Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm

21/02/2016 08:02
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trần Nhân Tông đã bước vào cõi Niết Bàn nhưng còn để lại hình ảnh của một vị vua anh hùng cứu nước, anh minh, quyết đoán, nhân hậu, một nhà hiền triết...

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của Đại tá Đặng Việt Thủy nói về cuộc đời cũng như quãng thời gian trị vì đất nước Đại Việt, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm của vị vua được sử sách ngợi ca là vị vua anh hùng cứu nước, vị vua anh minh, quyết đoán Trần Nhân Tông.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Vua Trần Nhân Tông tên húy là Khâm, con trưởng của của vua Trần Thánh Tông (Trần Hoảng), cháu đích tôn của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, quyết đoán, được sử sách ca ngợi là vị vua anh hùng cứu nước. Thời gian vua Trần Nhân Tông trị vì, đất nước Đại Việt đã trải qua những thử thách rất gay go và ác liệt.

Vua Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 20 tuổi (1278). Triều đại nhà Trần dưới quyền ông là một vương triều thịnh trị.

Ngay sau khi Nhân Tông lên ngôi vua, nhà Nguyên ở phương Bắc sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung đi sứ sang Đại Việt. Sài Thung sang đến kinh thành, lên mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh rồi đưa thư trách vua Nhân Tông tự lập ngôi vua và đòi phải sang chầu thiên triều...

Vua Nhân Tông sai đại thần ra tiếp, Sài Thung không thèm đáp lễ. Vua mời yến, hắn không thèm đến.

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm ảnh 1
Tượng vua Trần Nhân Tông trong đền thờ Trần Nhân Tông tại Huế (Ảnh: kienthuc.net.vn)

Năm Nhâm Ngọ (1282), vua Nguyên lại cho sứ sang dụ:

- Nếu vua nước Nam không sang chầu được thì phải đưa vàng ngọc sang thay, và phải nộp hiền sĩ, thầy âm dương bói toán, thợ khéo tay, mỗi hạng 2 người.

Vua Trần Nhân Tông đành cho chú họ là Trần Di Ái và bọn Lê Tuân, Lê Mục sang thay mình. Vua Nguyên bèn lập Trần Di Ái làm An Nam quốc vương, Lê Mục làm Hàn lâm học sĩ, Lê Tuân làm thượng thư lệnh và sai Sài Thung dẫn 1000 quân đưa bọn ấy về nước.

Hay tin, Trần Nhân Tông sai tướng đem quân lên đón đường đánh lũ nghịch thần. Sài Thung bị tên bắn mù một mắt, trốn chạy về nước, còn lũ Trần Di Ái bị bắt, phải tội đồ làm lính.

Thấy không thể thu phục được vua Trần, nhà Nguyên liên tiếp phát động hai cuộc chiến tranh xâm lược vào các năm 1285 và 1287, toan làm cỏ nước Nam.

Trong hai lần kháng chiến này, Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ kết chặt lòng dân, lãnh đạo nhân dân Đại Việt vượt qua bao khó khăn, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi huy hoàng [1]. 

Chín ngày sau trận đại thắng Bạch Đằng 18 tháng 4 năm 1288, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đem đám tù binh gồm Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp và những tên Thiên hộ, Vạn hộ về phủ Long Hưng làm lễ mừng thắng trận trước lăng vua Trần Thái Tông - vị vua anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258.

Trong buổi lễ trang nghiêm này, Trần Nhân Tông nhớ lại những ngày gian khổ, cảm khái đọc:

"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu
".

Nghĩa là:

"Xã tắc hai lần phiền ngựa đá

Non sông nghìn thưở vững âu vàng
" [2]

Dưới thời vua Trần Nhân Tông, lịch sử Việt Nam ghi dấu được nhiều tên tuổi nhân vật xuất sắc, nhiều hiện tượng văn hóa độc đáo.

