết khiếu nại”, đẩy “tranh chấp của BMC thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án dân sự”. Đơn vị này cho rằng, bản hợp đồng ký với R.I.T (nay đã chấm dứt) không phải là đối tượng BMC khiếu nại, càng không phải BMC khiếu nại R.I.T đến UBND tỉnh để đòi công nợ. BMC cũng không khiếu nại Nguyễn Đức Chi vì ông ta không có mối quan hệ pháp luật gì đến tài sản của BMC tại dự án Rusalka nữa. BMC cũng không khiếu nại Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thu hồi giấy phép của R.I.T.

Nhà thầu chính trong siêu dự án "tai tiếng" khẳng định: BMC làm văn bản khiếu nại về Quyết định hành chính của UBND tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, đối tượng bị khiếu nại là “Thông báo số 389/TB-UBND ngày 27/10/2011” và “Giấy chứng nhận đầu tư” ngày 16/4/2013 UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho công ty cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang. Người bị khiếu nại là Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà.

Với những tranh cãi gay gắt và việc “đá bóng” xử lý của tỉnh Khánh Hòa như trên, e rằng dự án “nàng tiên cá” chưa kịp “hồi sinh”, lại một lần nữa phải phơi mình chờ đợi. Trong lúc đó, hàng trăm tỷ đồng của nhà nước và các tổ chức cá nhân đang ngày ngày bị hao mòn theo những dãy nhà nghỉ mát, những sân vui chơi giải trí, những dịch vụ hạng sang… chỉ nằm mãi trên giấy.
Ngọc Hà