Nhật ký Nậm Mười:

Trẻ em Nậm Mười đã dạy tôi về sự lạc quan, niềm vui sống

03/11/2011 00:00
Tiểu Phương
(GDVN) - “Cứ sau mỗi chuyến đi, con tim tưởng như đã chai lỳ lại một lần được đánh thức, tôi tìm thấy phút thanh thản, bình yên sau những phồn hoa, đô hội…”
Nhật ký chuyến đi của báo Giáo Dục Việt Nam ghi lại những cảm xúc đặc biệt, lắng sâu của những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng chương trình đặt chân tới các vùng đất xa xôi để góp thêm bữa cơm, ly sữa, góp thêm miếng thịt cho trẻ em nghèo miền núi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, các nhà hảo tâm đều có chung một nhận xét: “Với chuyến đi làm từ thiện lần này, tôi không mất gì nhiều, ngược lại, tôi nhận về nhiều thứ, những tình cảm nồng ấm của người dân bản địa, những cảm xúc lắng sâu tưởng như đã khô cằn, vơi cạn nơi đô thị. Tôi được hít thở khí trời trong lành của buổi sáng vùng cao, được trải nghiệm cảm xúc khoan khoái, nhẹ nhõm, thanh thản khi mình làm được một điều tốt. Và đặc biệt, tôi được kết nối với các trái tim, những con người luôn hết lòng vì những điều cao cả”…

“Quá nhiều lý do để bọn trẻ con thành phố phải yêu lấy cuộc sống này”


Vì là lần đầu tiên tham dự một chuyến đi từ thiện lên miền núi nên Trần Minh Trang, bộ phận bán tour của Công ty du lịch Vietravel chia sẻ:

"Thật khó để có thể chỉ sử dụng một từ ngữ để gói gọn hết cảm xúc nơi con tim mình. Khi lên Nậm Mười, chứng kiến cuộc sống vất vả, lam lũ của trẻ em nghèo nơi đây, mình thấy: Có quá nhiều lý do để bọn trẻ con thành phố phải yêu lấy cuộc sống bình thường, hàng ngày của chúng. Bởi học sinh thành phố còn sướng hơn gấp trăm, gấp vạn lần những trẻ em nghèo khó ở đây”.

Trần Minh Trang, bộ phận bán tour của Công ty du lịch Vietravel chia sẻ: Thật khó để có thể chỉ sử dụng một từ ngữ để gói gọn hết cảm xúc nơi con tim mình. (Ảnh: Xuân Trung)
Trần Minh Trang, bộ phận bán tour của Công ty du lịch Vietravel chia sẻ: Thật khó để có thể chỉ sử dụng một từ ngữ để gói gọn hết cảm xúc nơi con tim mình. (Ảnh: Xuân Trung)

Trang cho biết thêm: Chuyến đi từ thiện vừa qua đã “dạy” Trang những trải nghiệm thú vị, bổ ích, có những điều dường như không tưởng nhưng lại trở nên rất đỗi bình thường tại vùng đất ấy.

“Nhìn cảnh vách nhà được ghép bởi những mảnh ván lưa thưa, những người con của thành phố cứ nghĩ rằng: Nó chẳng phải chỗ để dành cho người, vậy mà, đó lại là nơi ăn, chốn ở, phòng ngủ của các trẻ em bán trú Nậm Mười”.

Khu bán trú của trẻ em mầm non cũng không khác gì các anh chị lớn. Phòng học cũng chỉ là những tấm ván ghép lại với nhau, “chẳng cần chờ tới mùa đông, chỉ cần mùa này thôi cũng đủ rét”, những thành viên trong đoàn thiện nguyện của Vietravel không giấu nổi những cảm xúc nghẹn ngào, xúc động!

“Một phòng có tới 11 – 14 cháu nhưng chăn đệm lại đã nát hết rồi. Lần này đi, Vietravel mang theo 10 cái chăn ấm, mới tinh nhưng e là không đủ. Chắc cần nhiều nhà từ thiện của nhiều chuyến đi khác, may ra mới chia sẻ phần nào, mang hơi ấm xua tan cái lạnh lẽo của mùa đông nơi vùng cao Yên Bái”. Trang nói.

Ngoài ra, bữa cơm của các em nghèo nơi đây cũng trở nên ám ảnh trong tâm trí Trang và nhiều người khác trong đoàn. “Mang tiếng là canh mướp nhưng mình không thấy mướp đâu cả, hình như chỉ có một quả mướp thái ra và nấu với cả một nồi nước lớn”.