Việc Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên) làm văn tế cá sấu, bắt chước Hàn Dũ (Trung Quốc) ngày xưa (đuổi cá sấu đi), được Nhân Tông khen ngợi, đổi họ ông thành họ Hàn (nên bây giờ lịch sử văn học ta ghi tên ông là Hàn Thuyên) là một sự kiện đặc biệt, được đời sau nhắc đến nhiều.

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm ảnh 2

Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài

(GDVN) - Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, điêu toa... thì có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi.

Sử sách còn chép rằng Hàn Thuyên là người khởi đầu làm thơ Nôm theo quy tắc thơ Đường. Thơ thất ngôn lần đầu tiên được viết bằng chữ Nôm.

Luật thơ thất ngôn bát cú chặt chẽ của người Trung Quốc cũng có thể vận dụng một cách suôn sẻ, cho ta viết lời quốc âm. Đường luật từ nay được gọi là Hàn luật.

Tác phẩm duy nhất của Hàn Thuyên có tên là Phi sa tập, nay đã thất lạc, không rõ trong đó có bao nhiêu bài thơ - có khả năng là nhiều thơ Nôm hơn thơ Hán và Hàn Thuyên vẫn được công nhận là vị tổ thơ Nôm ở nước ta.

Sự bắt chước ở đây đã trở thành sự sáng tạo. Nhất là nó lại ra đời cùng lúc với cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, nên mặc nhiên chứng tỏ ý thức độc lập của dân tộc trong phạm vi văn học, đồng thời với cả phạm vi chính trị.

Cùng một lúc, xuất hiện cả lối thơ trào phúng với cây viết nổi tiếng như Nguyễn Trung Ngạn, mặc dù tác phẩm cũng chưa sưu tầm được. Trần Nhân Tông có tham gia vào phong trào này hay không?

Có lẽ là có, vì đến nay chúng ta còn giữ được một bài phú chữ Nôm có tên là Cư trần lạc đạo (sống giữa cõi trần, vui đạo).

Nhiều nhà nghiên cứu như Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn đã dụng công tìm hiểu, để khẳng định sách Thiền Tông bản hạnh (in năm 1745) là tác phẩm của Trần Nhân Tông.

Câu chữ có nhiều tiếng cổ, nhưng phần lớn cũng dễ hiểu, chứng tỏ tác giả thực sự có khả năng sử dụng quốc âm hồi thế kỷ XIII một cách thanh thoát, và là người có tư tưởng siêu thoát. Có thể ghi lại một vài câu cuối bài:

Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao
Chiều vắng âm thanh, chính thực cảnh đạo nhân du hý
...
Chuộng công danh, lồng nhân ngã ấy thực phàm phu
Say đạo đức, dời thân tâm định nên thánh tri
! [3]

Với bài phú Cư trần lạc đạo này, có thể khẳng định thêm một điều: Trần Nhân Tông không những là một vị vua giỏi, một anh hùng cứu nước mà ông còn là một nhà văn xuất sắc, có công lớn đối với nền văn học Quốc âm.

Từ cuối thế kỷ XIII, với bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông đã khai mở trang đầu cho sưu tầm văn học Quốc âm của thời đại. Cùng với vua Trần Nhân Tông còn có Lý Đạo Tái, Mạc Đĩnh Chi...…

Trần Nhân Tông còn là một nhà thơ chữ Hán có tài. Trong các nhà thơ đời Trần còn lưu lại tác phẩm đến ngày nay, ông là một trong những tác giả có hồn thơ thực sự.

Hồn thơ ấy đậm đà ở phong cách riêng của ông, mà cũng còn do ông tiếp thu được cái chất triết học sâu xa của Phật giáo. Ông rất yêu thiên nhiên, trong tâm trí của ông, lúc nào cũng thấy tràn ngập ánh trăng, dồi dào như mây nước và đắm đuối với giấc mơ Xuân:

Nhất thiên như thủy, Nguyệt như trú,

Hỏa ảnh mãn song, Xuân mộng trường

Dịch thơ:

Nước ấy vầng xanh, Trăng ấy ngọc,

Đầy song hoa quyện giấc mơ Xuân


(Đào Phương Bình dịch) [4]

Ông nhận ra được trong từng vệt nắng, từng tiếng chuông, từng chiếc lá cả một chất thơ man mác, mơ màng:

Hoa kiều đảo ảnh, trám khê hoành

Nhất mạt tà dương thủy ngoại minh

Tịch tịch thiện sơn hồng điệp lạc

Thấp vân như mộng, viễn chung thanh.

Dịch thơ:

Lòng khe in ngược bóng cầu hòa

Hắt sáng bờ khe, vệt nắng tà

Lặng lẽ nghìn non, rơi lá đỏ

Mây giăng như mộng, tiếng chuông xa


(Trần Thị Băng Thanh dịch) [5]

Năm Trùng Hưng thứ 6 (1290), trên đường mang quân đi đánh giặc ở biên giới phía Tây, Trần Nhân Tông làm bài thơ "Tây chinh đạo trung" (Trên đường tây chinh):

Cẩm phàm khinh sấn lãng khoa khai

Bồng để yêm yêm thủ bất đài

Tam Giáp mộ văn vô nhạn đáo

Cửu Than minh nguyệt hữu long lai

Thê lương hành sắc thiêm cung mộng

Liên loạn nhàn sầu đáo tửu bôi

Hán Vũ phiên chiêu cùng độc báng

Nam nhi cấp cấp nhược vi tai.

Dịch thơ:

Buồm gấm vèo bay, hoa sóng tung

Đầu nghe mệt mỏi dưới mui bồng

Mây chiều Tam Giáp trông không nhạn

Trăng sáng Cửu Than thấy có rồng

Quạnh quẽ dặm xa mơ điệu cũ

Vấn vương sầu lắng thấm ly nồng

Hán Hoàng mang tiếng say chinh chiến

Lật đật nam nhi có uổng công?


(Trần Lê Văn dịch) [6]

Với Trần Nhân Tông, tư tưởng Thiền Tông được tiếp thu một cách có sáng tạo, cái nhìn theo hướng sắc không của ông hòa với cảm xúc thi ca:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý quy ngưu tận

Bạch bộ song song phi hạ điền.

Dịch thơ:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Bóng chiều dường có lại dường không

Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
.

(Ngô Tất Tố dịch) [7]

Về xây dựng đất nước, Trần Nhân Tông đã chú trọng đến việc khuyến khích trồng dâu nuôi tằm, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, đại xá cho thiên hạ. Nơi nào bị địch tàn phá thì vua lệnh  không thu thuế, những nơi khác thì giảm thuế hoặc miễn theo thứ bậc khác nhau.

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm ảnh 3

“Những buổi ngày xưa vọng nói về”

(GDVN) - Lòng dân hy vọng Đại hội sáng suốt bầu đúng người, phân công đúng việc, làm tốt công việc được giao và biết sử dụng người tài để dân được lợi, nước được vinh.

Ông luôn nhắc các quần thần phải biết thương dân. Có lần ông trực tiếp phân xử phải trái cho những người dân đón đường thưa kiện, vạch rõ cái sai của quan lại cận thần.

Ông rất trân trọng sự đóng góp to lớn của tướng sĩ quân dân đối với ba cuộc kháng chiến. Ông sai người chép sách Trung hưng thực lục, và vẽ hình các tướng lĩnh, các vương hầu có công lao.

Vua Trần Nhân Tông đã kế thừa và phát triển nhiều quan điểm tư tưởng và phong cách ứng xử của hai nhà Thiền học nổi tiếng đầu đời Trần là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung.

Nếu Trần Thái Tông đã nêu tấm gương nhập thế vì lợi ích của nước của dân và để lại quan điểm Thiền học vừa thâm trầm vừa khoáng đạt cho cháu đích tôn của mình, thì Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung là người ấn chứng cho Trần Nhân Tông.