“Sau chuyến đi này, mình sẽ có một vài cảm nhận trên trang cá nhân của mình, để những ai chưa đi, đang có ý định đi sẽ tự cảm nhận và tự đánh thức con tim mình” – Trang nói.

“Mình thấy có trách nhiệm hơn với đồng tiền mình kiếm được”

Hơn 7h tối, trời đã tối hẳn, sương rơi nặng hạt và ai cũng rùng mình co ro trong cái lạnh. Trong khi mọi người vừa ấm bụng với bữa cơm chiều chan chứa tình cảm của các thầy cô giáo  vùng cao thì người phụ nữ gầy gầy, xương xương ấy mới khoác balo, trễ nãi mồ hôi, tiến tới và nói: “Xin lỗi, tôi có việc nên giờ mới lên được tới nơi”.

Vì bận việc vào buổi sáng thứ 7, chị không thể tham gia cùng đoàn xuất phát như kế hoạch, chị Trịnh Thị Phương Hoa, công ty Việt SSI đã không từ bỏ chuyến đi mà lặn lội một mình bắt xe khách ngoài bến, quyết tâm đến với các em nhỏ miền núi.
Chị Trịnh Thị Phương Hoa, công ty Việt SSI đã lặn lội một mình bắt xe khách ngoài bến, quyết tâm đến với các em nhỏ vùng cao miền núi. (Ảnh: Tiểu Phương)
Chị Trịnh Thị Phương Hoa, công ty Việt SSI đã lặn lội một mình bắt xe khách ngoài bến, quyết tâm đến với các em nhỏ vùng cao miền núi. (Ảnh: Tiểu Phương)

Mặc dù vừa mệt, vừa đói nhưng trên khuôn mặt chị vẫn hiện lên nụ cười tươi rói. “Lên được đến đây là mình thở phào rồi! Trước khi đi, mọi người cứ lo lắng vì cảm thấy khá nguy hiểm. Bởi lẽ, tôi phải đi xe ôm gần 15km đường rừng khúc khuỷu với một người vùng cao mà tôi không hề quen biết. Một thân một mình nơi vùng đất mới, lạ lẫm, không người thân thích, còn đường rừng thì vắng vẻ, điện thoại thì mất sóng, không liên lạc được với bên ngoài… Nhưng gạt đi tất cả, trong tôi luôn có một niềm tin: Khi mình làm việc tốt thì không ai lại đi làm điều không tốt cho mình”.

Trao đổi ngắn với phóng viên trên ô tô sau khi trải nghiệm chuyến đi thiện nguyện từ Nậm Mười về, chị Hoa cho biết: “Chị thấy có trách nhiệm hơn với những việc mình làm, với đồng tiền mình kiếm được”.

“Nghĩ tới cảnh cả đoàn ô tô con đi dự tiệc, mỗi người một xe thừa thãi, hoặc trong các buổi tiệc tùng, người ta thết đãi nhau các sơn hào hải vị, thừa mứa, ê chề, rồi ép nhau uống đến say, tôi cảm thấy xót xa hơn bao giờ hết! Các em ở đây chỉ cần 2.000 đồng tiền lẻ thôi – cái số tiền ít ỏi mà đôi khi các bà nội trợ đi chợ mua hàng hay khi nhận tiền thừa mua xăng, nhiều người còn xua tay: “thôi, bỏ đi, tôi không cần lấy”. Chua chát lắm thay!”

Vì vậy, với chị Hoa, chuyến đi từ thiện này không chỉ giúp các em thêm chút đạm cho bữa cơm mà còn hữu ích cho chính bản thân chị nữa.

“Tôi ân hận những lúc mình hoang phí cho rượu chè”

Anh Bùi Thịnh, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Nhật Thăng, chuyên về vé máy bay cho biết: "Đây là lần đầu tiên anh theo chân một đoàn từ thiện đi về vùng sâu, vùng xa. Tôi thấy nó như một cái duyên, hôm trước, tôi gặp đại đức Thích Quảng Hoàng, thầy bảo tôi nên đi, và chẳng ngần ngại, tôi đã gật đầu đăng kí đi ngay, mặc dù công việc đang rất bận”.

Là một người theo đạo Phật, anh Thịnh luôn tâm niệm: "Mình phải làm những điều tốt. Khi làm điều gì đó không đúng, lương tâm sẽ rất cắn rứt, áy náy. Trước chuyến đi, biết các em ở vùng cao khó khăn, tôi cũng muốn trực tiếp tới để cảm nhận, để tận mắt thấy những thiếu thốn của người miền núi. Giờ thì thấy thương lắm! Nghĩ lại những lúc mình rượu chè, hoang phí mà ân hận” – anh Thịnh chia sẻ.