Tuệ Trung thượng sĩ Trần Tung (1230-1291) là con trai đầu lòng của An Sinh Vương Trần Liễu, là anh cả của Hoàng thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (vợ vua Trần Thánh Tông, mẹ Trần Nhân Tông).

Ông được Trần Thái Tông phong tước Hưng Ninh Vương và từng lập chiến công trong hai cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên năm 1285 và 1288.

Tuệ Trung thượng sĩ không xuất gia, nhưng có một trình độ Thiền học cao. Tư tưởng Thiền học của ông được thể hiện trong bộ Thượng sĩ ngữ lục. Bộ sách gồm những bài giảng của ông cho học trò, những công án và những bài thơ của ông.

Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm (Ảnh: baotintuc.vn)
Vua Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm (Ảnh: baotintuc.vn)

Ngoài ra, trong bộ Thượng sĩ ngữ lục còn có thêm bài Thượng sĩ hành trạng do Trần Nhân Tông viết, ca tụng người thầy của mình.

Cũng giống như các môn đồ Thiền tông khác, Tuệ Trung thượng sĩ nêu cao quan điểm "tức tâm tức Phật".

Tâm tức Phật,

Phật tức tâm,

Diệu chỉ linh minh đạt cổ câm (kim).

Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu,

Thu đáo vô phi thu thủy thâm.

(Nghĩa là
: Lòng là Phật, 

Phật là lòng,

Diệu chỉ sáng thiêng, kim cổ thông.

Xuân đến, tự nhiên hoa xuân nở,

Thu sang, đâu chẳng nước thu trong).

Với quan niệm như trên, ông chủ trương: người tu thiền nên sống thuận theo lẽ tự nhiên và theo cái tâm của mình, không cầu tìm ở ai khác:

Phật tâm khước dữ ngã tâm hợp,

Pháp nhĩ như nhiên cắng cổ câm.


(Tâm Phật tâm ta cùng khế hợp,

Pháp vẫn y nguyên suốt cổ kim).

Và cũng không nhất thiết chỉ được tu theo lối tọa thiền:

Hành diệc thiền,

Tọa diệc thiền;

Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên.


(Đi cũng thiền!

Ngồi cũng thiền!

Trong lò lửa đỏ một bông sen).

Trong bài Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông đã thuật lại:

"Trước đây, khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó có đi thỉnh Thượng sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên.

Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực, bèn làm ra vẻ ngây thơ hỏi Thượng sĩ rằng: "Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo?".

Thượng sĩ liền giảng giải rằng: "Giả thử có một người đứng quay lưng lại, thình lình có nhà vua đi qua phía sau, người kia không biết, hoặc còn ném vật gì vào người vua: người ấy có sợ chăng? Ông vua có giận dữ chăng? Như thế thì biết rằng hai việc không liên quan gì đến nhau vậy".

Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: "Tuy là như thế, nhưng tội phúc đã rõ ràng thì làm thế nào?".

Thượng sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:

Ăn thịt và ăn cỏ,

Tùy theo từng loài đó.

Xuân về cây cỏ sinh,

Họa phúc nào đâu có.


Ta nói: "Nếu vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút xao lãng là để làm gì?".

Thượng sĩ chỉ cười mà không đáp. Ta cố nài. Thượng sĩ lại đọc tiếp... bài kệ để ấn chứng cho ta:

Trì giới và nhẫn nhục,

Chuốc tội chẳng chuốc phúc.

Muốn biết không tội phúc,

Đừng trì giới nhẫn nhục.


Đoạn người dặn kín ta: "Chớ có bảo cho người không đáng bảo". Vì vậy ta biết môn phong của Thượng sĩ thật là siêu việt.

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm ảnh 5

Chuyện về Vua Bảo Đại thoái vị

(GDVN) - Ngày 25/8/1945, vua Bảo Đại ban chiếu thoái vị, chấm dứt thời đại quân chủ Việt Nam.

Một ngày kia, ta hỏi Người về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: "Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được". Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ Người làm thầy" [8].

Từ những điều trên, ta biết Trần Nhân Tông đã ngộ đạo Thiền vào đầu năm 1287, khi mẹ vua vừa qua đời.

Đó cũng là lúc tình thế đất nước hết sức khẩn trương. Nhà Nguyên, sau cuộc nam chinh thất bại năm 1285 lại ráo riết cho điều động binh mã để chuẩn bị sang xâm lược Đại Việt lần thứ ba.

Sự an nguy của Tổ quốc một lần nữa lại đặt lên vai vua Trần Nhân Tông những trách nhiệm lớn. Nhưng sau khi đã hiểu được chỗ thâm yếu của tôn chỉ Thiền là "Phật tại tâm, chứ không tìm đâu khác" dù là người "xuất gia hay tại gia" cũng không thể tự trói mình trong "trì giới và nhẫn nhục".

Trần Nhân Tông càng thêm tự tin cùng vua cha, với sự phò tá hết lòng của đội ngũ tướng lĩnh kiệt xuất, đứng đầu là Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lãnh đạo quân dân cả nước đoàn kết một lòng, phát huy hơn nữa khí thế "Sát Thát" vốn đã được nêu cao từ cuộc kháng chiến lần trước, đánh tan 50 vạn quân Mông Nguyên vào mùa xuân năm 1288.

Sau thắng lợi huy hoàng đó, Trần Nhân Tông chủ trương "nới sức dân", thúc đẩy khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, nhanh chóng xây dựng lại đất nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.

Bấy nhiêu công lao to lớn đã đưa Trần Nhân Tông lên một vị trí vẻ vang trong lịch sử dân tộc, được sử gia đánh giá là "bậc vua hiền của nhà Trần", "nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước"  [9].

 Mùa xuân năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, tức Trần Thuyên, và lên làm Thượng hoàng như truyền thống của nhà Trần. Năm 1295, ông đã xuất gia ở Vũ Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay), rồi lại trở về kinh sư.

Cho đến mùa thu năm 1299, từ phủ Thiên Trường, Nhân Tông mới chính thức xuất gia, lên núi Yên Tử tu Phật và sáng lập ra phái Thiền Trúc Lâm mà ông là tổ thứ nhất. Từ đây, ông lấy pháp hiệu là Hương Vân đại đầu đà hoặc Trúc Lâm đại đầu đà. Người đương thời và đời sau tôn xưng ông là Điều Ngự Giác hoàng.

Trần Nhân Tông tuy xuất gia nhưng vẫn nặng lòng lo nước, lo dân. Đối với ông, Phật giáo nói chung và dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử nói riêng phải luôn gắn liền với đời sống của đất nước, của dân tộc, không thể có sự cách biệt giữa đạo và đời. Ngay việc Trần Nhân Tông chọn Yên Tử làm nơi tu thiền cũng hàm chứa nhiều tầng nghĩa.

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm ảnh 6

‘Biển người’ nườm nườp kéo về Yên Tử dự khai hội

(GDVN) - Sáng nay hội Xuân Yên Tử chính thức khai mạc tại lễ trường Yên Tử, khu vực bến xe Giải Oan, Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh)

Yên Tử có cảnh vật vừa đẹp vừa thanh vắng, rất thích hợp cho việc tu thiền nên các vua Trần đã tìm đến núi Yên Tử.

Nhưng theo sách Trúc Lâm tôn chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm thì Yên Tử sơn là nơi có một vị trí quân sự quan trọng, là vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc và Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến đây tu hành là để làm nhiệm vụ của một "lính biên phòng".