Anh Bùi Thịnh, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Nhật Thăng: "Là một người theo đạo Phật, tôi luôn tâm niệm: Mình phải làm những điều tốt". (Ảnh: Xuân Trung)
Anh Bùi Thịnh, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Nhật Thăng: "Là một người theo đạo Phật, tôi luôn tâm niệm: Mình phải làm những điều tốt". (Ảnh: Xuân Trung)

“Nhìn niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa của các em nhỏ trong buổi giao lưu mà ứa nước mắt. Chúng thiệt thòi nhiều quá. So với con cháu mình dưới thành phố, mình thấy chúng thiếu thốn đủ đường. Chương trình văn nghệ mà đoàn thiện nguyện đã tổ chức cho trẻ em vùng cao thực sự có ý nghĩa lớn lao đối với các em. Mình nghĩ: Đây có thể là chương trình đáng nhớ nhất đời, là ấn tượng sâu sắc sẽ theo các em suốt những chặng đường còn lại…

Với chuyến đi này, tôi cảm thấy mình thanh thản hơn vì đã được một lần về với các cháu. Đỡ day dứt hơn vì góp thêm một bát cơm, một ly sữa, một chút đạm cho bữa ăn quá khổ chỉ toàn rau và nước canh loãng ấy!

… Mình có hỏi một học sinh lớp 9, rằng: “Bé có đi học tiếp không, nếu có điều kiện”, em ấy bảo “không đi học được nữa vì nhà nghèo lắm, chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện học tiếp”. Cuộc sống thời buổi hiện đại rồi vẫn còn những hoàn cảnh thương tâm, khao khát học mà không được đi học. Câu trả lời của em nhỏ đó thực sự đã thức tỉnh tôi”.

Trẻ em Nậm Mười đã dạy tôi về sự lạc quan, niềm vui sống

“Tôi đã đi khá nhiều địa điểm vùng cao, tuy nhiên, chưa bao giờ đi xe ôm vào quãng đường xa và khó khăn, gian khổ đến như thế. Tuy nhiên, đó không phải là điều tôi ấn tượng nhất. Điều tôi nhớ tới đầu tiên khi nhắc tới Nậm Mười, khi nhắc tới các trẻ em vùng cao đó lại là sự khéo tay, niềm lạc quan và tình yêu sự sống.

Các em biết tạo niềm vui cho cuộc sống của mình bằng những gì giản dị, đời thường nhất. Một lẵng hoa được tết bằng thân cây cỏ rất đẹp khiến tôi vô cùng khâm phục. Tôi thấy: Trẻ con miền núi có cái khéo tay mà trẻ em thành phố chưa có được!”.

Các em nhỏ vùng cao biết tạo niềm vui cho riêng mình bằng những gì giản dị, đời thường nhất như những bông hoa rừng đầy hương sắc.
Các em nhỏ vùng cao biết tạo niềm vui cho riêng mình bằng những gì giản dị, đời thường nhất như những bông hoa rừng đầy hương sắc.
Đó là những cảm nhận rất riêng của bạn Chu Quỳnh Giang, đang làm việc tại Hệ thống trái cây tươi Klever Juice.

Giang tâm sự: "Chuyến đi này thực sự rất thú vị, tôi vừa được thăm quan du lịch, biết được một điểm đến mới với đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc miền núi, vừa được trải nghiệm những cảm xúc thật đặc biệt."

Bạn Chu Quỳnh Giang (làm việc tại Hệ thống trái cây tươi Klever Juice): Chuyến đi này thực sự rất thú vị, tôi vừa được thăm quan du lịch, biết được một điểm đến mới với đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc miền núi, vừa được trải nghiệm những cảm xúc thật đặc biệt. (Ảnh: Xuân Trung)
Bạn Chu Quỳnh Giang (làm việc tại Hệ thống trái cây tươi Klever Juice): Chuyến đi này thực sự rất thú vị, tôi vừa được thăm quan du lịch, biết được một điểm đến mới với đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc miền núi, vừa được trải nghiệm những cảm xúc thật đặc biệt. (Ảnh: Xuân Trung)

“Sau chuyến đi, chắc chắn tôi sẽ làm một điều gì đó để chia sẻ, để lan tỏa những cảm xúc đang có trong trái tim mình. Nếu đứng ra kêu gọi một cách khiên cưỡng thì vô tình sẽ làm mất đi tính chất thiêng liêng của buổi từ thiện này. Thôi thì, hãy để các câu chuyện lay động trái tim mỗi người. Bởi lẽ, cái gì chân thành dễ dẫn đến với trái tim”...

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn



Tiểu Phương