Sách đó có đoạn viết: "Mọi người thấy đức Điều Ngự là tổ thứ nhất khi ra ở chùa Hoa Yên (tức chùa Yên Tử) thì cho là ngài xuất gia, nhưng có biết đâu đương lúc bấy giờ đức Tổ ta biết lấy thiên hạ làm của công...

Xét thấy Yên Tử là một ngọn núi cao, phía Đông có thể nhòm mặt tỉnh Yên, tỉnh Quảng; phía Bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang, nên mới dựng tự viện, thường qua lại xem chuyện động tĩnh, khiến cho quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó thực là Vô lượng lực Đại thế chí Bồ Tát vậy...".

Không chỉ lo giữ yên mặt Bắc, Trần Nhân Tông còn rất quan tâm tới mối bang giao với nhà nước Chiêm Thành ở phía Nam.

Năm 1282, khi Hốt Tất Liệt phát binh đánh Chiêm Thành hòng chiếm lấy nước này và tạo thành một bàn đạp lợi hại để rồi từ đó sẽ cho quân đánh thốc lên, phối hợp với mũi tiến công chính từ phía Bắc tràn xuống nhằm nuốt chửng Đại Việt, Trần Nhân Tông đã gửi viện binh cho Chiêm Thành, giúp nước này đánh bại quân Mông Nguyên.

Năm 1301, sau khi đã xuất gia ở Yên Tử, Nhân Tông còn vân du đến biên giới phía Nam của đất nước, lập am Tri Kiến tại trại Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Bình ngày nay).

Từ đó, ông đi tiếp đến tận kinh đô của Chiêm Thành và du ngoạn ở đấy 7 tháng liền. Vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Mân, biết tin Trần Nhân Tông khoác áo cà sa đến nước mình đã "hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ".

Nhân chuyến đi này, Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Ít năm sau (1306), Chế Mân đã đem hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới Huyền Trân.

Hai châu ấy được đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay) và sáp nhập vào bản đồ Đại Việt. Quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Chiêm Thành chưa thời kỳ nào thân thiện đến thế.

Một nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam nhận xét: "Đây phải nói là một điểm sáng kỳ lạ trong đời sống của một người xuất gia như vua Trần Nhân Tông.

Chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo ở nước ta hay ở bất cứ một nước nào khác, mà một người xuất gia lại có thể mở mang bờ cõi, và mở mang bờ cõi một cách hòa bình.

Căn cứ vào giới luật của hàng Phật tử bình thường sống ở các chùa chiền..., thì một người xuất gia không bao giờ được phép đi làm mai mối cho việc dựng vợ gả chồng.

Thế mà Hương Vân đại đầu đà đã làm việc đó và đã làm một cách thành công". (Lê Mạnh Thát: Toàn tập Trần Nhân Tông, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, dẫn theo Phạm Xuân Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 3-2005, trang 8).

Triết lý của Thiền phái Trúc Lâm do ba vị tam tổ sáng lập: Trần Nhân Tông cùng với sư Pháp Loa (tức Đồng Kiên Cương 1284-1330) và Huyền Quang (tức Lý Đạo Tái 1254-1334) mang đậm bản sắc văn hóa Đại Việt.

Lý thuyết của phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn.

Trần Nhân Tông tổ chức giảng Kinh Vô lượng cho hàng ngàn người nghe và mọi người đều tiếp thu tư tưởng của ông, nhận rõ đạo Phật Trúc Lâm là nhập thế, không huyền vi xa lạ.

Triết lý của giáo phái Trúc Lâm được ghi rõ trong các sách Phật học đời Trần. Riêng bộ Khóa hư lục lại trình bày triết lý của giáo phái Trúc Lâm một cách rất cụ thể.

Khóa hư lục quả là một bản kinh Phật đời Trần. Ở Khóa hư lục, vua Trần Nhân Tông không dùng "tứ khổ đế" như các sách Phật thường dùng, mà ông dựng ra thuyết "tứ sơn" để trình bày quan niệm của ông về "sinh, lão, bệnh, tử".

Trần Nhân Tông coi "sinh, lão, bệnh, tử" là bốn quả núi chướng ngại mà con người phải vượt cho được thì mới thoát khỏi được kiếp luân hồi.

Trần Nhân Tông - vị vua anh hùng cứu nước, vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm ảnh 7

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời

(GDVN) - Cách mạng tháng 8 là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới.

Nội dung của thuyết "tứ sơn" cũng là "sinh, lão, bệnh, tử" như nội dung thuyết "tứ khổ đế", nhưng dùng bốn quả núi (tứ sơn) để hình dung "sinh, lão, bệnh, tử" thì dễ hiểu hơn là "tứ khổ đế".

Khóa hư lục, sau bài kệ "Tứ sơn" đến các bài "Cảnh sách", các khóa tụng hàng ngày đều thuần túy Đại Việt không có gì giống các sách Phật học của Trung Hoa. Chỉ riêng các điểm trên cũng đủ nói lên được phần nào tính chất Đại Việt của giáo phái Trúc Lâm.

Đến bài kệ của Trần Nhân Tông đọc khi nhà vua siêu thoát (chết) lại càng biểu thị được quan niệm triết lý của phái Trúc Lâm:

Nhất thiết pháp bất sinh

Nhất thiết pháp bất diệt

Nhược năng như thị giải

Chư Phật thường hiện tiền

Hà khứ lai chi hữu?


Nghĩa là: "Hết thảy các pháp (trong vũ trụ) vốn không có sinh mà cũng không có diệt. Nếu như hiểu được như vậy, thì Phật (tức mọi sự hiểu biết của mình) thường hiện ra trước mắt. Làm gì còn có đi đi lại lại (làm gì có luân hồi nữa)?" [10].

Phái Thiền Trúc Lâm trân trọng tiếp nhận những giá trị đạo đức cơ bản mà Phật giáo nguyên thủy ấn Độ truyền bá. Nó khuyến khích mọi người tu thiền "săn hỷ xả, nhuyễn từ bi", "tích nhân nghì, tu đạo đức", "cầm giới hạnh, đoạn ghen tham".

Nhưng nó không chấp nhận "trì giới và nhẫn nhục", đặc biệt là càng không thể chấp nhận giữ giới (trong đó hàng đầu là giới sát) và nhẫn nhục cúi đầu làm nô lệ cho những thế lực xâm lược và thống trị ngoại bang tàn bạo.

Phái Thiền Trúc Lâm không phủ nhận "đốn ngộ" của phái Thiền Nam tông Trung Hoa, nhưng cũng thấy việc giác ngộ được chân lý không phải dễ dàng, ai cũng làm được.

Trái lại, phải "rèn lòng làm bụt", "đãi cát kén vàng". Về phương pháp tu hành, nó không chủ trương gò ép mọi người vào một lối tu nhất định nào.

Phái Thiền này chẳng những không bài bác mà còn cảm thấy cái thú của người xuất gia "kiếm chốn dưỡng thân", "náu mình sơn dã" để "tụng kinh niệm bụt".

Nhưng nó đặc biệt khuyến khích những ai "tìm Phật ở trong nhà", giác ngộ chân lý ngay giữa cuộc đời, gắn liền sự ngộ đạo với việc thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của quốc gia, dân tộc.

Khi nghiên cứu về Điều Ngự Giác hoàng (Trần Nhân Tông), có nhà nghiên cứu đã nói rằng, nhà vua có những nét gần gũi với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Thích Ca trước khi xuất gia vốn là Thái tử Tất Đạt Đa, con của Hoàng đế Tịnh Phạm (Suddhodana) nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) thuộc ấn Độ.

Năm Thái tử 17 tuổi, vua cha làm lễ thành hôn cho Thái tử với nàng công chúa duy nhất của vua Thiện Giác (Kusalabuddha).

Lễ thành hôn yến tiệc linh đình, đàn ca xướng hát, nhưng trong lòng Thái tử lúc nào cũng nghĩ đến cảnh vô thường: Sinh, lão, bệnh, tử trong nhân gian mà chúng sinh đang gánh chịu. Sự suy nghĩ tìm chân lý cầu giải thoát cho chúng sinh ngày càng tăng thêm trong lòng Ngài, mặc dù trong cung có rất nhiều khoái lạc nhưng Ngài không màng tới.

Năm Thái tử 19 tuổi, công chúa sinh hạ được một hoàng nam, nhân dân cả nước đều hoan hỉ đón chào. Nhưng trong tâm Thái tử lúc nào cũng nghĩ đến việc xuất gia là điều trọng yếu.

Vào nửa đêm (giờ Tý) một ngày tháng 2, khi mọi người còn đang yên giấc, Thái tử đã rời kinh đô, quyết chí xuất gia tầm đạo để cứu độ muôn loài chúng sinh thoát khỏi bánh xe luân hồi sanh tử.

Ngài ra đi vì chúng sinh, để lại sau lưng người vợ hiền và đứa con yêu dấu, ra đi rời khỏi ngai vàng cùng vị vua cha yêu kính... Năm 35 tuổi, Thái tử đã tu thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Còn về vua Trần Nhân Tông, ông có một người vợ hiền là Hoàng hậu Bảo Thánh, con gái lớn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hoàng hậu Bảo Thánh là người có tiếng là sáng suốt, nhân hậu, nhu mì.

Khi vua Trần Nhân Tông lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, bà đóng vai trò rất quan trọng ở chốn hậu phương và ổn định nội tình nơi cung thất.

Khi đất nước hòa bình, chồng bà - Thượng hoàng Trần Nhân Tông không hám ngôi vị cao sang, không ưa kẻ hầu người hạ, phi tần mỹ nữ, sống trên nhung lụa, từ giã vợ con, dấn thân theo đạo Thiền ở non cao.

Khi Nhân Tông quyết chí lên Yên Tử hành đạo, sống đạm bạc khổ hạnh thì bà muốn theo Nhân Tông để chia sẻ ngọt bùi, nhưng đại sĩ Nhân Tông không nghe, cố khuyên giải bà xuống núi về kinh đô. Sau đó bà đã về Lỗ Giang để tĩnh dưỡng, lại sửa chùa thờ Phật để giải thoát.

Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông "gần gũi" với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bởi quá trình xuất gia tu hành như thế.

Trần Nhân Tông mất đi đã để lại nhiều giai thoại thú vị. Sử chép rằng, vào năm 1308, ông ở trên ngọn núi Tử Tiên, Yên Tử tu hành. Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, ông xuống thăm và bảo:

- Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi. Dưới âm phủ có ai hỏi thì cứ trả lời: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay.

Nói xong, ông trở về núi, gọi Pháp Loa đến dặn dò các việc, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa.

Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh), thọ 51 tuổi.

Người đương thời và sau đó đã tạc tượng vua Trần Nhân Tông. Tượng ở Yên Tử đặt trong Huệ Quang Kim Tháp, là một pho tượng được tạo hình khỏe mạnh, rắn chắc, cân đối, đầy sức mạnh và nghị lực.

Còn ở chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), tượng có vẻ ung dung thanh thản, hợp với con người nhà vua.

Trần Nhân Tông đã bước vào cõi Niết Bàn, nhưng còn để lại hình ảnh của một vị vua anh hùng cứu nước, anh minh, quyết đoán, nhân hậu - vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm, một nhà thơ, một nhà hiền triết của dân tộc ta.

Tài liệu tham khảo:

[1] Các triều đại Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2006, trang 124.

 [2], (9) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, trang 68, 48.

[3], [4], [5], [6], [7], [8], [10] 10 vị Hoàng đế Việt Nam tiêu biểu, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, các trang 180, 181, 182, 184, 185, 186, 192.

Đại tá Đặng Việt Thủy